Bảo hộ lao động qua loa
Hội thảo có sự tham gia của 150 nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp. Nhắc lại sự cố sập sàn căn-tin nghiêm trọng ở Tổng công ty cấp nước Sài Gòn tối 23.5, kỹ sư Huỳnh Tấn Dũng - Chánh thanh tra Bảo hộ lao động (Sở Lao động, Thương binh và Lao động TP.HCM) phát biểu: "Kết cấu sàn căn-tin làm bằng gỗ và làm trên nắp hầm chứa nước. Vậy mà trong 10 năm qua, không ai kiểm tra độ an toàn của nó khiến tai nạn đã xảy ra. Rõ ràng, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là doanh nghiệp không quản lý được tình hình, điều kiện an toàn lao động". Kỹ sư Huỳnh Tấn Dũng cho biết, tần suất tai nạn lao động trên địa bàn TP.HCM bình quân trong các năm từ 2005-2007 theo số liệu thống kê được là 277 trường hợp/100 ngàn người lao động/năm và số người chết do tai nạn lao động là 34 trường hợp/100 ngàn người lao động/năm. Nhìn chung, tai nạn lao động xảy ra nhiều trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất công nghiệp, do điện giật, ngã cao, té hầm, do vật rơi, đổ, do máy móc cắt, cuốn, kẹp... "Nếu công tác thống kê báo cáo định kỳ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện một cách đầy đủ và chính xác hơn nữa thì số lượng người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên địa bàn là rất lớn!" - vị Chánh thanh tra Bảo hộ lao động này khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng, "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" gây ra tai nạn lao động là ý thức chấp hành pháp luật bảo hộ lao động của nhiều người lao động và đặc biệt là của người sử dụng lao động chưa tốt. Rất nhiều doanh nghiệp không chú trọng việc huấn luyện, thực hành, kiểm tra an toàn lao động ngay tại công ty, xí nghiệp của mình. Mặt khác, việc kiểm tra bảo hộ lao động của các cơ quan quản lý trước nay còn qua loa, đại khái, không xử lý triệt để các vụ việc vi phạm... càng làm giảm đi ý thức tuân thủ, chấp hành nội quy của nhiều doanh nghiệp.
Từ 1995 - 2007, có 1.792 ca mắc bệnh điếc do tiếng ồn trên tổng số 90 ngàn người đi khám bệnh này, 1.383 người mắc bệnh sạm da nghề nghiệp/25.351 người khám bệnh, 424 ca mắc bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp/1.299 người, 210 ca mắc bệnh nhiễm độc chì và hợp chất chì/10.420 người... Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM
Chưa tới 10% công nhân được khám bệnh nghề nghiệp
"Bệnh nghề nghiệp như một tảng băng chìm mà chúng tôi chỉ tiếp cận được bề nổi của nó", tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường (thuộc Sở Y tế TP.HCM) nhìn nhận. Theo ông Tiến, trong khoảng 10 năm gần đây, công tác khám bệnh nghề nghiệp được triển khai rộng rãi hơn, số công nhân được khám bệnh nhiều hơn. Do đó, số ca bệnh được phát hiện cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, số công nhân được khám bệnh nghề nghiệp hằng năm chỉ mới được dưới 10% trong tổng số công nhân tiếp xúc với nguy cơ. "Hiện nay, bệnh điếc được khám và phát hiện nhiều nhất. Tỷ lệ bệnh điếc vẫn còn cao do công tác dự phòng chưa được cải thiện nhiều. Những hóa chất gây ra các bệnh nhiễm độc nguy hiểm như nhóm đồng đẳng benzen vẫn còn sử dụng nhiều trong các xí nghiệp...", ông Tiến nhận xét. Ông Tiến cho rằng, số công nhân bị bệnh nghề nghiệp ước tính trên thực tế phải gấp từ 8-10 lần số thống kê được.
Theo một số ý kiến, nhiều người lao động không có kiến thức về bệnh nghề nghiệp nên có vẻ không sợ các loại bệnh này. Tại TP.HCM, ước tính có trên 2 triệu người lao động, trong đó các khu công nghiệp và khu chế xuất thu hút trên 250 ngàn công nhân. Thế nhưng theo phản ánh, các khu này vẫn nằm ngoài sự quản lý của ngành y tế TP.HCM nên vấn đề khám bệnh cho người lao động còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhân lực để phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh được đánh giá là "còn thiếu về lượng và yếu về chất". Điều đáng nói, trong danh mục 25 bệnh nghề nghiệp, người lao động chỉ được khám khoảng 10 loại bệnh, còn nhiều bệnh khác chưa được phát hiện. Được biết, trước thực trạng trên, TP.HCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 là: mỗi năm giảm 10% số người lao động mắc mới các bệnh nghề nghiệp phổ biến; bảo đảm trên 80% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ được khám - phát hiện bệnh nghề nghiệp và điều trị...
Như Lịch
Bình luận (0)