Phải đến cuối đời nhà thơ Du Tử Lê mới tiết lộ những uẩn tình phía sau ca khúc Trên ngọn tình sầu: “Tôi có thói quen ghi lại thời gian hoàn tất bài thơ, thậm chí tôi còn đem thời điểm ra đời của bài thơ vào ngay tựa đề của một số bài thơ nữa. Cho nên, khi tôi đặt tựa đề 67, khúc thêm cho Huyền Châu, thì “67” là con số viết tắt của năm 1967. Bài thơ tám chữ này sau đó được nhạc sĩ Từ Công Phụng soạn thành ca khúc, với tựa đề mới: Trên ngọn tình sầu”.
Nhà thơ kể: “Vào năm 1962, tôi nhập ngũ Trường Sĩ quan Thủ Đức, Sài Gòn. Buổi sáng nọ tôi được theo trung úy Sinh đi chợ Cầu Ông Lãnh mua thức ăn (cả tuần) cho sinh viên. Khi ngang qua căn nhà mặt tiền số 112 Bis Bến Chương Dương, trông vào chợ Cầu Ông Lãnh, trung úy Sinh bảo tôi: “Trong căn nhà đó có một cô bán kẹo rất xinh”. Ông đố tôi vào, nói chuyện với cô ấy.
Tôi vốn nhút nhát… Nhưng khi bị thách đố, tôi liều lĩnh nhận lời. Bước vào, tôi thấy người con gái để tóc thề, khuôn mặt trái xoan, mắt to, hơi lạnh, khá nghiêm nghị. Tôi chới với, không biết nói gì! Bèn hỏi mua một lạng ô mai cam thảo và thú thật với cô bán hàng rằng ông sĩ quan đố tôi vào, nói chuyện với cô…
Cô mỉm cười, mời tôi ngồi xuống chiếc ghế duy nhất, bên ngoài tủ kính. Tôi im lặng, không biết nói gì thêm. Lát sau, tôi cầm bịch ô mai, đứng lên, xin kiếu. Cô ấy cũng đứng dậy, nói buổi sáng cô thường ra trông hàng cho mẹ. Mai mốt có dịp thì tôi cứ ghé vô, nếu thấy cô.
Hai tuần sau, tôi lại được chọn làm sinh viên kiểm thực cho trường. Nhìn vào trong tiệm, thấy cô ấy sau quầy, tôi xin trung úy Sinh cho tôi ít phút, ông gật đầu.
Tuy chúng tôi trao đổi với nhau rất ít, nhưng sau lần đó, mỗi khi được về phép, tôi lại ghé tiệm. Lần nào tôi cũng chỉ mua đúng một lạng ô mai cam thảo cho có (dù không ăn).
Trước khi mãn khóa, Huyền Châu có lên trường thăm tôi. Lúc này chúng tôi đã gọi nhau bằng tên. Tôi bắt đầu làm thơ cho Huyền Châu, gửi đăng báo. Trong số những bài thơ được chọn đăng, có một bài tôi lấy tên là Bài Huyền Châu. Báo đăng, tôi mua một tờ mang tặng Huyền Châu. Nàng cảm động lắm!
Mọi chuyện đang diễn ra một cách êm đềm, trong vòng lễ giáo (một cái cầm tay cũng chưa có), bỗng một buổi sáng khi tôi đang ngồi nói chuyện với Huyền Châu (cách nhau cái tủ kính) thì thình lình ba của nàng từ trong nhà đi ra. Ông không nói một lời nào, mặt hầm hầm và... vung tay tát con gái.
|
Tôi choáng váng. Không kịp suy nghĩ, tôi xô ghế, đứng lên nói với ông rằng chính tôi mới là người có lỗi. Vì thế: “Cháu xin hứa với bác sẽ không bao giờ trở lại căn nhà này nữa!”. Nói xong, tôi quay lưng đi ngay, không nhìn Huyền Châu!
Con sóng tình vỗ mãi một âm quên
Mãn khóa học, tôi đi thực tập ở Ninh Hòa (Nha Trang). Sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, chúng tôi được về lại Sài Gòn. Thời gian này, tuy vẫn nghĩ tới Huyền Châu, nhưng tôi đã nguôi ngoai niềm đau. Tôi đinh ninh Huyền Châu với nếp sống khép kín, nghiêm túc, sẽ không có chuyện muốn tiếp tục liên hệ với tôi!
Nhiều năm sau, khi đã có gia đình, qua người bạn văn nghệ của tôi là nhà thơ Tuệ Mai, tôi mới biết thời gian tôi ở Ninh Hòa, Huyền Châu đã tới căn nhà của ông anh tôi (trên đường Trần Hưng Đạo) tìm tôi. Nhưng không biết có phải vì quá thật thà, nên trước khi hỏi xin địa chỉ của tôi ở nơi thực tập, Huyền Châu đã khai hết những chuyện lẽ ra nên giấu đi của hai đứa. Có lẽ vì thế, anh tôi đã từ chối khéo với lý do gia đình chưa có địa chỉ của tôi. Anh nghĩ hai gia đình thuộc hai nguồn gốc khác nhau, sẽ rất khó hòa hợp.
Qua thu xếp của nhà thơ Tuệ Mai, chúng tôi được gặp lại nhau nhiều lần ở nhà riêng của nữ sĩ... Nhưng không hiểu tại sao, suốt mấy năm trong thời gian gặp nhau, tôi không hề hỏi Huyền Châu có biết bài thơ tôi viết cho Châu đã được chuyển thể thành ca khúc không. Tôi cũng thực sự không nắm vững lý do tại sao chúng tôi lại mất hẳn liên lạc với nhau, ít ngày trước 30.4.1975, mặc dù khi đó cả hai vẫn ở Sài Gòn.
Thời điểm bài thơ chuyển thể thành ca khúc là năm 1969. Người đưa tập thơ Tay gõ cửa đời của tôi cho nhạc sĩ Từ Công Phụng là Nguyễn Thiệp, làm cùng phòng với tôi. Thiệp bảo Phụng về một “bài thơ hay và lạ lắm...”. Phụng đã phổ nhạc ngay bài thơ ấy.
Một buổi sáng, Phụng rủ tôi và Thiệp ra café La Pagode, hát cho chúng tôi nghe và yêu cầu tôi chọn cho ca khúc một tựa đề khác, không quá riêng tư như tựa đề đầu tiên. Nhìn mấy cây cổ thụ trên đường Lê Thánh Tôn, nhớ những ngày buồn bã vì chuyện Huyền Châu, qua bao nhiêu năm tháng nắng mưa một mình, và tôi chọn Trên ngọn tình sầu cho bài thơ ở dạng ca khúc”.
Bình luận (0)