Nhộn nhịp chợ hoa tết cho người 'cõi âm'

Đình Huy
Đình Huy
08/01/2023 10:16 GMT+7

Thời điểm này, nhiều người dân bắt đầu mang đồ lễ, cây cảnh như đào, quất đi tảo mộ và thắp nhang để thể hiện tấm lòng với người đã khuất.

Tảo mộ ngày tết là một trong những phong tục tốt đẹp của người Việt Nam, nhắc nhở con người về tấm lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với ông, bà, tổ tiên. Đây là dịp để người còn sống thể hiện tấm lòng với người đã khuất. Lễ tảo mộ thường bắt đầu từ ngày 10 - 30 tháng chạp.

Người dân bắt đầu đi tảo mộ trước tết Nguyên đán 2023

Đình Huy

Theo ghi nhận của Thanh Niên, chỉ còn nửa tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2023 nên nhiều người dân đã đổ về nghĩa trang Lạc Hồng Viên (H.Kỳ Sơn, Hòa Bình) để tảo mộ.

Các gia đình đều mang theo những cành đào, cây quất đến mộ làm lễ, mời gia tiên về đón tết.

Cẩn thận cắm từng cành đào vào lọ hoa bên phần mộ của người đã khuất, bà Hoàng Thu Hồng (56 tuổi, trú Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do nhà ở cách nghĩa trang khoảng 50 km nên bà đã đi chợ mua lễ từ hôm trước và phải đi từ rất sớm.

Bà Hồng (áo đen) đang sắp lễ để thắp hương mời gia tiên về đón tết

Đình Huy

Theo bà Hồng, tảo mộ ngày tết là việc bắt buộc, dù gia đình có bận đến mấy cũng thu xếp thời gian. "Trước khi năm cũ khép lại, tôi đến nghĩa trang để mời ông, bà, tổ tiên về đón tết. Tôi mong sang năm mới, mọi điều tốt đẹp nhất luôn đến với các thành viên trong gia đình”, bà Hồng nói.

Cách khu vực nhà bà Hồng không xa, gia đình ông Dương Đức Minh (70 tuổi, trú Q.Ba Đình, Hà Nội) đang tất bật sắp lễ, hoa để tảo mộ.

Gia đình ông Minh có hàng chục người với nhiều thế hệ từ con, cháu, chắt cùng tề tựu ở khuôn viên phần mộ gia tiên để tưởng nhớ, mời tổ tiên về đón tết.

Gia đình nhà ông Minh trước phần mộ người thân đã khuất

Đình Huy

"Năm nào chúng tôi cũng đi tảo mộ vào thời điểm này. Chúng tôi hy vọng những điều không may trong năm cũ sẽ qua. Sang năm mới, các thành viên trong gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, đạt được kết quả như mong muốn để cùng đóng góp vào sự phát triển của xã hội", ông Minh nói.

Đánh đàn cho người "cõi âm"

Tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên những ngày này, hàng chục chậu quất, đào, hoa giấy… được sắp xếp ngay ngắn, đẹp mắt để phục vụ người dân có nhu cầu mua cây cảnh cho người thân đã khuất.

Khu vực chợ hoa tết nhộn nhịp người mua

Q.K

Không khí tại đây diễn ra rất nhộn nhịp. Sau khi thỏa thuận về giá cả, cây cảnh sẽ được chở thẳng ra phần mộ của các gia đình phục vụ cho việc tảo mộ.

"Chúng tôi đi từ Hà Nội đến đây để tảo mộ nhưng mang theo nhiều đồ đạc, không thể chở thêm cây cảnh. Rất may đến đây có nhiều đào, quất để lựa chọn", một người đi tảo mộ nói.

Thắp nén nhang cho người vợ đã khuất, ông Đinh Tùng Bách (52 tuổi, trú H.Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) không khỏi xúc động. Ông cho biết, vợ mình đã mất cách đây 5 năm do bạo bệnh nên cứ vào thời gian này, ông sẽ ngồi đánh đàn bên phần mộ vợ với mong ước vợ sẽ luôn phù hộ cho gia đình.

Ông Bách ngồi đàn bên phần mộ của vợ

Q.K

“Vợ tôi từng là diễn viên, biên đạo múa nhưng không may mắc bệnh qua đời. Tôi đến đây để gẩy những khúc đàn vợ thích và mong năm mới luôn bình an, sức khoẻ cho mọi người", ông Bách nói.

Th.S Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó trưởng Khoa Đông phương học (Trường ĐH Văn Hiến), cho biết tảo mộ mỗi dịp tết đến là một nét đẹp văn hóa được người Việt gìn giữ, lưu truyền bao đời nay.

Người Việt vốn quan niệm “sống cái nhà, chết cái mồ” nên vào những ngày cuối năm vừa chăm lo quét dọn nhà cửa, vừa đi thăm viếng, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố.

"Khi cha, mẹ còn sống thì con cái hiếu thảo quây quần, sum họp, chăm sóc; còn khi cha, mẹ, ông, bà đã mất thì phát cỏ, dọn mộ, cúng kiếng như mời về ăn tết sum vầy cùng con cháu. Cận giao thừa mà việc tảo mộ chưa xong thì thấy lòng còn bề bộn chưa yên", bà Yến chia sẻ.

Về đồ cúng kiếng, theo bà Yến, ngày nay bộ lễ vật đã được các gia đình giản lược, chủ yếu gồm hương, tiền vàng, hoa quả tươi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.