(TNO) Sau một năm tìm kiếm, máy bay MH370 (của hãng Malaysia Airlines) vẫn bặt vô âm tín. Thân nhân các nạn nhân tuyệt vọng. Nhưng thế giới cũng đã rút ra được nhiều bài học vô cùng quý giá, mang lại lợi ích cho hàng triệu người.
Các thân nhân nạn nhân vụ MH370 mất hết hy vọng… - Ảnh:Reuters
|
Dưới đây là những kết quả, những bài học đã thu lượm được từ cuộc tìm kiếm với quy mô và chi phí vô tiền khoáng hậu này, theo tổng hợp từ AFP và CTV News.
Vẽ bản đồ dưới biển sâu
Cuộc tìm kiếm đang được tập trung vào khu vực rộng 60.000 km2, được thực hiện với ngân sách 93 triệu USD, do Úc và Malaysia tài trợ chính, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5 tới.
“Độ rộng của khu vực tìm kiếm là chưa có tiền lệ”, người đứng đầu lực lượng chỉ huy, Trưởng Cơ quan An toàn giao thông Úc Martin Dolan phát biểu với AFP.
Và vùng biển rộng lớn, xa xôi hẻo lánh đó vẫn là một bí ẩn với giới khoa học, chỉ mới có hình ảnh chụp từ vệ tinh, vốn rất mờ và không chi tiết.
... Nhưng cuộc tìm kiếm vẫn đang thu lượm được những kinh nghiệm vô cùng quý giá mang lại nhiều lợi ích - Ảnh: Reuters
|
Để giúp ích cho công cuộc tìm kiếm MH370, các nhà khoa học đã dùng hệ thống định vị dưới nước bằng siêu âm (sonar) từ các con tàu để lần đầu tiên vẽ chi tiết bản đồ vùng biển.
Những chuyên gia tìm kiếm còn đào sâu hơn từ thông tin của sonar nhờ các thiết bị nhỏ được đưa xuống tận đáy biển để thăm dò.
Hệ thống thiết bị này rà soát chi tiết bề mặt đáy đại dương trong điều kiện cực kỳ khó khăn, ở độ sâu 4.000 m.
“Tia nắng chẳng thể với được tới độ sâu 300 - 400 m chứ đừng nói là 4.000 m. Nhưng khi cần, chúng tôi có khả năng chụp hình, quay phim ở độ sâu này”, ông Dolan cho biết. Và đó là cơ hội tuyệt vời cho các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Chúng ta đang hiểu biết về mặt trăng nhiều hơn về đáy đại dương của chúng ta. Bản đồ mà chúng ta có được về mặt trăng ngon lành hơn gấp 25 lần bản đồ về đại dương”, nhà hải dương học Erik van Sebille thuộc Trường cao đẳng Hoàng gia London (Anh) cho hay.
Ông nói tiếp, việc vẽ được bản đồ đáy đại dương sẽ cho chúng ta hiểu biết về sự sống dưới đáy biển, về môi trường ở đây, thậm chí về khả năng khai thác mỏ. Cho tới nay, người ta đã phát hiện được những mỏm đá cao tới 2.000 m, nhiều cụm núi lửa, thung lũng, đồi núi dưới đáy biển nhờ cuộc tìm kiếm máy bay MH370.
Giới khoa học trên khắp thế giới đang rất háo hức chờ đợi tất cả những thông tin được công bố một khi cuộc tìm kiếm hoàn tất.
Cảnh báo sóng thần ưu việt hơn
Một khi các bản đồ trên được công bố và phân tích sâu rộng, nó sẽ giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về những khu vực dễ xảy ra lở đất dưới biển một khi xảy ra động đất, vốn có thể tạo ra sóng thần.
Stuart Minchin, một lãnh đạo của tổ chức nghiên cứu về khoa học địa chất Geoscience Australia (thuộc chính phủ Úc) giải thích: Những thông tin thu lượm được sẽ giúp các nhà khoa học xác định khu vực nào dọc theo bờ biển phía tây nước Úc có nguy cơ cao bị sóng thần, từ đó tập trung xây dựng một hệ thống cảnh báo hiệu quả hơn ở những khu vực này.
Theo dõi máy bay sát sao
Bài học nhãn tiền mà ngành hàng không học được từ vụ MH370 là cần một hệ thống theo dõi máy bay sát sao hơn, ngay cả trong trường hợp máy bay bay trên khu vực đất liền.
Cơ quan hàng không dân dụng quốc tế (trực thuộc Liên Hiệp Quốc) đã đề nghị các hãng hàng không phải cập nhật vị trí máy bay mỗi 15 phút. Quy định này dự kiến sẽ được áp dụng từ tháng 11.2016.
Người cha của đứa con gái nhỏ mất tích trong vụ MH370 bồi hồi nhìn những con thú bông
của con - Ảnh:Reuters |
Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn hoặc phát hiện máy bay có những chuyển động bất thường, chẳng hạn đột ngột hạ/nâng độ cao, hệ thống theo dõi máy bay phải cập nhật từng phút một. Điều này dự kiến sẽ được áp dụng với các máy bay sản xuất từ năm 2020 trở về sau.
Úc, Malaysia và Indonesia mới đây cho biết sẽ phối hợp với nhau để thử nghiệm một hệ thống mới, cho phép theo dõi máy bay mỗi 15 phút, thay vì từ 30 - 40 phút như hiện nay.
Giúp dự báo thời tiết
Hiểu biết địa hình đáy đại dương cũng sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán được chiều hướng của các dòng nước ngầm dưới bề mặt đại dương, từ đó mang lại rất nhiều lợi ích, từ dự đoán hướng đi của các con tàu bị trôi dạt trong công tác tìm kiếm cứu nạn cho đến hiểu biết về sự di chuyển của các loài sinh vật biển.
Ông Minchin cho biết các kiến thức mới còn giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự phân nhiệt dưới đại dương, từ đó giúp ích cho công tác dự báo thời tiết.
Tăng cường hiệu quả các cuộc tìm kiếm trong tương lai
Khi xảy ra tai nạn máy bay của AirAsia (chuyến 8501) hồi tháng 12 năm ngoái tại vùng biển Java gần Indonesia, công tác tìm kiếm phối hợp giữa nhiều quốc gia đã diễn ra trôi chảy hơn rất nhiều.
Chris Budde, Giám đốc hoạt động hàng hải của hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ cho biết nhờ kinh nghiệm học được từ vụ MH370, những công tác như lập tần số vô tuyến chung giữa các quốc gia có liên quan, xác định sẽ liên lạc với ai trên đất liền cho công tác tìm kiếm… được thực hiện hiệu quả hơn rất nhiều.
Rõ ràng, kinh nghiệm trong một cuộc tìm kiếm quy mô rộng, thời gian dài và phối hợp sâu rộng (đoàn tìm kiếm gồm đến 200 thành viên nhiều nước khác nhau) đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho các công tác tương tự trong tương lai.
Bình luận (0)