Những bước chân khập khễnh - Truyện ngắn của Hồ Thị Ngọc Hoài

22/03/2015 07:00 GMT+7

Gian ki ốt bốn mươi mét vuông của dì Mười chất đầy hàng hóa từ bánh kẹo thuốc lá, đến mì tôm, xà phòng, nước mắm, cái kim cho đến gói tăm… tất tần tật những gì thiết yếu.

Gian ki ốt bốn mươi mét vuông của dì Mười chất đầy hàng hóa từ bánh kẹo thuốc lá, đến mì tôm, xà phòng, nước mắm, cái kim cho đến gói tăm… tất tần tật những gì thiết yếu.

Minh họa: Tuấn AnhMinh họa: Tuấn Anh
Từ đợt bị trộm phá cửa, dì Mười dọn một góc, kê bốn tấm ván rộng chừng hơn sáu mươi phân, dài cỡ mét bảy làm chỗ ngủ. Quầy hàng chật chội hàng trăm loại mùi mè lẫn vào dáng người một mét rưỡi, nặng bốn lăm cân.

Dì Mười thường mặc bộ đồ màu tro và màu đen, dì bảo, màu ấy sạch. Có vẻ dì không tốn tiền quần áo, cả chục năm quen nhìn dì ăn mặc thế, mùa đông áo ấm cũng màu đen, và màu tro thay nhau. Khách hàng cả chục năm quen thuộc cái ki ốt, điệu nói, nết người, chục năm nay mọi thứ có khác đi, ấy là dì Mười già đi, cái ki ốt cũ kỹ hơn, cây sầu đâu to cao hơn.

Cây sầu đâu tự mọc, cao chừng nửa mét thì bị gãy ngọn, nó đâm mầm, chõe nhánh lớn tiếp, dì Mười nhận ra nó kiên cường và lớn nhanh, thân to bằng ngón chân cái, cao hai mét, đến mùa trụi lá nó như cái cọc cắm xuống đất, chẳng mấy người để ý cho tới khi nhánh của nó xòe lá như những chiếc ô xanh trên đầu, rồi mùa qua mùa lại, được năm năm, bảy năm, thân nó to như cột nhà, rộng bóng, càng lắm người ghé vào, người người thích bóng râm của nó giữa cái ngã ba nhiều nắng lắm bụi, có người tấm tắc thèm thân nó làm cột, xẻ ván. Người ghé mua hàng dì Mười, cả ghé trú nắng dưới bóng sầu đâu, vào độ nắng nóng nhất cành lá nó xum xuê, bóng càng rộng, gốc nó càng vui vầy.

Ki ốt dì Mười đông khách, từ năm giờ đã có khách mua cho tới tận chín, mười, thậm chí mười một giờ đêm. Đông khách vì dì Mười vui tính, hiền lành, thật thà, và người ta biết dì bán rẻ. Họ so bì giá cả các hàng quán, họ tin dì Mười, dì nói, mì ăn liền và thuốc lá là hai thứ bà bán chạy nhất, bán mười gói mì ăn liền, mười bao thuốc lá lời một ngàn đồng thôi.

Khách hàng của dì Mười lạ rồi dần quen gần hết, chủ với khách quen nết, quen giọng, khách nói, mua sắm gì cũng đến dì Mười, họ bảo, dì Mười toàn bán cái dùng hằng ngày, hết lại đến mua, cái dùng hằng ngày nhưng nhiều khi chẳng đủ tiền mua. Dì Mười không bán đắt bất cứ loại hàng nào, cũng không như một số người, nhìn, đoán khách qua đường để “chém” thêm.

Người ta nghĩ dì Mười có cả ống bơ vàng, hoặc có hẳn bì tiền gửi ngân hàng, người trẻ nói, cái lớp người thời chiến tranh để lại, không biết thế nào là sướng, quen nằm chõng tre, lán tre, nấu ăng gô, đến nước uống cũng dành dè từng ngụm như thời uống nước bi đông. Người thời chiến quen chịu khổ, tiền nhiều cũng không khiến họ sướng được.

Nhưng hình như có một bọn người tinh ma nhất thị trấn lại biết tiền của dì Mười chảy vào đâu. Thị trấn có một bọn người săm soi, thêu dệt chuyện. Chuyện oái oăm, quái thai, mất được, vinh nhục, lên xuống… biết nhưng không phải khi nào cũng tung ra, xới lên, có những chuyện chết người chúng biết mà ngậm tăm ấy.

Nhưng cuối cùng thì dì Mười cũng biết chuyện, khi biết lại không tin nổi. Thằng Một con dì mới mười hai tuổi, ai kéo nó ngập vào cờ bạc? Ai khiến được nó dám trộm những đồng tiền xương máu của dì? Thằng Một luôn miệng nói thương mẹ, không lẽ nó biết nói dẻo ngọt để lừa dối cho dễ? Cái ổ bạc đó sẽ khiến thằng Một chết như con nhái đầu miệng rắn, cả dì, cả thằng Một đều chết. Chúng nó như những con rắn đói, châm nọc độc rồi là nuốt ưỡn, nằm lạnh.

Khách hàng thấy ki ốt hàng dì Mười đóng đã mở lại, họ hỏi ốm đau ra sao? Dì Mười cười méo dẹo đau khổ héo hon cả ruột rà mặt mày, muốn nói ra cho nhẹ bớt mà không nói được.

Nhưng thằng Một hứa thì dì phải tin nó chứ! Vậy mà dì Mười đêm đêm phải trông coi ki ốt mà như nằm trên lửa, lại nhấp nhổm dậy một đêm một hoặc hai lần băng qua con đường nhỏ lén về kiểm tra thằng Một học hành ăn ngủ ra sao. Nhà hai gian bé tẹo cách ki ốt hàng có mấy chục bước chân thôi. Ki ốt, nhà bé tí hin mà hết bị trộm ngoài đến trộm trong, mất tiền, còn mất những thứ khác không tính được. Người ta nói, máu cờ bạc là ghê lắm, thằng Một không biết có dứt được không. Chỉ sợ nó nhỏ dại, bọn ma cô lôi kéo. Dì đứt từng khúc ruột nhìn kỹ. Thằng Một, nước da nó xám đét lại, khuôn mặt dài như dài thêm, cả vẻ ngây thơ lẫn đờ đẫn.

Chẳng ai ở thị trấn này biết thằng Một là con nuôi, mong là không ai biết, và thằng Một cũng đừng phải biết.

Dì Mười vô duyên, cả vô sinh, như cây khô vậy, dì không biết số phận dì có liên quan đến chiến tranh không. Là thanh niên xung phong, chặt cây làm lán, hái rau rừng ăn, đào đất, xẻ núi, làm đường, lấp hố bom… Dì làm những công việc bình thường vậy được hơn ba năm thì hết chiến tranh, giải ngũ, dì xin được chân nhân viên tạp vụ cho hợp tác xã mua bán huyện, nước nôi, quét dọn, tiếp khách khứa, thu đổi sản phẩm… có chỗ nào trống khuyết, cần người làm dì đều có mặt, có khi bận bịu, nhưng vẫn là những tháng ngày nhàn nhã, bởi dì không vướng bận gia đình, không cảnh vợ chồng con cái như người ta. Dì vẫn giúp nhà họ những lúc con cái bận rộn, bế bồng, cho ăn, hay như những lúc đau ốm, neo bấn, họ cần dì lắm. Những công việc nhỏ bé, lặt vặt cả thôi, nhưng dì cũng được thấm thía cảnh gia đình, con trẻ, nó khiến dì thèm khát bao nhiêu thì càng nhiệt tình đỡ đần họ bấy nhiêu.

Cuộc sống chậm chạp trôi thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã không còn như cũ, những người quen thân hồi nào, chút nước mắm, tí dầu, tí muối kêu nhau… họ dần dần di dời, tứ tán muôn phương, họ đi, một thời bao cấp, tên tuổi cơ quan cũng chỉ còn là ký ức, đất cơ quan còn lại dì và vài người cũ, còn nữa là những cư dân mới dần thế vào.

Dì Mười mở quán bên đường, gần đất nhà vườn bảy mươi mét vuông cơ quan chia cho. Quán bán lặt vặt; bao diêm, gói kẹo, điếu thuốc, miếng xà phòng… chẳng ăn thua nhưng dì không biết làm gì hơn để sống. Cơ quan giải tán, hết bao cấp, người quen di chuyển, đất có lành có dữ, nhưng chim đậu bao lâu là việc của chim, còn dì Mười thì vẫn vậy, dì vốn chậm, chân đi cà nhắc cà thọt nên hình như mọi chuyện đối với dì đều chậm hơn người.

Người ta tin thằng Một là con đẻ của dì Mười, là đứa con rơi của một gã đàn ông nào đó. Không ai biết gốc tích thằng Một, họ nghĩ chỉ dì Mười mới biết, nhưng thực là dì Mười không biết gì! Chuyện con rơi, con nhặt càng không hơi tiếng càng tốt. Không xới chuyện lên làm gì, thằng Một là con dì, là hạnh phúc của đời dì.

Dì Mười tin thằng Một không theo bọn người cờ bạc nữa. Dì không dám nghi ngờ lời hứa của con. Không tin thì mất hết yêu thương, thế thì nó tốt lên sao được, rồi sống ra sao?

Thằng Một ngoan hơn thật, nó học nấu nướng, đưa cơm nóng sốt cho dì Mười rồi ngồi trông coi hàng cho dì chớp mắt giấc trưa một chút.
                ***
Dì Mười nghe tiếng gõ cửa trong cơn ngái ngủ. Ngoài trời gió lớn về khi nào. Chẳng muốn dậy nhưng tiếng gõ cửa kiên nhẫn, dì dậy bật đèn, thấy đã mười hai giờ đêm, hỏi ai cần gì? Chỉ nghe tiếng gõ cửa. Nghe tiếng ngọng ấm ớ, dì Mười đoán chắc là ông Ngơi! Dì không hiểu, nghe hơi sợ và lần bước lại sát cửa. Ngó qua khe hở thì thấy ông Ngơi thật. Dì hé một phần cửa, có ý chờ cái bát của ông Ngơi chìa ra, ông Ngơi thể hiện khó khăn ý muốn của mình, dì Mười lấy gói mì ăn liền chìa ra cho ông ấy, nghĩ chắc chiều nay ông ấy không xin được gì nên đói không ngủ được. Nhưng ông Ngơi lắc đầu, khoát tay ú ớ, và khuẩy tay, ánh sáng trong ki ốt soi ra ngoài rộng hơn, tỏ hơn, lấn át đi những ấm ớ đêm khuya… Dì Mười thấy đôi mắt ngày thường rất chậm đục của ông Ngơi ánh lên vẻ khẩn thiết về một điều gì đó hệ trọng, cùng với nữa, tay ông khuẩy nhiều hơn và chỉ về đàng đông. Dì Mười ngần ngại lắm nhưng rồi mạnh dạn bước ra ngoài, khóa cửa và đi cà thọt theo những bước chân rờ rẫm trên mặt đất của ông Ngơi.

Những người ăn xin tạt qua thì không nhớ được, nhưng ông Ngơi, khoảng chục năm nay vẫn sớm chiều bưng bát đi xin ăn, cả vùng ai cũng biết, đến mức không thấy ông bưng bát lẫm dẫm đi xin ăn là thấy thị trấn như thiêu thiếu thứ gì. Trưa nào ông Ngơi cũng bưng bát đến ki ốt hàng dì Mười, trưa nào dì cũng phần cơm cho ông.

Ông Ngơi đi xin, tay cầm bát chìa ra cho người, không bao giờ nói gì, được cho rồi thì im lặng bưng đi, chậm và nhẹ như sợ đất đau, người nhỏ thó, áo quần, đầu tóc bù xù cáu bẩn, người thị trấn nói ông Ngơi ăn xin có “phong cách” riêng. Ông gắn bó với thị trấn, gắn bó với đoạn đường bưng bát, cách ông chìa bát ra không nói không rằng, và ông lườm nguýt, nhổ nước bọt, phủi đít nếu ai đó vừa cho vừa cằn nhằn hoặc nhục mạ, hoặc không cho mà nói đểu.

Ông Ngơi và dì Mười đi lùi lũi, trời trở gió cả vẫn chưa ngưng. Gió cuối thu rơi rớt mưa bão hay là để chuẩn bị giao mùa không biết nữa. Dì Mười soi đèn pin, đường không bóng người, những ngôi nhà hắt sáng nhẹ xen những nhà tối om bên đường. Ban ngày, lẫn vào bụi bặm, hai bên con đường này người ta cũng làm đủ nghề kiếm sống: cháo phở, may mặc, hàn xì, sửa chữa điện tử, quán internet, cắt tóc gội đầu, karaoke…

Dì Mười biết rõ đoạn đường này lắm, ngày hoang hủy, chó ỉa, mèo gào, rồi người đâu ra tranh mua tranh bán, thay nghề, đổi hàng um tùm biển bảng, đông đúc bốn, năm năm nay. Từ ngày thành đất làm ăn, chửi bới chuyện tình địch có, chửi bới nợ nần, cờ bạc, nặng lãi, cầm cố có, có cả phường đâm thuê chém mướn nữa. Cuối con đường là cổng chợ.

Dì Mười nghĩ và lo về thằng Một. Có lẽ nào? Thế mà dì đoán đúng. Ông Ngơi chỉ cho dì bắt quả tang thằng Một ngồi chiếu bạc nhà Mạnh “đớp”. Dì Mười chẳng hiểu sao ông Ngơi lại biết lối riêng, làm cả lũ chúng nó bất ngờ, hốt hoảng, chút rồi chúng bình tĩnh ngay khi thấy kẻ đột nhập là mẹ thằng Một. Rồi đứa nào đứa nấy, cả thằng trong thằng ngoài, cả thằng già thằng trẻ, đứa lầm lì nằm thượt, đứa lâng câng mặt thách thức, đứa thơn thớt leo lẻo cái miệng rằng chơi vui, giải trí cho khuây…

Thằng Một nhìn dì Mười hoảng sợ, lúng túng, rồi thì cụp mặt, lẻn đi.

Dì Mười không nói gì được, trong lòng nặng nề tan nát, quay gót còn nghe một thằng trong bọn cờ bạc ăn nói mất dạy.

Đêm vẫn tan tác gió. Dì Mười cà nhắc cà thọt đường khuya, ông Ngơi hết nhiệm vụ đã biến vào đêm khi nào. Thằng Một lẻn nhanh mất dạng. Dì Mười không về ki ốt mà về nhà.

Con chó con nghe động thì sủa lách nhách, rồi ngoắt đuôi đón chủ. Con chó mẹ già quá, sau khi đẻ hai con chó con được vài tuần thì chết, dì muốn nuôi cả đôi nhưng người ta xin nên còn một con. Nó quấn chân dì hít ngửi.

Cửa vẫn còn khóa, thế là thằng Một không về ư? Dì mở cửa bật đèn, đồng hồ chỉ một giờ rưỡi, giường thằng Một trống huơ, dì Mười nghe gió lồng hoảng cả gian nhà, ngồi xuống giường thẫn thờ, trách mình lo giữ của không lo giữ con. Nhưng tình cảnh vậy đành vậy, ai biết nông nỗi ra thế này?

Dì Mười ngồi như tượng trong đêm, mong thằng Một về nhưng càng mong đêm càng bưng bít thăm thẳm, gió càng đập cành khua lá, và dì Mười càng trách hận mình. Dì ham công tiếc việc, mà đồng tiền, mọi thứ… không biết được hay mất? Dì Mười tằn tiện kham khổ, làm đầu tắt mặt tối kiếm tiền nhưng tiền là gì trong đời dì? Dì lo cho thằng Một, nhưng nó thì hư, mà tiền thì dì cũng chẳng có. Dì sợ hãi phía trước. Những thằng bài bạc, đứa nào đứa nấy, già, trẻ đều một cái mặt như nhau, chúng nhàu nhĩ, xác bạc như ma sống.

Đầu óc thân xác như tê dại đổ xuống giường, dì Mười nằm còng queo ngay trên giường mãi tới chín, mười giờ sáng hôm sau thằng Một về mới hay.

Thằng Một nghe dì đi hái lá nấu nước xông, rồi đi nấu cháo hành. Dì nhìn thằng Một trào nước mắt, nhìn kỹ, mắt chợt tối sầm lại, mặt thằng Một loang lổ, lem luốc, dì nhắm nghiền mắt nhớ lại những ngày tháng cơ cực nuôi thằng Một, cái đận người dì khô quắt còn ba mươi lăm ký.

Thôi, những gian khổ đã qua, những gian khổ hầu như ai cũng trải, ngẫm ra,  nó liền kề với hạnh phúc. Còn bây giờ, bây giờ đây mới thật là khó.

Thằng Một bê cháo hành từ gian bếp đến bên giường, dì Mười cố ngồi dậy, húp bát cháo cho toát mồ hôi, giữ sức.

Gió mùa về đêm qua đã đi lúc nào, nhưng trời trưa mà u ám, bức ngột lắm. Cây cỏ lặng phắc còn đáng sợ hơn khi gió cả. Hay là tại dì Mười dở người nên nhìn mọi thứ ra thế?

Rồi dì gọi thằng Một ngồi bên, dì nói yêu thương, và nói hoảng, nói dài, dài, có lẽ lảm nhảm nên thằng Một càng ngồi đơ ra. Lần này thằng Một không dám hứa nữa, nó quyết tâm trong bụng, thầm quyết tâm.

Nhưng nó lo lắng, nó nợ nần Mạnh “đớp” chưa biết bao giờ thanh toán hết. Lần trước Một quyết tâm rồi nhưng Mạnh “đớp” khéo dọa, khéo dụ, Một thương mẹ lắm nhưng sợ Mạnh “đớp”, vừa quyết tâm vừa lo sợ. Mạnh “đớp” gấp ba lần tuổi Một, lão cười thì Một nghe lạnh gáy mà nhìn thì Một thấy nhũn cả người, có khi Một rất muốn đâm cho lão vài nhát, nhưng chúng nó rất mạnh.

Thằng Một bước ra ngoài ngồi cho thoáng, dì Mười ngồi thiền, từ từ, nét mặt giãn ra, gương mặt dì quả là giống hình bông sen đã mở cánh, cái cổ, cái cằm đỡ lấy phần mở rộng của thái dương và trán, gương mặt tự nói lên sự thông minh nhưng dì có một đôi mắt buồn buồn, và gương mặt dì Mười như bông sen nâu mở vòm trên rộng dần, bông sen nâu chỉ chực muốn héo khi chưa đi hết vòng đời của hoa.

Ốm đau phải đóng cửa, dì Mười tự chữa lấy bệnh, không thuốc men gì nếu đau yếu lặt vặt. Chữa bệnh bằng các phương thuốc dân gian; lá, rễ, củ, quả, ngâm, sao, xông, xoa, bấm huyệt… nhưng chủ yếu là dì tự chữa bệnh nhờ thiền, dì thiền tới mức có công năng nhiệm màu khó tin, dì có thể làm cho người khác giảm, hoặc qua cơn đau đầu, đau mụt, đau vết thương… bàn tay dì như có lửa, chỉ những ai từng được dì hơ tay vào chỗ đau mới tin phép màu của dì.

Sáng hôm sau dì Mười ra mở ki ốt bán hàng. Thằng Một đi học. Trời mưa từ tối qua. Khách vắng, mưa vào độ cuối thu đầu đông, dì Mười ngồi thẫn thờ nhìn mưa buồn, gương mặt thằng Một trở đi trở lại, nó hiền lành, dại khờ, không ác, không gian tham… Dì thấy nanh vuốt trên đường đời đang tóm lấy nó móc gan hút máu. Có một bọn người trong thị trấn làm đêm ngủ ngày, nanh vuốt chúng nhằm vào đâu là chết đó.

Dì Mười nghĩ cách cứu thằng Một, chưa biết làm cách nào ngoài việc chăm sóc, theo dõi, dặn dò con kỹ càng, thì thằng Một trốn nhà đi. Nó đi đâu? Dì Mười không thể quay cuồng mà thừ ra, ngẩn ngơ, quên cả công việc.

Nó mười bốn tuổi, ảnh nó đây… nó hiền lành, dại khờ, không ác, không gian tham… Dì Mười nghe người ta bày, nhờ truyền hình huyện, truyền hình tỉnh tìm trẻ bỏ nhà đi, ngoài ra, dì không biết đâu mà lần.

Ít hôm sau, chưa qua nổi chuyện thằng Một bỏ nhà đi lại tiếp tục nghe tin ông Ngơi chết còng queo nơi ổ quây trú tại mái hiên chợ và thằng Mạnh “đớp” bị bắt. Người dân thị trấn bàn tán loạn xạ.

Dì Mười đóng cửa đi đến chỗ ông Ngơi. Mọi người đang lo việc chôn cất. Dì vừa quẹt nước mắt vừa xúm vào lo lắng, cầu mong cho ông Ngơi được ngơi nghỉ.

Khi ngày sắp tàn, dì Mười bước những bước chân khập khễnh về phía có cây sầu đâu. Bây giờ thì dì chỉ còn một khấn nguyện, nhờ hồn vía khôn thiêng của người đã khuất chỉ đường cho thằng Một trở về.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.