Những bất ngờ về cố nhạc sĩ Tố Hải và 'Sông Đăk Rông mùa xuân về'

05/07/2022 11:37 GMT+7

Ở Tây Nguyên hơn 20 năm khi gặp nhạc sĩ Tố Hải mới biết, Đăk Rông là con sông ở... Quảng Trị. Vì Tây Nguyên có nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng có những chữ/tiếng thì khá giống nhau nên mới nhầm lẫn dễ thương là vậy.

Vừa nghe tin nhạc sĩ Tố Hải mất. Bàng hoàng dù vẫn biết ông cũng lớn tuổi rồi. Nhà cháu gặp ông dăm lần, được ông quý, từng tếu táo với ông chuyện nghề, chuyện... đàn bà.

Lục lại, thấy có mấy đoạn viết về ông, không thành bài báo hoàn chỉnh, nhưng là những đoạn quan trọng trong vài bài báo. Đây là ví dụ: "Cách đây cũng hai chục năm có lẻ, một hôm đang ngồi lai rai với mấy anh em văn nghệ sĩ Nha Trang ở một cái quán bên bờ biển, có một ông gầy gò hom hem áo trắng ngoài quần xuất hiện. Một lúc nữa thì ông đứng lên hát. Trời ạ, bài Sông Đăk Rông mùa xuân về".

Dòng sông Đakrông vào ca khúc của nhạc sĩ làm lay động lòng người

T.L

Giọng ông khỏe, vang và ấm, khác hẳn với hình dáng bên ngoài của ông. Có cảm giác cả cái quán cũng rung lên: "Chim K'tia bay tới, nghiêng cánh chào Đăk Rông, Pơ lang khoe sắc thắm/gió đưa hương đôi bờ... Tây Nguyên ta uống nước một nguồn nước cách mạng... Đăk Rông ơi, Tây Nguyên ơi/Tôi hát cho dòng sông Đăk Rông mãi chảy xiết/Tôi hát cho nhà rông đêm ngày luôn đỏ lửa, cho tiếng đàn ngân vang, vang điệu cùng dòng suối..." cả bàn vỗ tay theo rầm rập.

Tôi khi ấy đã ở Tây Nguyên hơn hai chục năm, giờ gặp ông mới biết, Đăk Rông là con sông ở... Quảng Trị. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có ngôn ngữ khác nhau, nhưng có những chữ/tiếng thì khá giống nhau, ví như từ Đak là nước, và rông (chính xác là Kroong/Krông) là sông/nước. Đăk Tô là nước nóng chẳng hạn, Krông Ana là sông mẹ, Krông Nô là sông cha vân vân...

Và nữa, K'tia chính là con vẹt, có nơi gọi con két. Loại này mà sà xuống rẫy/ruộng bắp (ngô), lúa thì thôi rồi, nó phá kinh khủng. Cái đàn T'rưng nước bà con Tây Nguyên để trong rẫy chủ yếu là để đuổi loại chim này.

Dưới con mắt của nhạc sĩ thì chim K'tia trở thành cánh chim báo tin vui, thành biểu tượng của Tây Nguyên. Văn học nghệ thuật hay sáng tạo ra những cái tên, có những cái tên ai cũng biết nhưng cũng lại... không biết, như Xà nu, K'nia, K'tia... nhiều cô giáo dạy "rừng xà nu" cả mấy chục năm nhưng không biết nó là cây... thông, cũng như thế, K'nia là cây cầy và K'tia là con vẹt...

Vâng, ông chính là nhạc sĩ Tố Hải (không phải Tô Hải ạ), tác giả bài hát nổi tiếng Sông Đăk Rông mùa xuân về.

Đây nữa: "Thì trong một lần mấy anh em văn nghệ ngồi với nhau như thế thì ông nhà thơ Trần Chấn Uy chở tới một ông già khá hom hem và luộm thuộm nữa. Nghĩ chắc người nhà ông Uy ngoài quê mới vào, ổng chở tới chơi luôn. Nhưng khi vào, ổng mới trịnh trọng giới thiệu: "Nhạc sĩ Tố Hải, Sông Đăk Rông mùa xuân về".

Chỉ thế là đủ, tôi quấn lấy ông suốt buổi, vì cái bài này hầu như ngày nào tôi cũng nghe, không trên radio thì trong các cuộc nhậu, các cuộc họp và cả... đám cưới. Ông thì lại cũng thích tôi khi nghe tôi giới thiệu từ Pleiku xuống và biết chút chút chuyện Tây Nguyên.

Tất nhiên là ông hát, hát cái bài ai cũng có thể hát được nhưng hát hay được là rất khó ấy. "Chim K'tia bay tới/nghiêng cánh chào Đăk Rông/Pơ lang khoe sắc thắm/gió đưa hương đôi bờ... Tây Nguyên ta uống nước một nguồn nước cách mạng... Đăk Rông ơi, Tây Nguyên ơi/Tôi hát cho dòng sông Đăk Rông mãi chảy xiết/Tôi hát cho nhà rông đêm ngày luôn đỏ lửa, cho tiếng đàn ngân vang, vang điệu cùng dòng suối..." cả bàn vỗ tay theo rầm rập.

Ông hát rất hay. Tôi chơi và quen với nhiều nhạc sĩ, nhưng nhạc sĩ hát hay được rất ít. Ông hát cuồn cuộn như sông, nhưng cũng bảng lảng như k'tia, thiết tha như mùa xuân đậu vai áo cô gái Trường Sơn và cũng sâu lắng như tình yêu cách mạng...

Và sau này tôi cũng từng được ngồi ở bờ sông Đắk Rông ấy.

Một ngày mất điện ở Đông Hà, mấy anh em báo chí văn chương Quảng Trị chở tôi chạy một hơi lên bờ sông ấy, ngồi ngay trên bờ, một cái quán lá, nép vào bụi tre. Chúng tôi cũng hát vang bài hát Sông Đăk Rông mùa xuân về.

Ông Tố Hải kể, ông ấp ủ bài hát lâu lắm, từ Mậu Thân 1968, nhưng phải đến đầu năm 1975, khi đang ở... Hà Nội, nghe tin Quảng Trị giải phóng thì ông mới bật ra hoàn chỉnh bài hát, và nó nổi danh từ bấy tới giờ. Nhiều bài hát có những số phận kỳ lạ, từng rất nổi tiếng, rồi chìm lỉm đi đâu đấy. Bài này, cho tới giờ, đi dự đám cưới, tôi vẫn thấy nhiều người hát, dù nó đòi hỏi giọng hát phải mang tính chuyên nghiệp cao, tóm lại là khó hát.

Và ông Tố Hải cũng bảo, nó không chỉ là Đăk Rông Quảng Trị. Mà nó là các con sông Tây Nguyên. Cho nên, giai điệu, hình ảnh trong bài hát là Tây Nguyên, một Tây Nguyên rất đặc trưng và dễ nhận biết.

Cố nhạc sĩ Tố Hải

T.L

Một Tây Nguyên khiến rất nhiều người chưa từng biết Tây Nguyên vẫn có thể hình dung ra mồn một. Giai điệu Tây Nguyên và hình ảnh lại càng Tây Nguyên, với những nhà rông, lửa, chim K'tia, cây K'nia... và vấn đề là, nó hết sức nhuần nhuyễn, gắn kết với nhạc chứ không như các bài hát địa phương ca khác, liệt kê địa danh, sản vật vào cho nó ra địa phương nhưng cứ lổn nhổn như... răng khểnh cả hàm...

Vĩnh biệt nhạc sĩ Tố Hải. Có mấy cái ảnh chụp chung với ông nhưng nó ở phim, đang cất kỹ trong tủ, nên đành lấy ảnh trên mạng để vĩnh biệt ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.