Những bông hoa bên Đền thờ Bác ở Hậu Giang

Những bông hoa bên Đền thờ Bác ở Hậu Giang

27/08/2007 09:59 GMT+7

Trong thời kỳ chiến tranh, Đảng bộ và quân dân huyện Long Mỹ , tỉnh Hậu Giang tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương mình - nơi có đền thờ Bác Hồ được lập nên từ khi Bác đi xa. Vượt qua khói lửa đạn bom, đền thờ vẫn vững vàng như tấm lòng kiên trung của người dân nơi đây đối với Đảng, với Bác Hồ.

Xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã có nhiều  đổi thay. Dọc tuyến lộ từ Thuận Hưng về Lương Tâm, 14 cây cầu kiên cố, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đã được bàn giao, phần nào rút ngắn khoảng cách giữa  Lương Tâm với trung tâm huyện lỵ Long Mỹ. Những cây cầu này còn  mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.


Những cây cầu kiên cố đã rút ngắn khoảng cách giữa  Lương Tâm với trung tâm huyện lỵ Long Mỹ - Ảnh Đ.T

Anh Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Lương Tâm, bộc bạch: "Tất cả những thành quả của chúng tôi đạt được hôm nay đều dựa trên nền tảng của ngày hôm qua, dựa vào niềm tin vững chắc ở Đảng, vào vị Cha già kính yêu của dân tộc. Những thành quả này, chúng tôi muốn dâng lên Bác, để đền đáp ơn Người".

Và theo anh Dũng, một trong những người đặt nền móng vững chắc đầu tiên lập nên đền thờ Bác, hoạ chân dung Bác từ tờ giấy bạc Cụ Hồ để thờ là ông Lê Văn Thống , một cán bộ hưu trí ở địa phương. Nhắc đến Bác Hồ, nhắc đến lòng dân của người Hậu Giang đối với Bác, ông Thống nói giọng chắc nịch: “Điều đó là bất di bất dịch, người Hậu Giang ở thế hệ chúng tôi luôn mang trong tim mình hình ảnh của Bác”. Ông bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tạo dựng đền thờ Bác và kể : "Ngày 3.9.1969, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin buồn Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc đã vĩnh viễn đi xa, Đảng bộ, quân dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ đã quyết định lập bàn thờ Bác ngay tại văn phòng Đảng ủy xã. Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ họa hình Bác và lập bàn thờ để tổ chức truy điệu...".

Nén nỗi xúc động, ông Thống tiếp tục câu chuyện: “Ngày đó, ai cũng như tôi cả thôi. từ  già đến trẻ, như má Năm, ông Út Xả ở ấp Nhì; ở ấp 3 thì có ông Tư Hùng, ông Năm Nửng,…  đều chung tay góp sức lập lên bàn thờ Bác. Ai cũng tâm niệm đây là việc chung, việc lớn phải làm…".
 
Trong câu chuyện đứt quãng do xúc động của mình, ông Thống kể lại tình cảm sâu sắc của người dân Hậu Giang đối với Bác. Đó là  hình ảnh em bé Hậu Giang, khi bị địch bắt  phải bước qua ảnh Bác để được sống nhưng em đã kính cẩn nâng cao ảnh Bác lên đầu, sẵn sàng hy sinh một cách oanh liệt .Có lẽ vì vậy mà trong những năm chiến tranh ác liệt, mặc cho bom cày, đạn xới nhưng đền thờ Bác vẫn sừng sững đứng đó như luôn nhắc nhở Đảng bộ, quân và dân nơi đây bám đất, bám làng, đánh  đuổi kẻ thù. 

Trên đường trở về đền thờ Bác, anh Nguyễn Tiến Dũng tiếp tục kể: “Thời điểm đó, ở Hậu Giang, những người có tấm lòng như ông Thống là đếm không xuể. Như gia đình ông Nguyễn Văn Tòng, ngụ ấp 6, xã Vĩnh Viễn, thường xuyên tổ chức cúng giỗ Bác từ ngày đó cho đến nay, hay ở thị xã Vị Thanh có bà Trần Thị Láng, người Hoa, tổ chức lễ giỗ Bác công khai ngay trong vùng địch chiếm đóng… Và còn nhiều, nhiều lắm!".

Đến tận hôm nay, lòng biết ơn, kính yêu đối với Bác của người dân Hậu Giang được thể hiện ở khía cạnh mới. Chú Trương Văn Ưa – Trưởng ban quản lý đền Thờ, cho biết: “Mặc dù đền thờ Bác Hồ nằm ở xã vùng sâu , nhưng hàng ngày có nhiều người đến đây tình nguyện làm cỏ, quét dọn vệ sinh,…  rồi xin được thỉnh hình của Bác về thờ tại nhà, hay tình nguyện ở lại làm công quả".


Phút nghỉ ngơi của chị Lan, sau khi quét dọn trong Đền (Ảnh: Đ.T)

Một trong những người nói trên có chị Huỳnh Thị Xem, 51 tuổi, ngụ ấp 1, xã Lương Tâm. Chị Xem cho biết: "Trước đây, khi còn sinh hoạt ở phụ nữ ấp, tôi thường về đền thờ thắp nhang cho Bác trong những ngày lễ, Tết… Riết trở thành quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Thế là tôi tình nguyện ở lại phục vụ, đến nay đã được gần chục năm rồi". Theo chị Xem  đây là công việc cao cả, được tận tay “chăm sóc”, như luôn được ở bên Bác, tâm hồn vui sướng và thanh thản…

Cùng với chị, cả hai vợ chồng anh Huỳnh Văn Tựu và chị Nguyễn thị Lan cũng tình nguyện phục vụ,  hàng ngày chăm sóc vườn hoa và quét dọn chung quanh đền thờ Bác .

Còn em Nguyễn Thị Trúc Xuân, lý do đến với đền thờ Bác lại khác. Sau khi học xong lớp 12, hoàn toàn có khả năng thi vào các trường cao đẳng, đại học, nhưng Xuân đã chọn làm nhân viên thuyết minh ở đền thờ Bác. Xuân thổ lộ: “Ngay từ khi còn nhỏ, thường xuyên được các anh chị lớp trên dẫn đến sinh hoạt nơi này nên em có ước mơ lớn lên sẽ được làm việc ở các di tích cách mạng gắn bó về Bác Hồ ". Vì thế, khi nghe Trung tâm văn hóa tìm người thuyết minh trong đền thờ Bác,  Xuân đã tình nguyện và gắn bó với công việc này đã hơn 2 năm nay.


Trúc Xuân với công việc thuyết minh (Ảnh: Đ.T)

Trên đường trở về, dưới bóng mát bạch đàn, Hoài Thu - anh bạn nhà báo cùng đi,  quê ở xã Lương Tâm bày tỏ :  "Với người dân Hậu Giang, đền thờ Bác Hồ không chỉ là niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương mà còn là nơi thiêng liêng của Đảng Bộ, quân dân trong tỉnh sinh hoạt, học tập noi theo gương Bác Hồ. Đền thờ Bác Hồ  luôn hiện linh ngay trong lòng mỗi người dân Hậu Giang". 

                                                 Ghi chép của Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.