Dù đã gặp và trò chuyện cùng 3 cô, nhưng đến giờ tôi vẫn không thể hình dung được hết những khó khăn mà các cô đã vượt qua, khi không còn đôi tay. Nhưng với nghị lực phi thường, 3 nữ thương binh là Phạm Minh Thao, Nguyễn Thị Phong và Trần Thị Hồng đã vượt qua bao khó khăn của cuộc sống, nuôi dạy các con trưởng thành. Họ là 3 người đàn bà, 3 số phận và những cảnh ngộ hoàn toàn khác nhau, nhưng họ có một điểm chung, đó là chiến tranh đã cướp đi 2 cánh tay của họ. Vậy mà, những mất mát trong chiến tranh, những khó khăn trong cuộc sống, bệnh tật hành hạ cũng không khuất phục được ý chí vươn lên của họ.
Được sống đã là hạnh phúc
Trong số 3 người đàn bà tôi đã gặp, người hiện đang có hoàn cảnh khó khăn nhất là cô Nguyễn Thị Phong. Mới 65 tuổi, tuy còn minh mẫn, nhưng di chứng do chiến tranh để lại với thương tích, bệnh tật khiến cô không còn nhanh nhẹn, hoạt bát so với những người cùng tuổi. Trong câu chuyện cô kể về cuộc đời mình, những hình ảnh bị đứt đoạn liên tục. Năm 1963, cô gái đất Hưng Nguyên, Nghệ An - Nguyễn Thị Phong tròn 16 tuổi, đang học lớp 10 đã viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP với quyết tâm cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Với bao ước mơ, hoài bão của tuổi 16 trăng tròn sau chiến tranh sẽ trở về đi học để thành một cô giáo, để có thể truyền đạt những kiến thức cho trẻ em quê hương cô, nhưng chiến tranh đã dập tắt ước mơ ấy khi cô mới vừa 20 tuổi, khi mọi việc còn dang dở.
Đó là vào năm 1963, khi đang cùng đồng đội san đồi, bạt núi mở đường từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Đức Thọ (Hà Tĩnh), tiểu đội của cô đã bị trúng bom. Tỉnh dậy mới biết để cứu mạng sống của cô, các bác sĩ đã phải quyết định cưa hai tay. Chán chường, đã có lúc cô có ý nghĩ tiêu cực vì người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Là con gái mới 20 tuổi, mất đôi tay, tất cả mọi việc từ lớn đến nhỏ cô đều phải nhờ bạn bè, đồng đội và người thân làm giúp. Nhất là những việc tế nhị nhờ thì ngượng mà không nhờ thì không biết xoay xở ra sao.
Nhưng được các bác sĩ và người thân động viên, cô đã tự lần hồi học hỏi và tập tự làm mọi việc từ nhỏ nhất bằng đôi chân còn lại của mình, như một đứa trẻ học tự xúc những thìa cháo đầu tiên. Rồi mọi việc cũng ổn, sau nhiều tháng ngày điều trị, trải qua bao lần phẫu thuật chạy chữa ở các tuyến bệnh viện, trung tâm điều dưỡng cuối cùng cô được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (Bắc Ninh) với thương tật 1/4.
Tại trung tâm, cô đã nên duyên vợ chồng cùng anh thương binh (1/4) Hà Văn Chẩn người Hải Dương, cô càng thấu hiểu cuộc chiến đấu vượt lên số phận, chiến thắng bệnh tật của mỗi cá nhân, cũng khó khăn, khốc liệt vô cùng. Nhưng hạnh phúc của cô ngắn chẳng tày gang, khi con gái đầu 12 tuổi, do vết thương tái phát chồng cô đã ra đi vĩnh viễn, để lại cho cô 3 người con còn nhỏ dại. Nhưng với quyết tâm phải thay chồng nuôi các con trưởng thành, mẹ con cô đã không nề hà bất kỳ một việc gì.
Một đôi bàn tay cho hai vợ chồng
|
Có lần đang bê chậu cám, đàn lợn phàm ăn đã chồm lên hất tung chậu cám làm cô ngã lăn quay, người đầy cám. Nhưng được cái có lẽ chúng cũng thương cô nên lứa nào cũng lớn nhanh như thổi, con nào con ấy béo múp. Nhớ có lần cô Hồng kể với tôi chuyện cô giặt chiếu bị mất đà cả người và chiếu rơi xuống ao, may có người đi qua cứu, chứ không cô đã bị chết đuối. Ngồi với các cô, chuyện mà các cô hào hứng nhất đó là chuyện may vá. Đàn con nhỏ nghịch ngợm, quần áo luôn rách nên các cô đã phải dùng đôi chân mình đơm cúc vá áo cho các con.
Theo các cô, việc gì cũng có thể làm được duy chỉ một việc là gội đầu, nhưng may mắn sao, các cô luôn được chồng chia sẻ động viên, ngồi múc từng gáo nước gội đầu cho vợ. Ông Hoàng Văn Yên - chồng cô Hồng - cho biết, hai vợ chồng chung một đôi tay nên chúng tôi như hình với bóng, đi đâu cũng có đôi, có cặp. Chúng tôi sống với nhau vì tình yêu, tình đồng đội, đồng chí, chia sẻ với nhau những mất mát do chiến tranh. Quên đi những khó khăn, mất mát ngoài việc mưu sinh các cô vẫn thường xuyên tham gia công tác xã hội. Cô Hồng khoe, cô đã từng song ca cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng khi đến thăm trung tâm bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” và “Hà Tĩnh mình thương”..., cô Thao thì ngoài công việc của trung tâm còn là một hòa giải viên tích cực khi các gia đình gặp mối bất hòa.
Ông trời đã ban cho tôi 2 bàn tay mới
Các con giờ đã phương trưởng, các cô đều đã lên chức bà nội, bà ngoại, cuộc sống cũng bớt khó khăn. Nhưng trong 3 cô thì người hạnh phúc nhất có lẽ là cô Trần Thị Hồng. Có một gia đình hạnh phúc, một người chồng hết mực yêu thương vợ con. Hai người con ngoan ngoãn học giỏi (cả 2 đều là thạc sĩ, điều mà rất nhiều gia đình khá giả mong mỏi mà khó đạt được). Cô Hồng cười giòn tan, khi chúng tôi hỏi cô sống thế nào khi thiếu đôi tay? Hướng cái nhìn về phía người đàn ông gầy guộc, đang lúi húi lo bữa cơm gia đình, cô Hồng nói: “Đôi tay của tôi đấy, tôi biết cả cuộc đời ông ấy đã khổ vì vợ con, nhưng quả thật, nếu không có ông ấy, tôi đã chẳng thể sống cho đến tận bây giờ”. Tiếng cười chợt tắt khi tôi hỏi cô chuyện quá khứ. Cô bảo, cô cũng không còn nhớ cảm giác người ta tiêm thuốc tê và tháo khớp cánh tay của mình thế nào, chỉ nhớ lại, lần đầu tiên tỉnh dậy, người đầu tiên khiến cô khóc là chú Yên (chồng cô).
Ngay lúc đó đó, cô quyết định việc đầu tiên là chấm dứt chuyện tình giữa cô và chú Yên, dù họ đã có một tình yêu đẹp được hai năm. Nhưng chú Yên vẫn quyết sống bên cô Hồng trọn đời với một tuyên bố đầy chất “nghệ”: “Cho dù như thế nào đi nữa, miễn là trái tim em còn đập thì anh vẫn ở bên cạnh em”. Chú Yên đã thực hiện đúng như những gì chú đã thề nguyện. Và Trung tâm Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh ngày ngày vẫn chứng kiến một mối tình lịch sử của người nữ thương binh nặng cùng anh bệnh binh. Họ quấn quýt bên nhau, kể cả lúc làm việc nhà lẫn những lúc mưu sinh kiếm sống. Cô Hồng bảo chú Yên là người đàn ông liều lĩnh và anh dũng nhất Việt Nam, vì dám gắn cuộc đời mình với một người “vô dụng” như cô, “phục vụ” cô suốt một đời.
Cả 3 người đàn bà đang mang trong mình những vết thương chiến tranh ấy, chỉ có chung một ước mơ, khi tôi hỏi họ mơ ước gì cho ngày mai. Các cô có chung một điều ước thật giản dị: Cầu trời cho mình khoẻ mạnh và đất nước mãi yên bình như hiện tại, để không còn ai phải đi qua và gánh chịu những nỗi đau chiến tranh. Họ vẫn sống, nghị lực, lạc quan, bình thường như bao như người khác, như chưa hề mất mát bởi chiến tranh. Và ngay cả những mơ ước của họ về tương lai, tưởng như nhỏ nhoi, bình thường, nhưng không hề tầm thường như chính cuộc đời họ.
Theo Lao Động
Bình luận (0)