Ở Úc, việc thuê nhà thông qua văn phòng địa ốc là phổ biến nhất. Tuy nhiên du học sinh mới qua hầu hết không chứng minh được thu nhập nên không đủ điều kiện thuê nhà qua văn phòng địa ốc mà thường chọn thuê lại từ một người thuê khác hoặc thông dụng hơn là thuê trực tiếp từ chủ sở hữu. Mặc dù những phương thức này có thể dễ tiếp cận hơn, nhưng cũng có nguy cơ bị lừa đảo cao hơn.
Hơn nữa hậu Covid-19, tỷ lệ nhà cho thuê ở Úc xuống mức thấp kỷ lục. Một căn nhà mở cửa cho thuê có hơn 30 nhóm đến coi, gấp 3 lần bình thường. Người đi thuê có khi phải bấm bụng đề nghị trả trước 6 tháng tiền nhà hoặc trả thêm tiền thuê để hy vọng thuê được nhà. Lợi dụng tình hình này, những kẻ lừa đảo trà trộn vào các hội nhóm trên mạng để ra tay. Chúng đặc biệt nhắm vào các du học sinh vừa mới chân ướt chân ráo tới Úc.
Bẫy "vừa rẻ vừa tốt"
Nguyễn Tấn, sinh viên trường đại học La Trobe, mới từ Việt Nam qua cần tìm nhà gấp. Em đăng quảng cáo trên mạng thì có một người liên hệ cho biết có nhà cho thuê và yêu cầu đặt cọc để giữ chỗ. Người này liên tục hối thúc và ra điều kiện phải đặt cọc sớm nếu không vợ anh ta sẽ cho người khác thuê. Tấn mới qua nên không đề phòng và cũng chủ quan là người Việt với nhau chắc cũng không đến nỗi nào. Không ngờ trong khi tài khoản ngân hàng của Tấn thông báo đã chuyển tiền thành công rồi mà bên kia cứ khăng khăng là chưa nhận được. Họ cũng bất hợp tác, không trả lời tin nhắn hay cuộc gọi điện thoại.
Du học sinh mới qua lạ nước lạ cái, chưa có việc làm, đa số chi tiêu dè dặt, mong muốn tìm một chỗ ở giá cả hợp lý, giao thông thuận tiện. Nắm được tâm lý này, bọn bất lương liền giăng ra những cái bẫy "vừa rẻ vừa tốt" với nhiều mưu chước.
Thanh Thảo, sinh viên Trường đại học RMIT, kể lại rằng khi mới qua Melbourne, Thảo thấy quảng cáo về một căn hộ khá ưng ý mà giá chỉ có 250 đô la Úc/ tuần. Em liên lạc với chủ nhà qua email thì họ cho biết đang đi du lịch nước ngoài, kêu Thảo chuyển 1.000 đô la đặt cọc rồi họ sẽ gửi chìa khóa về. Thảo xem địa chỉ nhà, thấy chỉ cần đi một chuyến xe điện (tram) là tới trường, giá thì quá rẻ so với các căn khác tương tự gần trung tâm nên em quyết định chuyển tiền đặt cọc. Sau đó nói chuyện với một người bạn em mới biết có thể mình đã bị lừa. Mặc dù vô vọng, Thảo vẫn thử gửi email yêu cầu họ gửi chìa khóa sớm. Không ngờ chủ nhà ảo đó còn muốn lừa thêm tiền, báo là bị tai nạn giao thông, cần tiền để đóng viện phí, đòi Thảo chuyển tiếp trước 1 tháng tiền nhà nữa.
Bẫy chủ nhà "ảo"
Không chỉ có các tân sinh viên mới là nạn nhân, chỉ cần một phút sơ hở thì người sống lâu năm ở Úc cũng có thể bị sập bẫy.
Như trường hợp của Phương Vy, sinh viên trường Victoria University. Vy đã sống ở Melbourne một thời gian nhưng do cần đi Ballarat thực tập nên Vy lên mạng đăng quảng cáo tìm nhà. Có một ông Tây liên hệ cho thuê. Vy thấy nhà này gần chỗ thực tập, có thể đi bộ nên đồng ý luôn mà không đi coi vì Ballarat cách Melbourne cả 100 km. Để chắc ăn, Vy yêu cầu ký hợp đồng. Trường đại học cần thông tin chủ nhà, ông ta cũng cung cấp đầy đủ. Cách nói chuyện (qua Messenger) cũng đàng hoàng nên Vy tin tưởng chuyển khoản 1.000 đô la tiền cọc.
Sau khi chuyển tiền, Vy liên lạc qua lại hỏi thêm thông tin về nhà cửa, chỗ ở và được người đó trả lời tận tình nên càng tin tưởng. Gần tới ngày giao nhà, ông ta đòi đưa trước 200 đô la tiền thuê nhưng Vy đề nghị để khi gặp trả luôn, ông ta cũng đồng ý. Nhưng tới hôm đi thì ông ta ngưng kết nối (offline), Vy không liên lạc được. Đến nơi gọi cửa thì gặp một bà Tây, bà ta cho biết mình là chủ nhà, không biết ông đó là ai cũng không cho thuê nhà. Tới đây Vy mới biết mình bị lừa một cú ngoạn mục, nhà thuê không tồn tại, em thậm chí còn không có số điện thoại của ông chủ nhà giả.
Một trường hợp khác cũng khá tinh vi khi người đăng tin rao vặt không phải chủ nhà mà là người ở thuê sắp hết hợp đồng và dọn ra ngoài. Như vậy, họ vẫn có chìa khóa để dẫn bạn vào xem nhà, xem phòng để tạo sự tin tưởng. Sau khi bạn trả tiền cọc, tiền nhà thì họ sẽ biến mất.
Những dấu hiệu có thể là lừa đảo
Study Melbourne, cơ quan trực thuộc Chính phủ tiểu bang Victoria chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ cộng đồng sinh viên quốc tế, đưa ra một số điều có thể là dấu hiệu cảnh báo lừa đảo như sau:
- Nếu bạn được yêu cầu đặt cọc trước khi xem nhà.
- Nếu bạn được yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt.
- Nếu giá thuê rẻ hơn nhiều so với các nhà tương tự
- Nếu các hình ảnh online trông quá đẹp so với hầu hết các căn nhà cùng giá khác.
- Nếu người mà bạn đang giao dịch cố gắng hối thúc hoặc gây áp lực buộc bạn phải trả tiền sớm.
- Cảm giác bị áp lực và cảm giác cấp bách có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo.
- Nếu người mà bạn đang giao dịch không cung cấp cho bạn hợp đồng thuê nhà tiêu chuẩn hoặc không muốn cung cấp chi tiết liên lạc của họ.
Liên hệ ở đâu để được hỗ trợ?
Trong trường hợp bạn nghĩ mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo, hãy lập tức liên hệ ngân hàng của mình và cảnh sát để báo cáo lừa đảo và nhờ hỗ trợ lấy lại tiền. Bạn cũng nên báo cáo với Scamwatch - https://www.scamwatch.gov.au/ và IDCARE - https://www.idcare.org/.
Nếu bạn đã cung cấp thông tin cá nhân cho một trang web, hãy truy cập vào Cyber Safety Centre để được tư vấn về việc giữ an toàn thông tin của bạn.
Bạn cũng có thể liên hệ Study Melbourne Hub để được hỗ trợ. Bộ phận Dịch vụ pháp lý về việc làm và chỗ ở cho sinh viên quốc tế (International Student Employment and Accommodation Legal Service) có thể giúp du học sinh, đặc biệt là sinh viên của những nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ như Việt Nam.
Một số mẹo để tránh bị lừa đảo
Study Melbourne cũng chỉ ra một số mẹo để tránh bị lừa đảo khi thuê nhà như sau:
- Không trả bất kỳ khoản tiền nào trước khi bạn trực tiếp vào xem nhà và gặp mặt chủ nhà hoặc đại diện văn phòng địa ốc.
- Gọi cho người mà bạn đang giao dịch qua điện thoại và sắp xếp gặp họ trực tiếp.
- Bạn phải yêu cầu người cho thuê cho biết thông tin liên lạc bao gồm họ tên đầy đủ, email, số điện thoại và địa chỉ của họ. Nếu không có tên, địa chỉ hoặc email chính xác, sẽ rất khó thưa kiện nếu có vấn đề.
- Hãy yêu cầu xem bằng chứng người đó có quyền thuê nhà, hay là chủ sở hữu tài sản. Nếu bạn thuê lại của người khác, bạn nên yêu cầu xem họ có được nhà cung cấp dịch vụ cho thuê cho phép cho thuê lại hay không.
- Hãy thử tìm kiếm địa chỉ nhà thuê trên internet. Hầu hết các bất động sản sẽ xuất hiện trên các trang web như realestate.com, domain.com hoặc ít nhất là trên Google. Bạn cũng có thể kiểm tra lịch sử cho thuê của nó. Kiểm tra xem hình ảnh trong quảng cáo có khớp với hình ảnh online hay không.
- Nếu một cái gì đó có vẻ quá tốt thì rất đáng ngờ. Tiền thuê rất rẻ cho một căn hộ đẹp là một trò lừa đảo phổ biến.
Thoại Giang
Bình luận (0)