Những bác sĩ “hậu phương”

06/11/2015 07:35 GMT+7

Ẩn mình sau vẻ mỏng manh yếu ớt, vi nấm cực kỳ nguy hiểm bởi có thể gây bệnh chết người. Để nhận diện và tiêu diệt được chúng, bác sĩ điều trị cần sự hỗ trợ của “hậu phương” là những chuyên gia xét nghiệm vi sinh .

Ẩn mình sau vẻ mỏng manh yếu ớt, vi nấm cực kỳ nguy hiểm bởi có thể gây bệnh chết người. Để nhận diện và tiêu diệt được chúng, bác sĩ điều trị cần sự hỗ trợ của “hậu phương” là những chuyên gia xét nghiệm vi sinh.

Chuyên gia xét nghiệm có đóng góp quan trọng cho quá trình điều trị thành công - Ảnh: Dũng MinhChuyên gia xét nghiệm có đóng góp quan trọng cho quá trình điều trị thành công - Ảnh: Dũng Minh
Nhiều “đường” gây nhiễm vi nấm
Trong trang phục của nhân viên phòng xét nghiệm, với khẩu trang, găng, mũ vô trùng, đi qua nhiều lớp cửa kính, chúng tôi được thăm Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, Hà Nội. Được sự hỗ trợ của kỹ thuật viên, chúng tôi được xem một mẫu xét nghiệm. Hiện ra dưới kính hiển vi là những chùm hoa nhỏ li ti gắn trên những thân cành mảnh mai. Hình ảnh đó khiến chúng tôi liên tưởng đến loài hoa cỏ mềm mại, dễ thương. Nhưng các chuyên gia cho biết đó chính là một loại vi nấm có thể xâm nhập cơ thể người gây bệnh ở phổi.
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, vi nấm là một loại ký sinh trùng, rất sẵn có trong tự nhiên như: đất, củi mục, cây cỏ, trong môi trường không khí hoặc ký sinh ở động vật, trên người. Có nhiều “cửa ngõ” khiến cơ thể chúng ta có thể bị nhiễm vi nấm. Ví dụ như nhiễm qua đường tiêu hóa (do ăn uống, vệ sinh bàn tay không sạch); qua hô hấp (hít phải vi nấm có trong không khí). Cũng có thể nhiễm nấm qua da, niêm mạc. Khi vào cơ thể, vi nấm có thể gây bệnh như: viêm phổi, hệ tiêu hóa, tổn thương hệ thống thần kinh, da, niêm mạc...
“Cũng như vi khuẩn, vi rút, bệnh do vi nấm có các biểu hiện bên ngoài: sốt, đau, sưng. Nếu chỉ căn cứ trên những triệu chứng chung đó sẽ không thể biết chính xác tác nhân gây bệnh, bởi những triệu chứng này không đặc hiệu của tác nhân nào. Khi đó, xét nghiệm vi sinh sẽ giúp phát hiện trực tiếp vi sinh vật gây bệnh”, chuyên gia chia sẻ.
Người đồng hành lặng lẽ
BV Bệnh nhiệt đới T.Ư vừa qua tiếp nhận sản phụ 23 tuổi, được chuyển đến trong tình trạng bị nhiễm trùng, sốt rất cao. Chẩn đoán ban đầu các bác sĩ nghĩ nhiều đến nhiễm khuẩn, bởi nguy cơ này có thể xảy ra trong quá trình sinh nở do những tổn thương gây chảy máu. Kháng sinh lập tức được chỉ định nhưng hầu như không có tác dụng. Đồng thời mẫu bệnh phẩm của người mẹ trẻ này được khẩn trương chuyển đến Khoa Xét nghiệm của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư làm cấy máu tìm tác nhân gây bệnh. “Xét nghiệm trên bệnh phẩm của bệnh nhân đã tìm ra một loại nấm vốn chỉ hiện diện trên bệnh nhân có HIV, trong khi trường hợp này là sản phụ khỏe mạnh”, PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, kể lại. Kết quả xét nghiệm đã kịp thời giúp bác sĩ điều trị đưa ra giải pháp điều trị phù hợp, cứu sống sản phụ sau một tháng điều trị.
“Trong quá trình điều trị, “đội quân” xét nghiệm hầu như không xuất hiện bên người bệnh nhưng họ luôn đồng hành, thực hiện các xét nghiệm từ bệnh phẩm để biết diễn biến bệnh, biết được khả năng đáp ứng với thuốc, nhờ đó bác sĩ điều trị có phác đồ tối ưu, bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Thành công của bác sĩ điều trị có đóng góp quan trọng của người làm xét nghiệm chẩn đoán”, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết.
PGS-TS Nguyễn Vũ Trung chân thành: “Người làm xét nghiệm vi sinh nhiều khi phải huy động các giác quan để thẩm định. Ví dụ như cần quan sát bệnh phẩm về màu sắc có gì khác lạ; có mẫu phải ngửi mùi để chẩn đoán; thậm chí phải ngoáy, nghiền, lọc để có được một mẫu xét nghiệm đạt yêu cầu. “Với mọi người, bệnh phẩm là thứ thải loại, bỏ đi thậm chí rất ghê sợ nhưng qua xử lý của người làm labo vi sinh, nó là sản phẩm đóng góp quan trọng cho việc cứu chữa người bệnh, bởi kết quả xét nghiệm chính xác giúp mở ra hướng điều trị đúng với các ca bệnh khó mà nhiều khi không thể chẩn đoán chính xác nếu chỉ trên lâm sàng”.
“Xét nghiệm vi sinh như là công tác hậu phương, bởi họ tham gia trị bệnh nhưng hầu như không được biết bệnh nhân của mình. Dù vậy, họ vẫn luôn trao đổi với bác sĩ điều trị, vui mừng khi tìm ra căn nguyên trên những ca bệnh khó, thật hạnh phúc khi thấy ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống. Mỗi người làm labo luôn hài lòng, yêu và cống hiến hết mình cho công việc”.
PGS-TS Nguyễn Vũ Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.