Trong hội nghị triển khai công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2019 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa tổ chức tại Vĩnh Phúc, ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhận định trong khi nhu cầu nguồn nhân lực đang ngày càng cần nhiều lao động đã qua đào tạo thì lớp trẻ tham gia học nghề đang giảm dần và đó là một mâu thuẫn sâu sắc mà cả hệ thống chính trị cần phải giải quyết.
Ông Dũng cho biết, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hiện có hai điểm yếu. Một là chưa gắn kết với doanh nghiệp, hai là chưa sẵn sàng trong việc chuẩn bị các kỹ năng nghề mới trong tương lai. Vì thế, giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước hai thách thức lớn: mở rộng quy mô và làm sao để doanh nghiệp tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Dù giáo dục nghề nghiệp là một lĩnh vực rất quan trọng, rất thiết yếu đối với nền kinh tế nhưng hiện nay lại rất yếu trong hệ thống giáo dục quốc dân. “Có thể nói, trong hệ thống giáo dục quốc dân thì giáo dục nghề nghiệp là yếu thế nhất, nên làm sao để người học tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này là một vấn đề”, ông Dũng nói. .
Kỳ vọng của Đảng và nhà nước là năm 2020 có 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, năm 2025 nâng tỷ lệ này là 35 - 40%, trong khi đó tỷ lệ hiện tại là khoảng 10%. Mới đây, Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Nghị quyết về định hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đến năm 2030, trong đó đặt ra một số mục tiêu.
Ngoài nâng quy mô giáo dục nghề nghiệp lên gấp gần 3 lần hiện nay (từ 2,2 triệu người học lên 6,3 triệu năm 2030) là tái cơ cấu hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại, giảm dần các trường trung cấp, sáp nhập các trung tâm, xóa bỏ những trường chưa hiệu quả.
Mục tiêu là tập trung phát triển 100 trường chất lượng cao vào năm 2030. “Đây là một mục tiêu rất tham vọng, vì hiện nay chúng ta chưa có một trường chất lượng cao cấp quốc gia nào. Năm nay đang dự kiến đánh giá một số trường đã được tập trung đầu tư trong thời gian qua”, ông Dũng cho biết.
Một mục tiêu khác là nâng chất lượng hệ thống đào tạo nghề nghiệp. Qua thống kê cho thấy, hiện có 70% người học sau học nghề có việc làm ngay và có thu nhập tốt. Chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là năm 2030 nâng chỉ tiêu này lên 90%.
Mong muốn của Bộ là trình độ giáo dục nghề nghiệp nước ta tiếp cận được với các nước tiên tiến về giáo dục nghề nghiệp. Chẳng hạn như được gia nhập nhóm các nước G20. Trong khu vực thì vào được nhóm ASEAN 4. “Để đạt được những mục tiêu này thì cần phải giải quyết nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có người học”, ông Dũng chia sẻ.
Bình luận (0)