Nhu cầu chi vượt khả năng cân đối nguồn lực

22/09/2017 10:58 GMT+7

Ngày 21.9, Bộ Tài chính cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức Diễn đàn tài chính VN 2017 với chủ đề Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững.

Các đại biểu cho rằng, từ nay đến năm 2020, ngân sách nhà nước sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, trong khi áp lực tăng chi ngân sách vẫn có xu hướng tăng, nhất là đối với yêu cầu chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo. Đây là một trong những nguyên nhân làm bội chi ngân sách và nợ công tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính công.
Theo số liệu, thu ngân sách tăng liên tục hằng năm, như số thu năm 2016 tăng gần gấp 10 lần năm 2001. Song số chi năm 2016 cũng tăng gấp 10 lần số chi của năm 2001 và gần gấp đôi số chi của năm 2010. Tổng chi năm 2016 là hơn 1,2 triệu tỉ đồng trong khi số chi năm 2010 là 671.370 tỉ đồng. Đặc biệt, chi thường xuyên quá lớn, tăng từ 55,1% (2001) lên 65,67% (năm 2016). Ngược lại, chi đầu tư phát triển lại giảm từ 31% tổng chi năm 2001 xuống còn 25% năm 2016.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết một trong những nguyên nhân chi tăng cao là do nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, gây mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Bản tin nợ công số 5 của Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ và các doanh nghiệp đã vay nợ nước ngoài hơn 80,8 tỉ USD. Trong số đó, Chính phủ vay nợ 39,6 tỉ USD còn doanh nghiệp vay 41,2 tỉ USD. Nợ công “chốt” đến năm 2015 chiếm 61% GDP (trần Quốc hội cho phép là 65% GDP), cao hơn nhiều so với mức 54,9% GDP năm 2011. Tính theo giá trị tuyệt đối, nợ công đến năm 2015 là hơn 94 tỉ USD, tương đương hơn 2 triệu tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.