Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 6: Dương Quý Phi của 'Cải lương chi bảo'

31/05/2015 06:13 GMT+7

Phải nói là nghệ sĩ Bạch Tuyết có chất giọng mềm mại, khi cần uốn lượn, bi thương thì bà uốn lượn, bi thương một cách tài tình.

Phải nói là nghệ sĩ Bạch Tuyết có chất giọng mềm mại, khi cần uốn lượn, bi thương thì bà uốn lượn, bi thương một cách tài tình.

NSND Bạch Tuyết - Ảnh: NS cung cấp
NSND Bạch Tuyết - Ảnh: NS cung cấp
Cho nên bà vào vai Dương Quý Phi quá là thấm thía. Một nhan sắc khuynh thành được vua Đường Minh Hoàng sủng ái, nhưng vua say mê nhan sắc của nàng, cung phụng cho nàng cuộc sống xa hoa, bỏ bê việc triều chính, mặc cho anh trai của nàng lộng hành thao túng.
Thêm tướng An Lộc Sơn cũng vì si mê nàng mà làm loạn, gây binh đao khiến dân chúng lầm than và vua phải chạy lánh nạn. Quần thần bèn kết tội Dương Quý Phi, yêu cầu vua giết nàng thì họ mới phò tá triều đình. Thế là Dương Quý Phi bị thắt cổ, thây vùi bên đường rã tan không tìm thấy được, Đường Minh Hoàng phải cho xây mộ gió để thờ.
Hình như đó không chỉ là chuyện sử, mà còn là điều nhắc nhở hậu thế hãy noi gương ấy để biết yêu và biết quản lý sự nghiệp. Đời nay tuy không nghiệt ngã như thời Đường Minh Hoàng, nhưng cũng không thiếu những Dương Quý Phi chân dài khiến nhiều người lao đao. Nhan sắc không có tội, nhưng vì có người say mê nên nhan sắc gây nhiều hệ lụy. Khán giả vừa trách lại vừa thương hồng nhan ấy, nhất là khi Bạch Tuyết cất tiếng ca não lòng: “Trời ôi dãy đất Mã Ngôi đã gần tan hồi trống trận, cớ sao An Lộc Sơn chàng đâu vắng bóng để cho Dương Quý Phi như một bông hoa rã cánh rụng bên... đường. Máu đổ thây phơi khói lửa dậy sa trường. Thiếp đã mỏi mắt nhìn ra ngoài vạn lý, mãi mong chờ vó ngựa hồi quy. Mặc mưa đẫm chiến bào gió thốc nhung y, chàng đã giẫm lên ngàn vạn xác quân thù. Vượt biên thùy qua mấy dặm quan san, đưa thiếp ra khỏi nơi muôn trùng khói lửa…”.
NSND Bạch Tuyết nói: “Tùy theo giọng của nghệ sĩ mà soạn giả Viễn Châu viết bài cho phù hợp. Có vậy nghệ sĩ mới “bay” lên được. Nhà văn cũng vậy, đa số chỉ thành công khi viết về chính quê hương mình, về nơi mình thấu hiểu nhất, máu thịt nhất. Bài này tôi cũng ca đi ca lại rất nhiều lần, đi những nơi trang trọng hoặc những nơi bình dân, trong ruộng trong rẫy gì một hồi cũng thấy yêu cầu ca Dương Quý Phi. Cho nên tôi nghĩ sự thưởng ngoạn không phụ thuộc vào sự học cao hay bình dân, mà là sự xúc động từ trái tim. Trong bài Dương Quý Phi soạn giả Viễn Châu viết lời đẹp lắm, văn chương lắm, nhưng không hề khuôn sáo.
Thôi thì thiếp đành chịu cảnh vàng phai đá nát mộng tàn rồi tan tác cánh hoa xuân. Một cuộc ái ân ngàn đời cách biệt, đợi đến khi tàn cơn binh biến thì chàng đâu còn gặp mặt Thái Chân. Rồi tay nào chàng ấp ủ dung nhan, tay nào lau lệ anh hùng nghẹn chảy. Thiên trường hận ngàn năm còn tức tưởi khi cánh tàn hoa đã lịm dưới hoang mồ. Thôi hết rồi tiếng ái tiếng ân, thôi gởi lại mưa Tần gió Sở. Hoa xuân rã cánh bên đàng, chẳng biết ai còn nhớ thiếp hay chăng... Ngay cả khi ông viết bài vọng cổ Người mẹ Bàn Cờ với nội dung cách mạng mà ngôn ngữ vẫn vừa phải, không lên gân. Thực sự mỗi lần ca Dương Quý Phi tôi lại xử lý tinh tế hơn, khán giả cảm nhận được. Chính chỗ khán giả chăm chú nghe mình ca mà mình phấn khởi nên ca hay hơn, luyến láy tốt hơn. Tôi nói thật, tôi cảm ơn người nghe, bởi phải “nghe làm sao” thì người hát mới hát hay được. Sự giao lưu giữa người hát và người nghe hát như Bá Nha gặp Tử Kỳ vậy”.
Nhưng NSND Bạch Tuyết cũng thú thật: “Lúc đó mình còn nhỏ, soạn giả đưa bài gì mình hát bài đó, không có chọn lựa. Mình cảm ơn soạn giả vì đã viết đúng chất giọng của mình, đưa mình lên vinh quang. Nhưng sau này thì mình không thích nhân vật Dương Quý Phi nữa, mà thích những nhân vật mạnh mẽ trong sử hay dã sử Việt như Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, An Tư công chúa. Kiều Nguyệt Nga thì tứ đức tam tòng, lên thuyền sang Hồ quốc để giữ trọn chữ hiếu với cha, chữ trung với đất nước, nhưng cũng dám yêu và dám chết để giữ trọn chữ trinh với Lục Vân Tiên. Công dung ngôn hạnh vẹn toàn.
Còn Dương Vân Nga thì bản lĩnh vô cùng, dám thay cũ đổi mới, đổi cả một triều đại để tập trung sức mạnh chống ngoại xâm. Và An Tư công chúa là một phụ nữ tài sắc, dũng cảm, bị gả cho Thoát Hoan theo lệnh vua để cầu hòa, đem thanh bình cho đất nước. Nhưng vì giặc không thôi mưu đồ xâm chiếm nên bà đã trở thành một “gián điệp” thông minh cung cấp tài liệu cho quân ta chiến thắng. Khi thân phận bại lộ, bà dũng cảm đối mặt với cái chết chứ quyết không chịu đầu hàng. Tôi rất ngưỡng mộ ba nhân vật này. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa tôi phủ nhận Dương Quý Phi, mà bài ca đã in sâu vào tâm trí khán giả thì tôi vẫn ca, và phải ca thật hay cho đúng với lòng kỳ vọng của người ái mộ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.