Trong khi các bệnh viện tuyến trên của TP.HCM quá tải trầm trọng, người bệnh phải nằm đôi, nằm ba, nằm hành lang... thì tại các bệnh viện quận, huyện lại rơi vào cảnh đìu hiu, rất lãng phí.
Phòng 2, Khoa Nhi Bệnh viện Q.9 chỉ có 1 bệnh nhi trong căn phòng 6 giường |
Khảo sát của PV Thanh Niên cho thấy tại nhiều khoa, phòng của nhiều bệnh viện (BV) tuyến quận, huyện tại TP.HCM vắng bệnh nhân (BN) đến bất ngờ.
1 bệnh nhân nằm... 6 giường
Tại BV Q.9 hôm 18.9, chưa đến 11 giờ nhưng các nhân viên đã thu xếp sổ sách, đóng cửa một số phòng để nghỉ. “Quầy tiếp nhận khám bệnh gia đình và nơi khám bệnh - khám sức khỏe cho trẻ từ 10 - 16 tuổi” không còn ai trực; phòng phát thuốc, quầy thu phí cũng đóng cửa, tắt đèn. Khoa nội nhiễm có phòng 6 giường bệnh nhưng chỉ có 1 bệnh nhân; khoa hậu sản có 2 phòng (hậu sản 1, hậu sản 2), mỗi phòng có 6 giường nhưng chỉ có 3 bệnh nhân/phòng; khu vực khám bệnh không có ai ngồi chờ.
Cùng ngày, tại các khoa điều trị nội trú của BV Q.7 có rất nhiều phòng trống, thậm chí nhiều buồng bệnh đóng cửa vì không có BN. Khoa sản có hai buồng bệnh (5 và 6), mỗi buồng có 3 giường nhưng đều không có BN. Khoa nhi, từ buồng 1 đến buồng 4 đều khóa kín cửa vì không có BN, giường bệnh đóng bụi, không trải drap. Chỉ có 2 bệnh nhi nằm ở buồng bệnh có đến 8 giường. Khoa ngoại, buồng 3, buồng 5, buồng 6 (mỗi buồng có 4 giường) nhưng chỉ có 1 BN/buồng.
Tại BV H.Nhà Bè, hôm 23.9 PV Thanh Niên có mặt cũng trong tình trạng đìu hiu. Phòng số 3, số 6 của khoa ngoại đều khóa cửa ngoài vì không có BN. Các giường bệnh không trải drap, bụi đóng cả lớp, nhiều tấm nệm đã rách nhưng chưa được thay mới; một số máy móc, thiết bị được xếp vào góc phòng. Phòng số 2 của khoa nhi với 6 giường bệnh nhưng chỉ có 1 BN.
Cùng ngày, khoa hậu sản BV Q.6, từ phòng 102 - 104 đều khóa cửa; phòng 105 chỉ có 1 sản phụ nằm lẻ loi. Sản phụ này cho biết 2 ngày sau sinh, chị nằm một mình một phòng nên đồ đạc để một giường, người nhà chị nằm một giường. Còn khoa ngoại A ở lầu 2 mỗi phòng có 4 - 5 giường nhưng chỉ có 1 BN/phòng; khoa ngoại B thì phòng 205 với 6 giường chỉ có 1 BN; khoa nhi phòng 314 không có BN nào nên cửa phòng đã khóa.
Tại BV Q.12, ngày 26.9, PV ghi nhận phòng số 5 của khoa sản dù không có sản phụ nằm nhưng đèn, quạt vẫn mở; khoa nhi, phòng số 5 không có bệnh; khoa nội, các phòng lưu bệnh 7 và 8 không có BN, phòng số 12 có đến 9 giường nhưng chỉ có 2 BN.
Sáng 9.10 chúng tôi quay lại BV Q.9, ghi nhận khu khám bệnh không có 1 BN nào ngồi chờ; 2 phòng khám, mỗi phòng chỉ có 1 - 2 BN. Khoa sản, BN còn ít hơn lần ghi nhận trước, hậu sản 1, hậu sản 2 chỉ có 2 BN/phòng, những chiếc giường trống được người nhà BN để đồ đạc. Khoa nhi, phòng nhi 2 với 6 giường nhưng chỉ có 1 BN. Khoa ngoại, có phòng 5 giường cũng chỉ 1 BN. Cùng ngày, tại BV H.Nhà Bè các khoa phòng cũng cảnh “chợ chiều” - khoa ngoại, các phòng bệnh (1, 3, 4, 6) đều khóa cửa vì không có BN; khoa nội tổng hợp, có phòng 6 giường nhưng chỉ có 1 BN. Khoa nhi nhiều phòng cũng cửa đóng then cài.
“Tái ghi nhận” tình hình tại BV Q.7 hôm 9.10, PV cũng chứng kiến cảnh khoa nhi có phòng phải khóa cửa; phòng số 2 với 8 giường nhưng chỉ có 4 bệnh nhi, thân nhân bệnh nhi dùng giường trống để đồ đạc và “tiếp khách” đến thăm. Khoa sản, mỗi phòng chỉ có 1 BN.
“Tái cơ cấu” để tránh lãng phí
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lâu nay các BV quận, huyện không trực thuộc quản lý của Sở Y tế TP.HCM mà do UBND quận, huyện quản lý, cấp kinh phí.
BV Q.9 có 100 giường bệnh nội trú, năm 2015 được nhà nước cấp kinh phí hoạt động 82 triệu đồng/giường/năm; BV Q.7 có 150 giường, kinh phí được cấp 72 triệu đồng/giường/năm; BV H.Nhà Bè 110 giường, BV Q.12 150 giường, BV Q.6 140 giường (kinh phí được cấp cùng 75 triệu đồng/giường/năm). Dù giường bệnh tại các BV này hoạt động có hết công suất hay trống vắng thì trong năm BV vẫn được nhà nước cấp kinh phí cho từng giường như vậy. “Một sự lãng phí bấy lâu nay”, một bác sĩ (BS) của BV tuyến trên nói.
BS Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc BV H.Nhà Bè, cho biết 9 tháng năm nay, công suất sử dụng giường bệnh tại đây chỉ đạt 63%, chủ yếu BN đến để khám ngoại trú. “Nguồn lực của BV chưa đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh; kỹ thuật chuyên sâu đòi hỏi cơ sở vật chất cao mà BV thì thiếu; tâm lý người dân muốn đến các BV tuyến trên, là những lý do khiến nhiều giường bệnh còn trống”, BS Thơ giải thích. Còn tại BV Q.9, BS Bùi Văn Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết công suất sử dụng giường bệnh 6 tháng đầu năm nay đạt 70%; khoa sản đạt trên 50%; khoa ngoại lượng BN rất ít, có hôm có phòng phải đóng cửa vì không có BN.
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Sở Y tế TP.HCM, cho rằng sắp tới khi giá viện phí có sự thay đổi, nhà nước không còn bao cấp tiền lương, trực cho y, BS, nhân viên y tế của các BV công, những chi phí này sẽ được tính vào giá viện phí; và dự kiến từ ngày 1.1.2016, nhà nước sẽ không còn “rót” kinh phí theo đầu giường bệnh cho các BV công nữa, mà các BV phải tự chủ hoàn toàn. Khi đó, buộc các BV phải tự nỗ lực về chuyên môn, cung cách phục vụ để thu hút BN thì mới có nguồn thu, nuôi sống, phát triển mình. “Lúc đó, BV nào không nỗ lực, BN không đến thì sẽ chết. Khi đó, nhà nước, ngành y tế sẽ xem lại, sẽ tái cơ cấu”, bà Liễu nói.
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung bướu, TP.HCM, nói: ‘Lâu nay y, BS của BV công làm nhiều ít cũng được nhà nước trả lương. Cuối năm nay nhà nước không còn bao cấp tiền lương, trực, phụ cấp thủ thuật nữa, buộc các BV phải tự nỗ lực cải thiện chuyên môn, thái độ ứng xử để tạo sức hấp dẫn BN đến với mình - vì có BN thì mới có nguồn thu, tăng lượng người tham gia trả tiền công cho y, BS. Đặc biệt, năm 2016 bắt đầu thực hiện thông tuyến, BN bảo hiểm y tế có quyền lựa chọn cơ sở y tế mình thích trong khu vực, nơi nào không tốt BN không đến”.
TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 cũng phân tích: “Khi tự chủ hoàn toàn thì các BV buộc phải nỗ lực hết sức để cạnh tranh với nhau, cạnh tranh cả với BV công lẫn BV tư, vì tới đây sẽ có rất nhiều BV tư tham gia bảo hiểm y tế. Nếu không thu hút BN thì không có nguồn thu, BV sẽ rất khó khăn”.
“Ngộp thở” tuyến trên !
Trong khi các BV huyện đìu hiu thì ở các BV tuyến trên của TP.HCM, BN chen chúc ngộp thở; thậm chí phải đến BV từ lúc 3, 4 giờ sáng để bốc số thứ tự; hành lang BV cũng không còn chỗ cho BN nằm.
Ngày 5.10, BV Nhi đồng 1 chen kín bệnh nhi (với 6.200 trẻ đến khám/ngày; trước đây khoảng 5.000 trẻ). Ông C. (ngụ Q.Gò Vấp) có con nhỏ nhập khoa hô hấp BV này cho biết: “1 giường bệnh được xếp đến 8 bệnh nhi. BV xếp giường là để theo dõi, điều trị, chứ người nhà đưa trẻ ra hành lang, cầu thang nằm cho đỡ ngộp”.
Theo BS Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, BV quá tải, dù đã có 1.400 giường nhưng BV vừa phải kê thêm 150 giường và tận dụng cả hành lang để có chỗ cho trẻ nằm nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. BV Nhi đồng 2 cũng trong tình trạng quá tải .
Ngày 9.10, Sở Y tế TP.HCM làm việc với lãnh đạo 2 BV nhi này để bàn các giải pháp giảm tải. Theo báo cáo của 2 BV, trung bình mỗi BV tiếp nhận khám từ 7.800 - 8.000 trẻ/ngày; số nhập viện có ngày lên đến 2.000 ca. Cả 2 BV đều phải kê thêm bàn khám, giường, khám cả giờ nghỉ trưa...
Ngày 5.10, tại Viện Tim TP.HCM, nhiều người cảm thấy ngộp do lượng BN quá đông, nhiều người phải ra các bãi cỏ, lối đi từ cổng dẫn vào khoa khám bệnh để ngồi chờ đến lượt khám. Chỉ mới 5 giờ (ngày 14.10) nhưng tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, lượng BN đứng xếp hàng lấy số thứ tự kéo dài từ trong ra tận cổng. Tại Khoa Khám bệnh BV Chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân 115, BV Ung bướu lượng BN đến khám đông choáng ngợp.
|
Bình luận (0)