Lịch sử yêu cầu
Bảo vật quốc gia Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam (niên đại 1953 - 1955) của họa sĩ Bùi Trang Chước gồm 112 mẫu vẽ trên nền giấy. Trong số này có 57 bản chì, 55 bản màu, đều do cố họa sĩ vẽ tay. Được gia đình ông Bùi Trang Chước tặng năm 2003, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 hiện là nơi sở hữu bộ sưu tập này. Phần lớn các bản phác thảo mẫu Quốc huy đã bị ố vàng, phai mờ, đặc biệt có 2 bản vẽ khổ lớn 56 x 34 cm đã bị rách cạnh.
Mẫu phác thảo số 106 với hình bản đồ VN |
Hồ sơ bảo vật cho biết, ở bản màu, cố họa sĩ sử dụng 2 màu chủ đạo là vàng và đỏ. Đây là 2 màu được hòa quyện trong Quốc kỳ của Việt Nam. Nội dung hồ sơ cho biết về lựa chọn này: “Lấy Quốc kỳ làm nội dung là có ý nghĩa hơn cả… Tượng trưng cho lịch sử cách mạng của dân tộc ta, là hình ảnh tươi thắm nhất, tiêu biểu nhất cho dân tộc ta cũng như cho chính thể dân chủ cộng hòa của chúng ta. Đó là hình ảnh đẹp nhất và xứng đáng nhất để làm nền cho Quốc huy”.
Theo hồ sơ, nếu Quốc kỳ hay Quốc ca được ra đời trong những năm dân tộc ta đang trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ chống lại thực dân, phong kiến, phát xít và mang theo tiếng lòng, niềm khao khát đến cháy bỏng độc lập, tự do, thì Quốc huy được hình thành trong bối cảnh, tâm thế khác của nước Việt. Tâm thế đó, theo hồ sơ bảo vật quốc gia, chính là tâm thế của một quốc gia độc lập tự chủ. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhiều nước vào đầu năm 1950 như: Trung Quốc, Liên Xô (Liên bang Nga), Triều Tiên… Việc hình thành Quốc huy là một yêu cầu của lịch sử. Công văn mà Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Quốc hội có nội dung: “Nước ta chưa có Quốc huy và Quốc ấn. Bộ tôi nhận thấy đã đến lúc cần nghiên cứu làm để đạt quy nếp chỉnh tề cho việc giao thiệp quốc tế của ta rồi đây ngày sẽ một thêm phát triển”.
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, tháng 10.1954, có 15 bản phác thảo mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của họa sĩ Bùi Trang Chước được Ban Mỹ thuật - Ngành Văn nghệ T.Ư chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng xem xét. Việc chỉnh sửa diễn ra tới tháng 9.1955. Họa sĩ Bùi Trang Chước hoàn thành mẫu Quốc huy gồm 1 bản màu, 2 bản tách màu đen trắng để trình Quốc hội. Bản thảo cũng được chỉnh sửa thêm các chi tiết. Sau khi Quốc hội phê duyệt, Sắc lệnh số 254-SL v/v ban bố mẫu Quốc huy Việt Nam được ban hành, đăng công báo vào 8.8.1954.
Mẫu phác thảo số 111 bvới hình con trâu |
tư liệu |
Bảo vật của mỹ thuật và lịch sử
Hồ sơ bảo vật cho biết, tập phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam là bản gốc, có tính chất duy nhất, độc bản do chính họa sĩ Bùi Trang Chước thực hiện. Trong đó, họa sĩ đã chọn sử dụng hình oval, hình tròn làm hình cơ bản của Quốc huy. Mỗi bản vẽ đều có những hình ảnh đặc trưng của dân tộc Việt Nam như: dải đất hình chữ S, Quốc kỳ, con trâu, cánh đồng lúa chín vàng, Tháp Rùa, Cột cờ Hà Nội, chùa Một cột, hình ngôi sao năm cánh, rặng tre, dải lụa, bông lúa, tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Điều này, theo hồ sơ, “thể hiện sự tiếp nối truyền thống, lịch sử cách mạng, nền độc lập, chủ quyền thiêng liêng và cho đến ngày nay những hình ảnh đó vẫn luôn gắn liền, hiện hữu trong lòng Việt Nam”.
Nội dung hồ sơ cũng đánh giá những bản phác thảo mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước chính là nguồn gốc, là cơ sở, tiền đề, nền tảng cho Quốc huy chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Ông Chước còn là tác giả của một số mẫu huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập, Lao động, Kháng chiến, Quân công, Chiến sĩ...
Mẫu phác thảo số 66 với hình chùa Một cột |
Hồ sơ bảo vật cũng cho rằng, bộ sưu tập phác thảo này có giá trị đặc biệt về tài liệu đối với sự toàn vẹn của Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Nó cũng có giá trị nghệ thuật đối với ngành mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là giáo cụ trực quan rõ nét đối với hoạt động sáng tác mỹ thuật, giáo dục truyền thống đầy đủ, khách quan về lịch sử, về tác giả Quốc huy Việt Nam.
Nguồn tin cho biết, tại cuộc họp của Hội đồng Di sản xem xét hồ sơ bảo vật quốc gia, có nhiều trao đổi về việc ra đời của Quốc huy Việt Nam, trong đó có nhắc tới quãng thời gian dài để dần dần đi tới nhận thức về tác giả của Quốc huy.
Về bảo vật quốc gia bộ sưu tập phác thảo Quốc huy Việt Nam, ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết không ai phủ nhận chuyện đồng tác giả của ông Trần Văn Cẩn. “Cũng đã có kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhưng trong đó nói ông Bùi Trang Chước là tác giả đầu tiên, ông Cẩn là người đứng thứ hai. Ông Cẩn cũng là người hoàn thiện theo ý kiến Đảng và Nhà nước. Thí dụ như bánh xe công nghiệp nhấc lên cao để nhìn thấy tâm. Rồi lúa dày hạt lên và chân đế chõa ra. Đó là ý kiến của T.Ư giao cho ông Trần Văn Cẩn hoàn thiện mấy chi tiết đấy. Tác giả đầu tiên của Quốc huy là ông Bùi Trang Chước”, ông Đoàn nói.
(còn tiếp)
Bình luận (0)