Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 14: Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng

18/09/2014 02:00 GMT+7

Đó là mối tình xuyên biên giới thật đẹp, thật cảm động giữa một chàng trai Việt và một cô gái Romania. Chàng làm thơ ghi lại tâm sự của nàng. Chỉ thế thôi - nhưng phía sau bài thơ là cả một trời thương nhớ...

Đó là mối tình xuyên biên giới thật đẹp, thật cảm động giữa một chàng trai Việt và một cô gái Romania. Chàng làm thơ ghi lại tâm sự của nàng. Chỉ thế thôi - nhưng phía sau bài thơ là cả một trời thương nhớ...

>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 13: Từ Dung - Từ Công Phụng 'Trên ngọn tình sầu
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 12: Ở hai đầu nỗi nhớ
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 11: Từ 'Dư âm' đến 'Một khúc tâm tình

 Nhà thơ Khổng Văn Đương  - Ảnh: H.Đ.N
Nhà thơ Khổng Văn Đương  - Ảnh: H.Đ.N

Năm 1965, sau khi học xong chương trình phổ thông, chàng trai Khổng Văn Đương (sinh năm 1945, quê Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) được chọn sang Romania theo học Khoa Hóa tại Trường ĐH Bách khoa Georges Dej Bucharest. Kỳ nghỉ hè đầu tiên (năm 1966), Đương và các bạn được đi nghỉ ở biển Đen. Vốn thích “thực tập ngoại ngữ” với người bản xứ, Đương làm quen với một cô gái Romania xinh đẹp. Nàng tên Valentina, 16 tuổi, học sinh lớp 11 Trường THPT Cristina (Brasov). Valentina dắt tay Đương tung tăng khắp bãi biển, sôi nổi, nhiệt tình bởi giữa họ có nhiều điểm tương đồng.

Nghỉ hè năm sau (1967), Valentina lên thăm nhà ông chú ở thủ đô Bucharest, cô gọi điện thoại cho Đương. Thế là họ lại quấn quýt bên nhau, đưa nhau đi xem phim, thăm thú các bảo tàng, kiến trúc lịch sử... và trao nhau những lời yêu thương. Mùa đông năm đó, Đương rủ một bạn thân tên Doanh đến nhà nàng chơi. Bố mẹ của Valentina đều là giáo viên. Họ tỏ ra khá am hiểu tình hình và quý trọng con người VN (lúc đó đang trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất). Họ ưu ái thết đãi Đương và bạn. Từ hôm đó và cả những lần sau, mỗi lần Đương tới chơi, họ đều biếu hoa quả, rượu vang, trứng gà để mang về ký túc xá “cải thiện” bữa ăn. Cứ như thế, tình yêu của Đương và Valentina ngày một đậm đà, khăng khít.

Kết cục bi đát

Oái oăm thay, với Valentina đó là một tình yêu trong sáng còn với Đương thì lại “tiến thoái lưỡng nan”, vì vào thời điểm đó cuộc kháng chiến chống Mỹ ở VN đang bước vào những năm khốc liệt nhất, việc yêu đương của bất cứ sinh viên Việt nào với người bản xứ đều không được BCH Đoàn và Tổ chức sinh viên VN tại Romania chấp nhận. Nhìn thấy trước “viễn cảnh tối tăm”, có thể bị trục xuất về nước, công lao mấy năm học tập không khéo đổ sông đổ biển, vì thế trong một lần đi chơi, Đương đã đề nghị và quyết định cắt đứt mối quan hệ mà không dám nói rõ lý do.

Khoảng nửa tháng sau, Đương nhận được thư của Valentina, một lá thư với những lời lẽ hết sức bi thiết chen lẫn oán hờn nhưng vẫn hy vọng một ngày kia Đương sẽ quay trở lại. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết của nàng, Đương đã dựa vào những lời lẽ trong thư để làm thành bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng:

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng/Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng/Một mình em trong màn đêm thanh vắng/Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng/Em trèo lên đỉnh núi cao Các-pát/Nhìn theo anh mất hút biết về đâu/Chân ai đi xa lắc tím trời u/Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!/Em lại đến biển Đen xưa dào dạt/Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên/Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt/Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!/Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa-nuýp/Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông/Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp/Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!... Em cầu nguyện. Còn anh anh chẳng biết/Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?/Và hôm nay dù tình anh đã hết/Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ... Vẫn trèo lên đỉnh cao Các-pát/Vẫn theo dòng Đa-nuýp những đêm trăng/Em lại đến biển Đen xưa dào dạt/Đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng!” (Bucharest, 19.3.1969).

Bài thơ nhanh chóng được các du học sinh người Việt chuyền tay nhau rồi lan sang khắp các nước Đông u khác và Liên Xô. Ít lâu sau, qua một người bạn, Đương biết tin nàng bị điên loạn. Mặc dù đã quyết định chia tay nhưng vì muốn biết thực hư thế nào cộng với nỗi thương nhớ, Đương lại rủ Doanh tìm đến nhà nàng. Bà giáo già nhìn hai chàng trẻ tuổi ái ngại: “Nó bị... điên rồi, cháu ạ!”. Thật không ngờ đến nông nỗi thế này: Valentina đầu tóc rũ rượi, tâm thần ngớ ngẩn. Nàng đã phải nghỉ học, ở nhà để tịnh dưỡng và chữa bệnh. Dù thế, mới nhác thấy bóng chàng, nàng đã dang rộng đôi tay hét lớn: “Đương! Đương!”…

Dù đã tiên liệu nhưng sau này Đương phải kết luận: “Câu chuyện tình của chúng tôi về sau kết cục rất bi đát. Quan hệ của chúng tôi bị tổ chức phát hiện, tôi bị khai trừ ra khỏi Đoàn, Valentina phát điên và mọi sự đều đổ vỡ tan tành. Tập thơ tôi viết tặng Valentina (khoảng 50 bài trong đó có bài Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng) bị đánh giá là có màu sắc xấu, bị tịch thu và gửi đi đâu tôi cũng không được biết”.

Gặp lại tình đầu

Theo sự giới thiệu của một đồng nghiệp, người viết đã đến thăm ông Khổng Văn Đương, nhà ông trong con hẻm rộng đường Ngô Thời Nhiệm (Q.3, TP.HCM). Ông rủ ra quán cà phê nói chuyện cho thoải mái, và câu chuyện của chúng tôi tiếp tục.

Kết thúc đại học, ông Đương trở về VN năm 1971. Đến năm 1979, nhân chuyến công tác 4 tháng tại Tiệp Khắc, ông đã liên lạc được với Valentina. Nàng cùng ông chồng (người Đức) và cô con gái đến thăm ông. Nàng kể sau cú sốc tâm lý đến phát điên đó, bố mẹ nàng đã cố gắng giúp con gái gượng dậy, tiếp tục học và tốt nghiệp Khoa tiếng Đức Trường ĐH Tổng hợp Bucharest. Ra trường, được nhận vào làm việc tại Hội Hữu nghị Romania - Đức và ở đây, nàng đã gặp người chồng bây giờ. Cuộc sống mới giúp nàng quên đi nỗi đau của mối tình đầu. Lúc này, ông Đương mới nói rõ nguyên nhân của cuộc chia ly hơn 10 năm trước. Với người Việt, tình yêu lứa đôi vô cùng cao cả, nhưng với Tổ quốc thì tình cảm đó còn thiêng liêng hơn mọi thứ. Có lẽ vì điều này mà ông chồng người Đức đã lẳng lặng đưa con gái đi chơi quanh nước Tiệp, để bà vợ lại bên cạnh ông Đương suốt một tuần lễ.

“Bây giờ ông có còn giữ liên lạc với cô ấy không?”. “Cô ấy mất rồi anh ạ, bị tai nạn giao thông. Tôi cũng không biết chính xác như thế nào, 18 ngày sau tôi mới nghe bạn bè ở bên ấy báo lại. Tôi áng chừng cô ấy mất vào ngày 9.9.2012 và tôi đã chọn ngày này để cúng giỗ cô ấy hằng năm...”. Ông Đương nói mà mắt rưng rưng ngấn lệ. Những giọt nước mắt của người đàn ông ngót 70 tuổi khóc mối tình đầu sao mà chạnh lòng đến vậy!

Hà Đình Nguyên

>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 10: Chiều nay sương khói lên khơi...
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 9: “Đôi ta làm bạn thong dong...”
>> Bóng hồng giữa những làn xe
>> Phận nữ mãi nghệ - Kỳ 1: Bóng hồng 'vờn' lửa
>> Bóng hồng bên danh nhân - Kỳ 2: Tình anh bán chiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.