Nhu cầu giáo viên tiểu học sẽ tăng

Quý Hiên
Quý Hiên
19/04/2019 09:33 GMT+7

Hôm qua (18.4), tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhóm nghiên cứu đề tài dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến các chuyên gia, nhằm tìm kiếm một mô hình dự báo để giúp Bộ GD-ĐT xác định chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm hằng năm.

 

Biến động ở cấp THCS và THPT


Tại tọa đàm, một đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ kết quả ban đầu mà nhóm đã thực hiện ở Hải Dương, Điện Biên và Bắc Giang. Theo đó, nhu cầu giáo viên (GV) trong những năm tới có sự khác nhau khá rõ giữa các địa phương. Tuy nhiên, cả 3 tỉnh đều có điểm chung là nhu cầu GV tiểu học sẽ tăng nhiều hơn so với GV các cấp học khác.
Chẳng hạn như tại Hải Dương, giai đoạn 2019 - 2026 nhu cầu GV tiểu học tăng theo năm, trong đó các môn văn hóa có nhiều biến động nhất. Cấp THCS cũng tăng theo các năm, trong đó nhóm môn nhu cầu tăng cao nhất là khối môn lịch sử, địa lý. Các môn toán và văn thì thừa GV trong giai đoạn đầu, về sau lại thiếu (tình trạng tương tự với cả cấp THPT). Cấp THPT nhu cầu không đồng đều ở các môn. Trong khi môn nghệ thuật cần tăng nhiều GV thì các môn lý, hóa sẽ thừa khá nhiều GV.
Còn tại Điện Biên giai đoạn 2017 - 2031 nhu cầu cao nhất cũng là GV tiểu học, và không biến đổi nhiều lắm về GV ở cấp THPT. Với cấp tiểu học, nhu cầu GV các môn đều tăng nhẹ, trong đó lớn nhất là GV môn ngoại ngữ. Cấp THCS, nhu cầu lớn là môn ngoại ngữ. Các môn toán, văn có sự biến thiên, ban đầu thừa, về sau thiếu. Nhóm môn lý, hóa, sinh do có sự thay đổi về chương trình giáo dục phổ thông nên GV các môn này sẽ dôi dư. Tình trạng này cũng sẽ xảy ra ở cấp THPT.
Với Bắc Giang, nhu cầu GV lớn nhất là tiểu học, thấp nhất là THPT. Nhu cầu GV tiểu học tăng nhẹ ở 4 nhóm môn: nghệ thuật, tin học - công nghệ, thể dục, ngoại ngữ. Đặc biệt, nhu cầu GV các môn văn hóa ở tiểu học tăng khá mạnh, lên đến hơn 2.500 GV vào năm 2026. Cấp THCS, nhu cầu GV rất cao ở tất cả các môn, trong đó cao nhất là toán, văn, lý, hóa, sinh. Nhóm môn nhu cầu trung bình có ngoại ngữ, sử, địa, thể dục, nghệ thuật. Nhu cầu thấp hơn có giáo dục công dân, công nghệ, tin học. Cấp THPT, nhu cầu cao vẫn là các môn văn, toán, ngoại ngữ.

Nhiều yếu tố chi phối nhu cầu giáo viên

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, việc tính toán nhu cầu GV cần được thực hiện theo đơn vị quận/huyện, hoặc thậm chí theo từng trường học, bởi nếu theo đơn vị cấp tỉnh thì sẽ khó mà đưa ra được con số có ý nghĩa thực tế. Ông Hải liệt kê một loạt biến số mà nhóm nghiên cứu cần phải tính đến khi tính toán để xác định con số dự báo nhu cầu GV, vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường học, rồi các quy định về định biên, sĩ số HS/lớp học, số lớp học…
Ông Hải cũng cho biết Cục Công nghệ thông tin có thể hỗ trợ nhóm nghiên cứu trong việc cung cấp thông tin hiện trạng đội ngũ. Hiện nay Cục có ảnh của gần 1,5 triệu nhân viên, GV và cán bộ quản lý trên cả nước, kèm theo là các thông tin chi tiết như họ tên ngày tháng năm sinh, giới tính, lương, số điện thoại hoặc địa chỉ liên hệ. Ngoài ra, Cục còn có một số biến số ảnh hưởng gián tiếp như số sinh viên đang học ở các trường sư phạm để qua đó dự đoán nguồn cung cho từng địa phương trong tương lai.
Ông Trần Kim Tự, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà giáo và cán bộ giáo dục, cũng góp ý cần nghiên cứu đến nhiều tác động khác, như cần tính toán thêm quy định về luật lao động hiện đang được đề nghị sửa đổi tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60. Nếu áp dụng như hiện nay nam 60, nữ 55 thì dự báo sẽ không còn chính xác. “Còn việc thực hiện Nghị quyết T.Ư về sắp xếp đội ngũ, phải có thực tiễn ở một số nơi để đánh giá tác động và nhu cầu sử dụng đội ngũ theo chủ trương này”, ông Tự khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.