Hiện nay, rất ít nhà sưu tập tranh trong nước có được một bộ sưu tập quý hiếm như bộ tranh ông Tira Vanichtheeranont sở hữu. Chỉ lướt qua danh sách tác giả cũng đủ “choáng”, bởi ông đã “gom” hầu hết tác phẩm của các họa sĩ xuất thân từ ngôi trường dạy vẽ chính quy đầu tiên của VN - Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đó là những người đã đặt nền móng cho hội họa hiện đại VN: Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phạm Hậu, Lê Văn Đệ, Tôn Thất Đào, Công Văn Trung, Lưu Văn Sìn, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Bình… cho đến các họa sĩ kỳ cựu như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Phạm Văn Đôn, Phan Kế An, Phạm Viết Song, Trần Duy, Tạ Thúc Bình, Văn Giáo, Phan Thông, Nguyễn Trọng Hợp, Mai Văn Nam, Nguyễn Thụ, Trương Đình Hào… Đây là lần thứ 3 ông Tira đem bộ sưu tập của mình đến VN và có bổ sung tranh của nhiều tác giả đương đại như Phạm Lực, Phạm Thanh Liêm, Phạm Luận…
|
Những lần trước, ông Tira chỉ đưa ra trưng bày những tác phẩm nhỏ gọn (những ký họa, những trang truyện tranh, màu nước trên giấy…) mà đề tài là sinh hoạt trong giai đoạn VN đang có chiến tranh (1950-1960). Lần này, ngay trước đại sảnh là bức tranh Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng bằng sơn dầu, khổ lớn (4 x 2,2 m) của cố họa sĩ Nguyễn Kao Thương (vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước 2012). Bức tranh vẽ cận cảnh vẻ uy dũng của Đức Trần Hưng Đạo và quân sĩ trên sóng nước Bạch Đằng. Nguyễn Kao Thương thuộc thế hệ họa sĩ Nam bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp (cùng lứa với họa sĩ Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm). Không chỉ là họa sĩ, ông còn là người lính Vệ quốc đoàn đầu tiên dùng súng trường bắn rơi máy bay Pháp, tạo nên một “huyền thoại” trong bộ đội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tranh của ông lại rất hiếm, ngoài bức tranh kể trên, chỉ còn một vài tác phẩm khác hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Trong bộ sưu tập còn có bức Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân, nhưng “rất khác” với những tác phẩm cùng tên vẽ bằng sơn dầu thường thấy in trong các vựng tập. Bức này được vẽ bằng bột màu và có cùng năm sáng tác (1943) với bức sơn dầu. Theo các nhà chuyên môn, đây có thể là một thử nghiệm của danh họa về bố cục và sắc màu trước khi ông tiến hành vẽ bằng sơn dầu. Một bức tranh vẽ nhanh và thoáng chứ không tỉ mỉ như bức vẽ bằng sơn dầu. Danh họa đã vẽ bức tranh này trên một bức phác thảo cũ (dưới lớp bột màu còn thấy lờ mờ những nét phác thảo cũ), bên dưới có dòng chữ Bản thảo của Tô Ngọc Vân 1943. Điều đó càng làm bức tranh tăng thêm giá trị, và như vậy chúng ta biết có đến 2 bức Thiếu nữ bên hoa huệ khác nhau, của cùng một tác giả.
Sinh năm 1949, Tira tốt nghiệp Học viện Công nghệ DeVry ở Chicago (Mỹ), sau đó trở thành chuyên viên ngành viễn thông tại Bangkok, rồi làm việc cho ngành điện lực tại TP.HCM. Ông hiện là chủ Gallery 333 tại Bangkok (Thái Lan).
Hà Đình Nguyên
>> Bức tranh làng quê Việt qua Sương sớm
>> Tìm thấy bức tranh của Raphael bị Đức phát xít ăn cướp
>> Bức tranh gốm Việt trên đất Pháp
>> Bức tranh 120 triệu USD
Bình luận (0)