Thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm
Cách đây hơn 5 tháng, Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội đã tổ chức ra quân nhằm kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ.
Có tác dụng khá tốt ở thời gian đầu nhưng đến nay, vỉa hè tại nhiều tuyến phố của Hà Nội lại tiếp tục bị "nuốt chửng", điển hình như tại khu vực cầu L5, đầu ngõ 118, 120, đường Trường Chinh.
Theo quan sát, đoạn vỉa hè dài khoảng 100 m được người bán hàng tận dụng bày hàng hóa, chủ yếu là nông sản. Các loại trái cây như dưa hấu, cam, xoài, táo, bưởi, củ đậu, mận, bơ… được bày bán trên các sạp lớn, chiếm trọn phần vỉa hè dành cho người đi bộ.
Người bán còn treo bảng, biển quảng cáo nhằm thu hút khách hàng. Do thuận tiện, không ít người đi đường tranh thủ dừng xe máy, thậm chí đỗ ô tô ngay dưới lòng đường để vào mặc cả, mua trái cây, tạo ra cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông tại con đường khang trang, mật độ giao thông đông đúc này.
Anh H.V.N (32 tuổi, trú P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên đi làm qua đây, phản ánh: "Việc lấn chiếm vỉa hè khiến người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường, thêm vào đó là nhiều người dân dừng đỗ xe mua trái cây khiến các phương tiện lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Vào giờ cao điểm, nơi đây thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông".
Theo một người dân sinh sống tại ngõ 118, sau chiến dịch ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ của Hà Nội hồi tháng 3, các sạp hàng trái cây tại đây biến mất, nhưng một thời gian sau lại "đâu vào đấy".
"Họ bày bán lại trái cây vào khoảng tháng 5 vừa qua. Không những gây mất trật tự đô thị, an toàn giao thông mà nơi đây còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ban đêm, các sạp trái cây quây hàng hóa bằng bạt, bìa, an toàn cháy nổ không được đảm bảo", người này cho biết.
Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'
Khó xử lý dứt điểm
Bà N.T.L (65 tuổi, trú P.Phương Mai) chia sẻ, hàng ngày, bà ra công viên tập thể dục nên thường xuyên chứng kiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông, xả rác bừa bãi của những người bán hàng tại khu vực cầu L5.
"Tình trạng này diễn ra đã lâu, các lực lượng chức năng cũng đã ghi nhận và xử lý nhưng đến nay tiếp tục tái diễn. Chúng tôi mong muốn chính quyền có biện pháp xử lý dứt điểm, trả lại môi trường thông thoáng, đảm bảo trật tự đô thị và an toàn giao thông", bà L. đề nghị.
Xung quanh câu chuyện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tái đi tái lại tại khu vực cầu L5, trao đổi với Thanh Niên, ông Phùng Anh Minh, Phó chủ tịch UBND P.Phương Mai, cho biết đã nắm được thực trạng, nhiều lần huy động lực lượng ra quân để nhắc nhở, xử lý vi phạm của người dân.
"Vi phạm trật tự đô thị nơi đây rất phức tạp, việc xử lý dứt điểm khó do đây là địa bàn giáp ranh giữa 2 phường Phương Mai và Khương Thượng (Q.Đống Đa); khi có vi phạm xảy ra trên địa bàn nào, địa bàn đó xử lý.
Chúng tôi đi nhắc nhở, xử lý thường xuyên, tuy nhiên lực lượng còn mỏng, nhiều lúc anh em đi làm thì bà con bán hàng hay chống đối. Sau khi tiếp thu ý kiến phản ánh, chúng tôi sẽ có biện pháp khác, tăng cường thêm và quyết liệt hơn để xử lý", lãnh đạo P.Phương Mai nhấn mạnh.
Báo cáo tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội thể hiện, trong công tác trật tự đô thị, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử lý 32.181 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền trên 17,7 tỉ đồng.
Vi phạm chủ yếu là chiếm dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa.
Một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý thấp, chưa tương xứng với tình hình vi phạm như trên địa bàn Q.Thanh Xuân (547 trường hợp), Q.Hà Đông (795 trường hợp)…
Bình luận (0)