Chiều ngày làm việc cuối cùng của một năm đầy những đổi thay quyết liệt của đất nước, tôi đã dành thời gian theo dõi cuộc giao lưu do Báo Thanh Niên tổ chức cho những người trẻ tuổi yêu khoa học được vinh danh “Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng”.
Có bạn trẻ đang làm nghiên cứu ở nước ngoài. Có bạn đã từ nước ngoài trở về quê nhà. Có người đang cặm cụi tìm kiếm giá trị ứng dụng công nghệ nano hiện đại. Có người, nói như cách nói vui của giới trẻ, là đã “dành cả tuổi thanh xuân” lặn lội ở vùng duyên hải Nam bộ để nghiên cứu cá bống, cá thòi lòi. Có người đã là giảng viên đại học, có bạn đang còn trải nghiệm tuổi sinh viên. Và có các bạn nữ sinh viên chọn dấn thân vào đam mê khoa học.
tin liên quan
T.Ư Đoàn tặng huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các gương Quả cầu vàngNhưng cả buổi theo dõi tọa đàm này, nghe các bạn ấy chia sẻ chí hướng, trải nghiệm, tâm tư, nguyện vọng trên hành trình khoa học, tôi cố tìm ra điểm chung nào đó ở họ. Điểm chung lấp lánh nào đó trong trái tim họ, trong khối óc họ, chứ không hẳn chỉ là cái vẻ sáng lóa của quả cầu vàng biểu tượng trên giải thưởng họ được trao.
Có bạn chia sẻ khó khăn mà họ đối mặt về điều kiện trang thiết bị phòng thí nghiệm còn hạn chế, thiếu thốn, chẳng thể so bì được với những điều kiện được đầu tư ở nước ngoài. Chia sẻ của bạn ấy chắc là sẽ đặt vào trái tim của những nhà đầu tư “thiên thần”, của những người hoạch định chính sách quốc gia một câu hỏi lớn về trách nhiệm đầu tư.
Có bạn thổ lộ tâm tư về lựa chọn “dại khờ” của bản thân mình trong bối cảnh người người tìm đường du học ở các nước phát triển, bám trụ càng lâu càng tốt ở những nơi có điều kiện đầy đủ hơn để phát triển sự nghiệp bản thân. Cả là tình trạng của một nhà nghiên cứu trẻ gặp khó khăn trong việc không thể giữ chân những đồng sự sinh viên tài giỏi khi họ tìm đường du học.
Có bạn kể ra những thử thách chẳng thể nào né tránh của nữ giới khi chia sẻ thời gian của đời mình để chăm sóc gia đình mà không rời bỏ đam mê ở phòng thí nghiệm.
Ở bên ngoài khung cửa đại học, ở bên ngoài ô cửa sổ phòng thí nghiệm yên tĩnh mà những người trẻ tuổi đã lựa chọn để gắn bó là một cuộc sống đầy những quyến rũ của sự thành đạt. Nhưng họ đủ can đảm, đủ “dại khờ” để chọn thành công bằng con đường khoa học công nghệ, khao khát đóng góp giá trị phục vụ cuộc sống, phục vụ cộng đồng.
Không phải quả cầu vàng lấp lánh, mà chính là trái tim họ lấp lánh, thật sự lấp lánh vẻ đẹp “dại khờ” của đam mê khoa học và của khát khao góp mình vào đời.
Bình luận (0)