Như cũ mà khác cũ

17/04/2012 03:06 GMT+7

Cuộc bầu chọn người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) lần này thể hiện sự thay đổi của thời thế và tương quan ảnh hưởng giữa các nước.

Lần đầu tiên kể từ khi WB được thành lập năm 1944 đến nay, 25 thành viên của Ban Giám đốc WB phải lựa chọn giữa ứng cử viên của Mỹ và một ứng cử viên khác. Như vậy, nguyên tắc bất thành văn là Mỹ cử người đứng đầu WB còn Tây Âu bố trí nhân sự lãnh đạo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), được thỏa thuận ngầm vào năm 1944, đang bị thách thức.

Tuy nhiên, Mỹ cùng Tây Âu lâu nay luôn ủng hộ lẫn nhau để đại diện 2 bên nắm giữ vai trò lãnh đạo WB và IMF như trên. Lần này, Mỹ, EU và Nhật Bản đang nắm giữ “trọng lượng” phiếu bầu đủ để quyết định ai lãnh đạo WB. Theo đó, ứng cử viên của Mỹ, chuyên gia y tế gốc Hàn Quốc, là Kim Young-jim gần như nắm chắc ghế Chủ tịch WB. Như thế, cuộc bầu cử Chủ tịch WB lần này rồi cũng như cũ.

Mặc dù vậy, không phải mọi thứ đều như cũ mà vẫn có cái khác đi. Đó là việc dư luận thế giới ngày càng ủng hộ quan điểm xóa bỏ nguyên tắc bất thành văn trên vốn được thỏa thuận ngầm bởi Mỹ và Tây Âu để phục vụ lợi ích riêng của 2 bên. Dư luận cũng yêu cầu không chính trị hóa vấn đề bầu chọn người đứng đầu WB lẫn IMF và cần cải tổ hai định chế này để phù hợp với xu hướng cùng những thay đổi của tình hình thế giới. Hiện nay, thời hoàng kim của Mỹ lẫn Tây Âu đã qua và vị thế của các nước phát triển cũng chẳng thể mãi bất di bất dịch.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.