Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được dự đoán sẽ dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu không gian văn phòng và công nghiệp trong thời gian tới.
Dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center đã hoàn thành giai đoạn 1 - Ảnh: HAGL |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết: “AEC ra đời sẽ kích thích giao lưu về kinh tế thương mại, kích thích sản xuất, từ đó sẽ làm tăng các nhu cầu về nhà xưởng, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ, nhà ở cho thuê...”.
Trong báo cáo nghiên cứu gần đây của Tập đoàn bất động sản CBRE về “Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Động lực phát triển cho thị trường bất động sản khu vực Đông Nam Á”, các chuyên gia của tập đoàn này dự đoán số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập trong khu vực sẽ ngày càng gia tăng và nhiều công ty đa quốc gia hơn sẽ tham gia vào thị trường, do đó nguồn cung - cầu không gian công nghiệp và văn phòng tại hầu hết các thị trường trong khối ASEAN sẽ tăng lên trong thời gian ngắn và trung hạn.
“Tuy vẫn còn nhiều rào cản và hạn chế mà các nước trong khối ASEAN cần phải vượt qua, khu vực này vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp và bất động sản thương mại với việc hình thành AEC”, ông Desmond Sim, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của CBRE tại Singapore và khu vực Đông Nam Á, viết trong báo cáo.
Trong một thông cáo gần đây, Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) dự báo khu vực ASEAN sẽ cần thêm 700 triệu m2 diện tích văn phòng trong 10 năm tới. “Thật đáng ngạc nhiên nếu biết rằng diện tích cần xây dựng trung bình mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ở khắp khu vực Đông Nam Á tương đương với diện tích văn phòng ở khu vực trung tâm Singapore”, ông Alastair Hughes, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL viết trong thông cáo.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Các chuyên gia cho rằng trong khi đầu tư bất động sản vào Singapore, Malaysia, hay Thái Lan sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt thì những thị trường khác như Myanmar và Philippines sẽ “dễ thở” hơn cho các doanh nghiệp bất động sản VN. Ông Lê Hoàng Châu nhận định: “Trong ASEAN, có một nước sẽ bứt phá rất nhanh là Myanmar. Nền tảng của Myanmar là nhiều người sử dụng tiếng Anh trong quá khứ vì trước đây Myanmar là thuộc địa của Anh, nguồn tài nguyên rất lớn chưa khai phá và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng sẽ nhanh chóng hình thành”. Vì vậy, Myanmar sẽ có nhu cầu rất lớn về bất động sản để đón dòng đầu tư nước ngoài.
Theo ông Châu, các doanh nghiệp bất động sản Việt có thể đầu tư xây văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, căn hộ cho thuê hoặc phát triển khu công nghiệp ở Myanmar. “Đã có doanh nghiệp đi trước là Hoàng Anh Gia Lai (doanh nghiệp này đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center tại TP.Yangon và đưa vào sử dụng hồi cuối tháng 6 - PV), dự báo trong thời gian tới sẽ có thêm doanh nghiệp VN đầu tư vào Myanmar”, ông nói.
Công ty JLL nhận định thị trường bất động sản văn phòng tại Philippines cũng thích hợp để đầu tư vì nhu cầu không gian văn phòng tại đây đang tăng. Philippines là trung tâm gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Ngành gia công ở nước này dự kiến sẽ tăng trưởng 15 - 18% trong hai năm tới, đồng nghĩa với nhu cầu không gian văn phòng sẽ tăng lên, ông Hughes cho biết.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, nhận xét: “Vốn nước ngoài đang đổ vào các dự án văn phòng cao cấp tại Manila. Các nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm đến phân khúc này trong những năm gần đây... Với sự hình thành AEC, thị trường bất động sản văn phòng tại Manila sẽ càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư”.
Đối với các thị trường khác trong khu vực, ông Lê Hoàng Châu nhận định Lào là thị trường nhỏ nên các doanh nghiệp Việt phải nghiên cứu rất kỹ trước khi quyết định đầu tư, còn với Campuchia thì phải cẩn trọng vì hiện nay có những rủi ro về an ninh, kỳ thị. Nhưng dù muốn đầu tư ở bất cứ nước nào trong khu vực, các doanh nghiệp phải nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu của thị trường để chọn phân khúc thị trường đầu tư phù hợp, ông Châu khuyên. “Nếu khảo sát thấy phân khúc nào có nhu cầu, có tính thanh khoản tốt thì tập trung đầu tư vào đó, đừng tham vọng đầu tư một cách dàn trải hoặc theo cảm tính”, ông nói.
Bất động sản ASEAN thu hút vốn đầu tư lớn
Tổng vốn đầu tư vào bất động sản trong khu vực ASEAN từ năm 2005 đến năm 2014 là 28,2 tỉ USD. Trong vòng 5 năm gần đây, từ năm 2010 đến năm 2014, Trung Quốc giữ vị trí nhà đầu tư hàng đầu vào thị trường ASEAN, chiếm 29% tổng vốn đầu tư với trị giá đầu tư lên đến 4,42 tỉ USD. Singapore đứng vị trí thứ hai với trị giá đầu tư là 4,27 tỉ USD, chiếm 28% tổng vốn đầu tư trong cùng giai đoạn.
(Nguồn: CBRE)
|
Bình luận (0)