Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15

Nhu cầu nâng cấp vai trò của cảnh sát biển và tiếng nói của thế hệ trẻ

26/10/2023 22:24 GMT+7

Vào ngày cuối 26.10, Hội thảo về Biển Đông ở TP.HCM chứng kiến 4 phiên thảo luận chính và 1 bài phát biểu quan trọng của đại diện Liên minh châu Âu (EU).

Nhu cầu nâng cấp vai trò của cảnh sát biển và tiếng nói của thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Hội thảo chứng kiến sự xuất hiện của thế hệ kế thừa

THỤY MIÊN

Trong Phiên 5 "Vai trò của Cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông", các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển ở khu vực.

Nâng cấp vai trò và liên kết cảnh sát biển

Hầu hết các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động "vùng xám", một số hoạt động đơn phương của tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây.

Trong bối cảnh này, các ý kiến tại hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao cảnh sát biển. Theo đó, các nước nhỏ và vừa nên đẩy mạnh hợp tác, tương tác với nhau, hành động nhất quán, đoàn kết dựa trên luật pháp quốc tế để tạo sức mạnh tập thể, trong đó có khuyến nghị thể chế hóa Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN.

Một số ý kiến cho rằng các nước trong khu vực cần thống nhất chuẩn mực của tàu cảnh sát biển, hợp tác chia sẻ chuyên môn về thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an toàn, môi trường biển và duy trì trật tự trên biển, nâng cao kỹ năng và sự chuyên nghiệp của cảnh sát biển.

Bên cạnh đó, cảnh sát biển khu vực được cho nên hợp tác xây dựng năng lực an ninh biển với các nước lớn ở trong và ngoài khu vực, xây dựng các bộ quy tắc kiểm soát hành vi của lực lượng cảnh sát biển.

Nhu cầu nâng cấp vai trò của cảnh sát biển và tiếng nói của thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đặt câu hỏi tại hội thảo

THỤY MIÊN

EU và lợi ích chiến lược ở Biển Đông

Tham gia hội thảo trực tuyến, bà Paola Pampaloni, Quyền Vụ trưởng Vụ châu Á và Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) nhấn mạnh, đối với EU, chủ nghĩa đa phương có ý nghĩa quan trọng, đặt trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương và cạnh tranh nước lớn có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo bà, chủ nghĩa đa phương vẫn tiếp tục là công cụ hiệu quả nhất trong quan hệ quốc tế, có lợi cho tất cả, để các nước có thể hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp và đạt được các mục tiêu chung. Chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế không thể bị tách rời; tham gia chủ nghĩa đa phương không thể là tiến trình có "lựa chọn".

Quan chức EEAS khẳng định EU có lợi ích chiến lược và kinh tế sống còn gắn liền với an ninh trên không gian biển và sự thịnh vượng của các quốc gia ven Biển Đông. Hòa bình, ổn định, hợp tác trên Biển Đông đóng vai trò quan trọng thiết yếu với EU.

EU phản đối mạnh mẽ bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ. Bà Pampaloni khẳng định Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là "ngọn đèn dẫn đường", "kim chỉ nam" định hướng cho giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực.

Bên cạnh đó, EU ủng hộ tiến trình đàm phán do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý, trong đó COC phải tôn trọng lợi ích của bên thứ ba, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà cho biết EU luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương hiệu quả và ủng hộ nguyên tắc vai trò trung tâm của ASEAN. EU tập trung tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước thành viên của ASEAN trong đó có Việt Nam, trong các lĩnh vực như nâng cao năng lực, tăng cường nhận thức không gian biển và tăng cường hiện diện trên biển; thông qua các chương trình, dự án cụ thể.

Nhu cầu nâng cấp vai trò của cảnh sát biển và tiếng nói của thế hệ trẻ - Ảnh 3.

Vấn đề an ninh của cơ sở hạ tầng biển thu hút sự quan tâm của các đại biểu

THỤY MIÊN

Quan ngại về an ninh hạ tầng biển

Hội thảo cũng diễn ra thảo luận sôi nổi trong phiên 7 về "Cơ sở hạ tầng thiết yếu: Ý nghĩa chiến lược mới của công nghệ".

Nhiều ý kiến cho rằng mọi quốc gia dù có hay không có biển thì đều phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng dưới đáy biển, trong đó có hệ thống cáp ngầm để kết nối và truyền tải thông tin, dữ liệu.

Sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng ngoài khơi càng gia tăng trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc chuyển dịch sang năng lượng xanh. Tuy nhiên, các vùng biển thuộc khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Á, bao gồm Biển Đông, đều từng xảy ra các vụ việc mà cáp ngầm hoặc hệ thống đường ống dẫn dầu bị gián đoạn.

Hai nhân tố chính tác động đến tính dễ bị tổn thương của hệ thống cáp ngầm là căng thẳng địa chính trị và việc một số tập đoàn công nghệ lớn nắm vai trò chủ đạo trong việc lắp đặt và điều hành hệ thống đường cáp biển.

Ngoài ra, có một số ý kiến bổ sung rằng tính dễ bị tổn thương của mạng lưới cáp ngầm xuất phát từ thực tế đây là hạ tầng cứng, không thể di chuyển, cùng với vị trí nằm dưới đáy biển dẫn đến việc khó giám sát và mất thời gian xử lý sự cố. Điều này khiến cơ sở hạ tầng đáy biển dễ trở thành mục tiêu tấn công và bị phá hoại.

Để giải quyết vấn đề này, các học giả khuyến nghị các quốc gia cần đặt an ninh cơ sở hạ tầng đáy biển là cơ sở hạ tầng thiết yếu, ở mức ưu tiên tương đương với an ninh kinh tế, quốc phòng. Và các nước khu vực cần hợp tác xây dựng, duy trì và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu ở biển.

Nhu cầu nâng cấp vai trò của cảnh sát biển và tiếng nói của thế hệ trẻ - Ảnh 4.

Đại biểu trẻ đến từ Indonesia

THỤY MIÊN

Tiếng nói của thế hệ kế cận

Trong phiên cuối, năm diễn giả trong chương trình Lãnh đạo trẻ của Hội thảo từ Úc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Tổ chức quốc tế Quản lý tổng hợp bền vững biển Đông Á (PEMSEA) đã thảo luận về những lo ngại của thế hệ trẻ trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông; đồng thời chia sẻ một số ý tưởng, đề xuất để đạt được một Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Bên cạnh những mối lo ngại của khu vực từ trước đến nay liên quan đến các tranh chấp biển giữa các quốc gia, đặc biệt là những hành vi thực hiện yêu sách gây mất an ninh, an toàn hàng hải, các diễn giả trẻ cảnh báo khu vực Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng đang phải đối mặt với các mối đe dọa mang tính phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cạn kiệt tài nguyên biển, thiếu năng lượng sạch.

Các diễn giả trẻ cho rằng, để cùng đạt được hòa bình và ổn định trên Biển Đông, các quốc gia trong khu vực phải tăng cường tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài phụ lục 7 trong vụ kiện Biển Đông; sớm hoàn thành COC và đặc biệt tăng cường hợp tác với nhau cũng như với các quốc gia ngoài khu vực để cùng giải quyết các vấn đề quan ngại chung như phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển, phòng chống nước biển dâng, bảo vệ hệ sinh thái biển.

Phát biểu bế mạc, TS Nguyễn Hùng Sơn – Phó giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá hội thảo đã chỉ ra những tiềm năng to lớn của biển và đại dương, đã đề xuất nhiều cơ chế và ý tưởng hợp tác sáng tạo để hiện thực hóa tiềm năng của biển.

Theo ông, sự góp mặt của các tiếng nói trẻ mang đến dấu hiệu tích cực cho hội thảo, và cần xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà lãnh đạo trẻ khu vực quan tâm, hiểu biết và có thói quen đối thoại và hợp tác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.