'Chợ cõi âm' ở TP.HCM dịp tết: Kinh tế eo hẹp, khách bớt chọn ‘nhà lầu, xe hơi’

06/01/2023 12:53 GMT+7

Những ngày sát Tết Nguyên đán 2023, chợ Thiếc có khá đông người ghé mua hàng mã. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, khách chủ yếu mua ít tiền vàng, quần áo, không còn cảnh mua nhiều như trước đây.

Chợ Thiếc (Q.11, TP.HCM) có nhiều cửa hàng bán đồ vàng mã nằm sát nhau. Nhiều người thường gọi đây là chợ “cõi âm” vì vàng mã có nhiều mẫu mã, số lượng lớn. Những ngày sát tết, khách hàng thường đến đây tìm mua vàng mã về cúng ông bà, tổ tiên.

Không đốt hàng xa hoa, lộng lẫy

Với quan niệm “trần sao âm vậy” nhiều tiểu thương trên đường Trần Quý, Tân Phước bày bán mẫu vàng mã hiện đại như: nhà lầu, điện thoại, xe hơi, túi xách,… Bà Nữ Nương (66 tuổi) bán vàng mã tại chợ Thiếc hơn 40 năm nay. Những ngày này, cửa hàng bà tấp nập hơn. Vì có mối từ trước nên bà không phải lo lắng chuyện nhập hàng tết, cứ đến ngày hàng sẽ được giao đến tận nơi. Năm nào cũng vậy, bà bán đến trưa 30 tết mới nghỉ, về nhà ăn bữa cơm tất niên với gia đình.

“Năm nay hàng vẫn đa dạng như các năm trước từ tiền vàng, giấy tờ, đèn nhang,… đến những mẫu hiện đại như: ipad, điện thoại, xe hơi,… Người dân tranh thủ đi mua sớm nên trước cả nửa tháng đã có không khí tết, khách cứ vô ra liên tục”, bà nói.

Tiền vàng được treo chồng chất lên nhau

dương lan

Theo bà Nương, khách đông nhưng lượng hàng mua giảm nhiều so với hồi trước. Bà cho rằng, năm nay tình hình kinh tế của người dân eo hẹp hơn, không dư giả nên việc chi tiền mua hàng mã không còn nhiều.

Nhiều bộ có đầy đủ mẫu mã để khách lựa chọn

dương lan

“Công nhân mất việc, thu nhập kém nên mua ít. Hàng vàng mã người ta kiếm được tiền mới mua nhiều còn không chỉ mua ít tiền vàng, vài bộ quần áo. Thêm nữa, ít năm gần đây thói quen cúng nhiều vàng mã giảm nhiều. Tôi nhớ trước đây rằm tháng 7, người ta cúng cô hồn mua nhiều vàng mã, rải tiền nhưng giờ ít hẳn. Buôn bán kém nhưng giờ có tuổi đi làm không ai mướn nên tôi cứ bán ở chợ vậy, khách mua ít nhưng vẫn có”, bà cho biết.

Điện thoại, máy tính bảng được làm đẹp mắt

dương lan

Tại cửa hàng bà Nương, đồ vàng mã có mẫu chiếc áo có giá từ 10.000 đồng, Ipad từ 8.000 đồng, túi xách từ 10.000 – 15.000 đồng tuỳ loại. Tại đây, hàng làm bằng giấy, in đủ màu sắc và treo chồng lên nhau. Những ngày sát tết, bà chủ phải thuê thêm người bán để khách muốn mua gì cũng đều đáp ứng được.

Vàng mã tại chợ Thiếc có nhiều loại

dương lan

Bà Vân (40 tuổi) cùng mẹ bán hàng mã tại chợ Thiếc. Mẹ bà là người gốc Hoa, bán tại chợ mấy chục năm nay. Bà nối nghiệp bán mặt hàng này và phụ giúp mẹ. Cửa hàng bà bán cả khách sỉ lẫn khách lẻ.

“Khách sỉ đến mua sớm hơn khách lẻ. Khách mua lẻ phải đến ngày ông Công, ông Táo mới mua đông. Dù vậy trước rằm tháng chạp đã có không khí tết, khách ra vào nhộn nhịp”, bà cho hay.

Túi xách với kiểu dáng hiện đại

dương lan

Theo bà Vân, năm nay giá cả vẫn tăng so với những năm trước. Khách thường chọn mua bộ vàng mã có đủ loại thay vì mua riêng lẻ. Bà cũng đặt hàng, nhắc nhà sản xuất xếp sẵn từng loại để khách dễ lấy.

“Đây là phong tục hướng đến tổ tiên, ông bà nên dù mua ít hay nhiều cũng phải có trong ngày tết. Khách cũng muốn đốt tý nhang khói lên bàn thờ cho ấm cúng. Với khách lẻ giờ không còn mua nhiều đến mấy triệu tiền vàng mã, chỉ mua ít dùng theo quan niệm dân gian”, bà chia sẻ.

TP.HCM chuẩn bị lượng hàng trị giá hàng ngàn tỉ hỗ trợ người thu nhập thấp

Người dân không còn đốt vàng mã?

Bà Thu (65 tuổi, ở Q.11) cùng chồng đến chợ Thiếc mua vàng mã chuẩn bị tết. Bà tính mỗi người trong gia đình đã khuất để chọn mua cho phù hợp. Quần áo, giày dép, tiền vàng,… là những mẫu bà chọn. Bà tranh thủ đi sớm vì sợ sát tết khách sẽ đông, gặp tình trạng chen chúc.

“Từ ngày 20. 12 âm lịch nhà tôi sẽ đi tảo mộ, mời cha mẹ, ông bà về ăn tết. Nhà tôi đốt vào ngày tảo mộ, tất niên và hoá vàng ngày mùng 3 tết. Chợ Thiếc vàng mã có nhiều kiểu loại tôi đến đây mua cho dễ. Tôi nhẩm tính trong đầu nhà có bao nhiêu người mất rồi chọn từng loại cho phù hợp. Với tôi, đốt vàng mã là phong tục dân gian, không thể thiếu vào ngày giỗ, tết nên vẫn phải có. Tôi chỉ mua những thứ đơn giản, không xe hơi, nhà lầu tránh lãng phí”, bà nói.

Người dân chủ yếu chọn những mẫu quần áo

dương lan

Bà Vũ Thị Mai (42 tuổi, ở Q.11) cho biết, hàng năm mẹ bà thường đi mua nhưng năm nay tiện đường nên bà vào chợ tự chọn. Ở chợ có nhiều mẫu mã đa dạng nhưng chỉ chọn những loại phù hợp với nhu cầu của gia đình.

Không khí tại chợ Thiếc nhộn nhịp những ngày sát tết

dương lan

“Quần áo, giày dép, tiền vàng,… là những thứ nhà tôi hay đốt cho người đã mất. Tôi thấy có nhiều mẫu xa hoa, lộng lẫy nhưng tôi chỉ chọn những thứ đơn giản, không đốt quá nhiều”, bà bày tỏ.

Nhang được bày biện phía trước để khách dễ chọn

dương lan

Khách thường đến chợ Thiếc mua vàng mã

dương lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.