Những con số biết nói
100% cơ sở sản xuất sử dụng lao động trẻ em được Sở LĐTB&XH TP.HCM đi kiểm tra đều bắt trẻ em lao động trên 10 giờ/ngày, không có thêm bất cứ khoản tiền làm thêm giờ nào và mức lương bình quân mà các em được hưởng chỉ khoảng 330.000 đồng/tháng/em.
100% số lao động trẻ em không được khám sức khỏe định kỳ và không có bảo hiểm y tế.
100% trẻ em đang lao động trong các cơ sở này đều bỏ học, không đi học thêm và cũng không đi học lại vì không có điều kiện và thời gian.
Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, Sở LĐTB&XH TP.HCM, cho biết lao động trẻ em hiện phải gánh chịu hậu quả về mặt sức khỏe, tinh thần sa sút, bỏ học, sống xa gia đình và nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại, ngược đãi, đánh đập là rất cao vì các em phải lao động rất cực nhọc, làm việc nhiều giờ một ngày trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.
Thế nhưng, việc quản lý trẻ lang thang, lao động trẻ em đang gặp nhiều vướng mắc và không có chế tài đủ mạnh để răn đe các cơ sở vi phạm trong việc sử dụng lao động trẻ em.
Mong một giải pháp tận gốc
Hiện nay, hầu hết các vụ trẻ em bị lạm dụng, ngược đãi thường được phát hiện chậm hoặc đến lúc các em trốn thoát thì các cơ quan chức năng mới biết.
Giải thích nguyên nhân cho vấn đề trên, theo Sở LĐTB&XH TP.HCM, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động trẻ em đều ở quy mô kinh tế gia đình nhỏ lẻ. 69% cơ sở có sử dụng lao động trẻ em được kiểm tra không có giấy phép kinh doanh nên không có sự quản lý nào của các ngành chức năng. Chính vì thế, các quy định về luật lao động và đặc biệt là lao động trẻ em đều không được chủ cơ sở thực hiện.
Theo bà Mai Thị Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH TP.HCM thì chế tài xử phạt các đối tượng “chăn dắt” trẻ, dụ dỗ trẻ em đi lang thang, bóc lột sức lao động của trẻ em rất nhẹ và không đủ sức răn đe.
Hiện nay, các giải pháp kéo giảm số trẻ lang thang và lao động trẻ em trên địa bàn TP.HCM chỉ là giải pháp từ ngọn. Vì theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM, 80% số trẻ lang thang, lao động trên địa bàn thành phố đều là trẻ nhập cư, biến động liên tục thành phố không thể quản lý và nắm chắc được tình hình trẻ lang thang nhập cư đến sống, kiếm việc làm trên địa bàn mình. Giải quyết việc làm, hỗ trợ các em về nhà được số lượng này thì một lượng khác trẻ nhập cư lại đến.
Thế nên, theo Sở LĐTB&XH TP.HCM, Bộ LĐTB&XH nên có một giải pháp đồng bộ tận gốc nhằm hạn chế trẻ em lang thang lên thành phố kiếm sống.
Nguyên Mi
Bình luận (0)