Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ ĐH và CĐ như thế nào thời gian tới?

Hà Ánh
Hà Ánh
23/04/2023 19:05 GMT+7

Kết quả khảo sát gần 400.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cho thấy nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm 86,92% và trong đó trình độ đại học (ĐH) trở lên chiếm tới 20,17%.

Thông tin xung quanh tuyển dụng lao độngtrình độ ĐH được chia sẻ trong ngày hội việc làm 2023 của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dành cho sinh viên, người lao động tại TP.HCM và một số địa bàn lân cận diễn ra sáng nay (23.4).

Lao động trình độ đại học được tuyển dụng ra sao thời gian tới? - Ảnh 1.

Sinh viên tìm hiểu thông tin trong ngày hội việc làm Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sáng nay

HÀ ÁNH

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,92%

Ngày hội đã thu hút 57 doanh nghiệp đến trực tiếp giới thiệu và phỏng vấn, tuyển dụng với hơn 5.000 đầu việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng chú ý, trong khuôn khổ ngày hội, tại talkshow "Bùng nổ công nghệ - Rủi ro suy thoái kinh tế và cơ hội việc làm hiện nay", các chuyên gia về nhân sự và nhà quản lý giáo dục đã có những chia sẻ thú vị về xu hướng tuyển dụng, cơ hội việc làm cho sinh viên.

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết trong quý 1 năm 2023, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho hơn 69.654 người, đạt gần 27% kế hoạch năm và tạo ra hơn 35.575 chỗ làm việc mới.

Trên cơ sở khảo sát gần 400.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, tiến sĩ Thanh Vân đưa ra dự báo trong quý 2 năm nay, TP.HCM sẽ cần 67.000 đến 73.000 chỗ làm việc mới. Trong đó, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,92% tổng nhu cầu. Trong đó, trình độ ĐH trở lên chiếm 20,17%; trình độ CĐ chiếm 18,91%; trình độ trung cấp 27,42%; trình độ sơ cấp chiếm 20,42% và lao động chưa qua đào tạo (lao động phổ thông) chiếm 13,08%.

Ở giai đoạn 2021-2025 đến năm 2030, dự báo nhu cầu nhân lực bình quân mỗi năm tại TP.HCM có khoảng 310.000-330.000 chỗ làm việc (trong đó 135.000-140.000 chỗ làm mới). Theo dự báo này, tiến sĩ Vân cũng cho biết đến năm 2025, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm 87% và trong đó trình độ ĐH trở lên chiếm 19%.

Lao động trình độ đại học được tuyển dụng ra sao thời gian tới? - Ảnh 2.

Trong bài phát biểu của mình, tiến sĩ Đỗ Thanh Vân nhấn mạnh xu hướng tuyển dụng lao động có trình độ ĐH trở lên

HÀ ÁNH

Từ số liệu này, tiến sĩ Đỗ Thanh Vân lưu ý: "Điều này cho thấy giữa các trình độ đào tạo, ĐH vẫn được ưu tiên trong tuyển dụng lao động hơn so với CĐ, chiếm hơn 20%. Những con số này chứng tỏ rằng hiện nay một số thông tin về việc tuyển dụng không cần có bằng ĐH vừa qua là chưa chính xác. Những con số này không phải dự đoán, tin đồn mà trên cơ sở khảo sát đánh giá thực tế. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế nhu cầu nhân lực rất cao trong năm nay và những năm tới".

Việc làm là có nhưng theo tiến sĩ Thanh Vân, sinh viên cần trang bị cho mình khả năng để đáp ứng một số tiêu chuẩn phát triển nghề nghiệp. Cụ thể gồm: nắm vững chuyên môn nghiệp vụ; trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm, chứng chỉ nâng cao; tuân thủ chặt chẽ những quy định trong công việc; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật liên quan đến lao động.

2 xu hướng ngành nghề đào tạo và nhu cầu xã hội

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đưa ra dự báo về 2 xu hướng ngành nghề đào tạo và nhu cầu xã hội.

Thứ nhất, những ngành hoàn toàn mới sẽ ra đời để đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên công nghệ số và đổi mới sáng tạo hiện nay. Bản thân các trường ĐH những năm gần đây cũng đã mở các ngành liên quan đến công nghệ, đổi mới sáng tạo và luôn thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký vào học với mức điểm chuẩn cao.

Thứ hai, những ngành đào tạo truyền thống phải tự đổi mới mình để có thể thích nghi với sự đào thải của nền kinh tế. Đơn cử các ngành như marketing, tài chính, kinh doanh… bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, đáp ứng năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đâu là ranh giới giữa nhảy việc và trải nghiệm?

Cũng trong chương trình, ông Bùi Quang Vinh, chuyên gia nhân sự, cũng chia sẻ hiện nay doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng những người có đầy đủ kỹ năng hơn. Như tại doanh nghiệp ông đang quản lý, trước đây có thể tuyển ba người với ba kỹ năng khác nhau vào làm về công tác nhân sự nhưng hiện nay chỉ cần tuyển một người nhưng có đầy đủ các kỹ năng đó.

Từ những 'phàn nàn' của các chuyên gia về tỷ lệ 'nhảy việc như chong chóng' của thế hệ gen Z hiện nay, một sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết rất băn khoăn về ranh giới nhảy việc và trải nghiệm nghề nghiệp.

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân cho rằng: "Đừng đồng nghĩa giữa nhảy việc và trải nghiệm, doanh nghiệp cũng kỳ vọng sự chung thủy của mình".

Lao động trình độ đại học được tuyển dụng ra sao thời gian tới? - Ảnh 4.

Sinh viên đặt câu hỏi trong buổi talkshow

HÀ ÁNH

Chuyên gia nhân sự Bùi Quang Vinh thì nói: "Nhảy việc có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Có những người chỉ muốn cống hiến chuyên môn và không có nhu cầu phát triển cao hơn. Nhưng có người muốn mình phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng doanh nghiệp không tạo đủ điều kiện để người đó phát triển, họ sẽ nhảy việc". Ông Vinh nói thêm: "Không khuyến khích nhảy việc nhưng khi có nhu cầu, mong muốn để thỏa mãn sự phát triển công việc thì bạn cứ đi nếu doanh nghiệp không đáp ứng các nguyện vọng của bạn".

Cũng theo ông Vinh: "Các bạn gen Z hiện nhảy việc rất nhiều do doanh nghiệp không đáp ứng được hết những yêu cầu của các bạn-những yêu cầu này là chính đáng chứ không phải không chính đáng. Do đó, lỗi đến từ cả 2 phía: doanh nghiệp không tạo điều kiện cho các bạn phát triển nhưng đôi khi các bạn chưa định rõ được mong muốn của mình". Ông Vinh cho rằng hiện nhiều doanh nghiệp đang 'đau đầu' khi quản lý thế hệ gen Z và có những diễn đàn được doanh nghiệp tạo ra để tìm cách thích ứng, giữ chân gen Z.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.