Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ 22 tỉnh, thành phía Nam, trong năm 2008, cơ quan chức năng đã kiểm tra 4.434 lượt công ty sản xuất, kinh doanh và các đại lý kinh doanh phân bón. Số đơn vị được kiểm tra này chỉ bằng trên 10% các công ty, cơ sở, đại lý sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay tại các tỉnh, thành phía Nam. Số lượng lấy mẫu đạt 922 mẫu, trong đó số mẫu phân bón không đạt chất lượng theo công bố tiêu chuẩn chất lượng là 435 mẫu, chiếm 47,18% số lượng mẫu được lấy. Tổng số tiền phạt các hành vi vi phạm khoảng 4.347 triệu đồng, trong đó Lâm Đồng là tỉnh tổ chức lấy mẫu phân bón nhiều nhất và cũng là tỉnh có mức thu tiền xử phạt khá cao 864,5 triệu đồng; An Giang 852 triệu đồng; Sóc Trăng 641 triệu đồng; Bình Dương 358,6 triệu đồng; Vĩnh Long 287 triệu đồng; Bạc Liêu 128 triệu đồng...
Riêng tại 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, kết quả kiểm tra 50 sản phẩm phân bón thì có đến 62% sản phẩm không đạt chất lượng như công bố. Trong số các sản phẩm không đạt chất lượng có 87,1% là phân vô cơ; 9,7% là phân hữu cơ và 3,2% là phân bón lá.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), do các quy định xử lý vi phạm hiện hành không đủ mạnh để răn đe nên hầu hết doanh nghiệp vi phạm chấp nhận nộp phạt rồi lại tiếp tục cho ra thị trường phân bón kém chất lượng. Việc yêu cầu buộc tái chế đối với các sản phẩm sau khi có kết quả kiểm tra không đạt chất lượng là khó thực hiện và không khả thi. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý phân bón từ trung ương đến địa phương hiện nay chưa thực sự trở thành một hệ thống hoạt động có hiệu quả.
Tại hội nghị, Cục Trồng trọt đã kiến nghị cần sớm ban hành Pháp lệnh về quản lý phân bón vì đây là mặt hàng vật tư chiến lược phục vụ sản xuất nông nghiệp có tác động rất lớn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và lợi ích chính đáng của nông dân. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón, mức tiền phạt đủ sức ngăn ngừa tái phạm vi phạm, đồng thời kiến nghị Chính phủ nên giao việc quản lý sản xuất phân bón vô cơ cho Bộ NN-PTNT thay vì giao Bộ Công thương quản lý sản xuất phân vô cơ như hiện nay để quản lý, kiểm tra tốt hơn.
Quang Thuần - H.Tuấn
Bình luận (0)