Giá 'khủng' của bức tranh Salvator Mundi
Bức tranh đắt nhất chính là Salvator Mundi (Đấng cứu thế) của danh họa Leonardo da Vinci. Vào một ngày tháng 11.2017 tại nhà đấu giá Christie’s ở New York (Mỹ), không khí như vỡ òa khi Alex Rotter, nhân viên nhà đấu giá Christie’s, thốt ra một cái giá chưa ai từng nghe thấy ở một buổi đấu giá tác phẩm nghệ thuật: 400 triệu USD (khoảng 9,3 ngàn tỉ đồng).
Chính Alex Rotter tưởng mình nghe lầm khi ở đầu dây bên kia, khách hàng yêu cầu anh ra giá như thế. Sau khi cộng các chi phí, bức họa Salvator Mundi được bán với giá 450,3 triệu USD, khiến nó trở thành bức tranh đắt giá nhất lịch sử.
|
Hơn 2 năm sau cuộc đấu giá lịch sử, vẫn chưa có thông tin chính thức về người bỏ ra số tiền lớn như vậy, mặc dù có những thông tin chưa được xác minh cho rằng người đó chính là Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê Út. Tạp chí Forbes dẫn các nguồn tin cho biết Thái tử Mohammed bin Salman cho chuyển bức tranh bằng máy bay lúc nửa đêm và đưa lên du thuyền Serene.
Tò mò càng lúc càng tăng thêm khi cứ như thể kiệt tác bị mất tích sau đấu giá. Bảo tàng Louvre Abu Dhabi nằm trên đảo Saadiyat thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bất ngờ hủy bỏ kế hoạch trưng bày Salvator Mundi hồi tháng 9.2018.
|
Salvator Mundi được Leonardo da Vinci sáng tác vào khoảng đầu thế kỷ 16, cùng thời điểm ra đời của kiệt tác Mona Lisa, mô tả ảnh bán thân Chúa Kito như Đấng cứu thế của trái đất. Kiệt tác này từng nằm trong các bộ sưu tập của vua Anh Charles I và Charles II trước khi biến mất vào cuối thế kỷ 18. Bức tranh tái xuất vào năm 1900 nhưng bị nhầm thành tác phẩm của Giovanni Boltraffio. Salvator Mundi là một trong gần 20 tác phẩm từng được biết tới của Leonardo Da Vinci và là bức tranh duy nhất thuộc sở hữu tư nhân. Số còn lại hiện được trưng bày tại các viện bảo tàng.
Những bức tranh giá hàng trăm triệu USD
Tiếp ngay sau Salvador Mundi là tác phẩm Interchange của Willem de Kooning. Bức họa trừu tượng được họa sĩ Kooning vẽ vào năm 1955 và được tỉ phú Mỹ Kenneth C. Griffin mua với giá lên tới 300 triệu USD vào năm 2015. Cho đến nay, bức tranh của Kooning vẫn được xếp vào danh sách những bức tranh khó hiểu nhưng giá cao ngất ngưởng.
Cùng thời điểm mua Interchange, tỉ phú Kenneth C. Griffin cũng bỏ ra 200 triệu USD để mua bức tranh trừu tượng Number 17A của họa sĩ Mỹ Jackson Pollock vẽ năm 1948. Hiện hai bức tranh được cho Viện Nghệ thuật Chicago mượn trưng bày.
|
Có mức giá cao đứng thứ 3 (xếp sau Interchange và Salvator Mundi) là The Card Players (Những người chơi bài), loạt tranh sơn dầu gồm 5 bức vẽ của họa sĩ người Pháp Paul Cézanne. Theo tạp chí Vanity Fair, vào năm 2011, một trong số đó được nhà sưu tập Hy Lạp George Embiricos bán cho một gia đình hoàng gia Qatar với giá hơn 250 triệu USD. Bốn bức còn lại thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Mỹ), Barnes Foundation (Mỹ), Musée d’Orsay (Pháp) và Courtauld (Anh).
|
Những tác phẩm có giá bán đấu giá thấp hơn là Nafea Faa Ipoipo? (When Will You Marry?) của họa sĩ Pháp Paul Gauguin, một bức vẽ trong chùm tranh nổi tiếng Meules (Đống rơm) của danh họa người Pháp Claude Monet, tác phẩm tranh khỏa thân Nu Couché của họa sĩ Ý Amedeo Modigliani, hai bức tranh Wasserschlangen II và Adele Bloch-Bauer II của danh họa Áo Gustav Klimt, bức tranh Le Reve cùng với bức Nude, Green Leaves and Bust của danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso. Chúng đều được bán với giá trong khoảng 100 đến 200 triệu USD.
|
Bình luận (0)