Thiếu giáo viên mà không được tuyển: Ngành giáo dục phải là đầu mối tuyển dụng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/08/2018 08:49 GMT+7

Không ít chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cho rằng vấn đề hiện nay là người quản lý trực tiếp hiểu rõ công chức đó thực sự có năng lực hay không, lại không có quyền được tuyển dụng.

Thiếu mà vẫn thừa
Theo Bộ GD-ĐT, hiện cả nước thiếu 5.315 giáo viên (GV) tiểu học, mầm non thiếu 34.641 GV. Trong khi tổng biên chế GV của các tỉnh/TP có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế) nhưng số lượng GV tuyển ở các bậc THCS và THPT lại thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho bậc mầm non.
Kết quả rà soát đội ngũ GV đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, cho thấy đối với tiểu học, bình quân một năm có 2% GV nghỉ hưu, tương đương 7.940 GV. Như vậy, số được tuyển mới bổ sung thay thế GV nghỉ hưu hằng năm sẽ khoảng 3.970, cộng với mỗi năm tuyển mới khoảng 3.900 GV, tổng cộng trung bình sẽ phải tuyển mới khoảng hơn 7.000.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT hiện tại cả nước thiếu khoảng 5.616 GV tiếng Anh, 5.607 GV tin học ở tiểu học. Căn cứ vào lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, mỗi năm học sẽ phải tuyển bổ sung khoảng trên dưới 2.000 GV tiếng Anh và cũng chừng ấy GV tin học.
Trong khi đó, với GV bậc THCS, Bộ đưa ra khuyến cáo cần tạm dừng tuyển mới trong vòng 3 năm ở một số địa phương. Điều này được Bộ GD-ĐT lý giải bình quân một năm có 2% GV THCS nghỉ hưu, tương đương 6.219 GV, như vậy số GV tuyển bổ sung thay thế nghỉ hưu là 3.110, cộng với số GV cần tuyển mới do tăng quy mô học sinh (HS) là 1.250. So với số GV THCS đang thừa là 9.246 (tính đến thời điểm tháng 11.2017) thì các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng GV cần tuyển mới, trong đó ưu tiên tuyển GV cho những môn học còn thiếu.
Theo Bộ GD-ĐT, đối với các địa phương đang thừa GV, trong khoảng 3 năm học tới, có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết dứt điểm tình trạng thừa. Đồng thời, rà soát, sắp xếp, điều tiết GV hợp lý giữa các trường trên cùng địa bàn để bảo đảm hợp lý về số lượng GV và cơ cấu môn học cho từng trường THCS theo số lượng hiện có.
Hà Nội tăng hơn 100.000 học sinh
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019 có 2.689 trường và 1.986.809 HS (tăng 48 trường, 109.930 HS). Việc số HS tăng đột biến ở tất cả các cấp học vẫn dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ ở một một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông... khiến sĩ số lớp 1 của không ít trường tiểu học lên tới 60 HS/lớp.
Tương tự, ở cấp THPT, số được tuyển mới bổ sung thay thế GV nghỉ hưu hằng năm sẽ khoảng 1.507, cộng với số GV cần tuyển mới do tăng quy mô HS là 2.250. Trên cơ sở số GV thừa khoảng 8.874 khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần tính toán nhu cầu tuyển mới GV THPT từ nay đến năm 2025, trong đó ưu tiên tuyển 5.400 GV dạy môn nghệ thuật (2.700 GV âm nhạc, 2.700 GV mỹ thuật) để bắt đầu dạy từ năm 2021. Đây là môn học lần đầu tiên được đưa vào là môn tự chọn ở cấp THPT.
Bỏ biên chế giáo viên ?
Xung quanh thực trạng thừa thiếu GV cục bộ, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng một trong những nguyên nhân chính là ngành giáo dục (đặc biệt là phòng GD-ĐT) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng GV nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, việc tuyển dụng GV còn chưa gắn với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Trên thực tế, những nơi cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền tuyển dụng hoặc tham mưu tuyển GV đáp ứng đúng nhu cầu đang cần thì nơi đó sẽ tuyển được những GV giỏi mà không nhất thiết phải được vào “biên chế” như nhiều người suy nghĩ.
Bộ GD-ĐT phải tham mưu chính sách phù hợp
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Tôi rất muốn Bộ GD-ĐT chỉ ra những bất cập và tham mưu giải pháp tháo gỡ. Những nhà giáo không đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới thì chúng tôi phải tính toán những chính sách phù hợp hơn cho đội ngũ này và cũng cần có những chính sách để đảm bảo công bằng cho người học”.
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ kinh nghiệm khi ký hợp đồng với những người giỏi về làm GV cho các trường học trên địa bàn quận. “Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo quận ký hợp tác liên kết với các trường đào GV có tiếng… Các nhà trường tạo điều kiện cung cấp và đào tạo, bồi dưỡng những nội dung mới nhất về giáo dục cho đội ngũ cán bộ, GV trong quận. Quận ưu tiên tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi về công tác. Trong 3 năm gần đây đã tuyển chọn được gần 100 sinh viên tốt nghiệp như vậy. Hiện đội ngũ này được bố trí đều trong các trường trong quận, phát huy tốt sở trường năng lực... Một số sinh viên giỏi đã chủ động tìm đến các trường”, ông Ngọc Anh cho biết.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cho rằng bỏ biên chế vĩnh viễn đối với GV và chuyển sang cơ chế hợp đồng, giao cho trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng nhà trường được tuyển dụng, đánh giá. Để minh họa, ông Khang cho biết tại các trường tư như trường ông, việc tuyển dụng GV vừa đúng với từng vị trí việc làm lại vừa có cơ chế để họ không phải vào rồi là “yên vị” mà phải không ngừng phấn đấu, trau dồi năng lực, phẩm chất để giữ được việc làm của mình. “Đây là xu hướng của thế giới, tránh việc tuyển dụng theo biên chế dẫn tới việc vừa thừa, vừa thiếu như hiện nay đồng thời tạo động lực cho người lao động làm việc tốt hơn”, ông Khang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.