Những bước nhảy đầy đam mê nơi đường phố

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
18/08/2024 06:00 GMT+7

Người trẻ tập luyện breaking vô cùng nhộn nhịp, sôi động từ đường phố đến những phòng tập hiện đại và đã đạt được những thành tích ấn tượng ở bộ môn này tại các giải đấu quốc tế.

Để có thể sống với đam mê...

Buổi chiều cuối tuần tại công viên Bách Tùng Diệp (Q.1, TP.HCM), một nhóm bạn trẻ xếp thành vòng tròn, ở giữa có hai chàng trai đang thực hiện những động tác như trồng chuối, lộn nhào, xoay đầu, nhảy santo… trên nền một bài nhạc. Những người xung quanh cùng nhau nhảy múa theo nhịp nhạc để cổ vũ màn đối đầu của hai B-Boys (chỉ người nam tham gia nhảy breaking, còn nữ là B-Girls), đây là hình thức thi đấu phổ biến trong breaking (điệu nhảy đường phố). Những người trẻ tham gia breaking đều đặt cho mình một biệt danh riêng.

Vừa thực hiện xong những màn nhào lộn rất khó, Nguyễn Đình Hùng (24 tuổi, biệt danh CuBi) cho biết đã có 12 năm tập nhảy và đam mê bộ môn breaking. Hùng cho biết breaking rất thú vị, người chơi thỏa sức sáng tạo, có thể áp dụng nhiều kỹ năng của những bộ môn nhảy khác như: ballet, đương đại… vào trong bài nhảy.

Những bước nhảy đầy đam mê nơi đường phố- Ảnh 1.

Hùng (phải) và Hiếu đang thực hiện những động tác trong breaking

NGUYỄN ĐIỀN

Hùng cho biết đây là bộ môn đòi hỏi kỹ thuật, sức bền, sự tập trung và kiểm soát hơi thở để tránh chấn thương. Breaking không có đồng phục cụ thể, người chơi sử dụng trang phục tự do, thoải mái để thuận tiện cho việc thực hiện các động tác. Với Hùng, chỉ cần một không gian rộng, có mặt phẳng là đã có thể tập luyện.

Sắp tới Hùng sẽ tham gia giải đấu Cloud Jam tại Trung Quốc. Được tham gia các sân chơi quốc tế, Hùng cho biết có phần chạnh lòng trước tốc độ phát triển của người trẻ theo đuổi breaking tại những nước khác. "Các bạn được tập luyện với thầy từ nhỏ, phát triển trên những nền tảng cơ bản như ép dẻo, nên khi lớn lên kỹ thuật rất chắc chắn. Còn lứa chúng mình tập ngoài đường phố, tự học nên giờ đây một số kỹ năng còn hạn chế", Hùng nói.

Hơn 10 năm trước, chàng trai Lê Trung (23 tuổi, biệt danh Saitama), khi đó mới 13 tuổi đã vô cùng tò mò với điệu nhảy của những B-Boys tại các con hẻm ở TP.Hà Nội. Thấy vậy, Trung đã xin vào cùng tập luyện và nhận ra bản thân đam mê breaking. Trong quá trình theo đuổi niềm đam mê này, Trung phải trải qua vô vàn khó khăn từ chấn thương đến sự phản đối của gia đình. Để có thể sống với đam mê, có thời gian Trung phải đi giao hàng để kiếm thêm thu nhập ngoài việc biểu diễn.

Những bước nhảy đầy đam mê nơi đường phố- Ảnh 2.

Lê Quốc Huy

NGUYỄN ĐIỀN

Trung có thế mạnh ở những động tác như: nhào lộn, bật cao và xoay vòng… Nếu không phải đi biểu diễn, nhận các công việc phụ để kiếm sống, Trung đều dành hết thời gian cho tập luyện. Sau nhiều năm hoạt động ở TP.Hà Nội, Trung đã quyết định vào TP.HCM tìm kiếm những cơ hội mới, đến nay đã được 1 năm. Đam mê, không ngại vất vả hay chấn thương, nhưng có những lúc Trung cũng cảm thấy chạnh lòng vì chưa thể chăm sóc, báo hiếu cho ba, mẹ. "Số tiền kiếm được từ nghề nhảy chỉ đủ sống và chưa thể giúp đỡ gia đình về mặt tài chính", Trung chia sẻ.

Breaking giúp vượt qua những ngày tháng khó khăn

Đã có 13 năm tập luyện các bộ môn nhảy như: ballet, jazz, đương đại…, Lê Quốc Huy (21 tuổi, biệt danh Kidashi) hiện là giáo viên dạy nhảy tại Q.Tân Bình (TP.HCM), chính thức hoạt động mạnh mẽ ở thể loại breaking được khoảng 1 năm nay.

Sắp tới, Huy sẽ đại diện VN tham gia giải đấu World Kardo, diễn ra tại Nga. Để giành được suất thi này, Huy đã gửi cho ban tổ chức một video nhảy thể hiện kỹ thuật và cá tính của bản thân, hình thức thi trực tuyến này chỉ chọn ra 3 thí sinh đến thi đấu tại Nga. Huy cùng với hai thí sinh khác người Argentina và Nga đã giành vé tham dự vòng chung kết để tranh tài với những B-Boys đã được đi tiếp nhờ thi đấu loại trực tiếp đến từ nhiều quốc gia.

"Thế mạnh của mình là nhào lộn, xoay đầu, bật nhảy xoay nhiều vòng… Khi tham gia các giải đấu trong nước và quốc tế, mình luôn mang tinh thần học hỏi, tin vào những gì bản thân đang cố gắng. Với mình, khi mới tham gia tập breaking phải nắm chắc nền tảng, tìm hiểu kỹ về lịch sử và sáng tạo những động tác riêng biệt thì mới có được dấu ấn trong làng breaking", Huy chia sẻ.

Những bước nhảy đầy đam mê nơi đường phố- Ảnh 3.

Lê Minh Hiếu (thứ ba từ trái sang) đoạt huy chương vàng breaking tại Youth Olympic Games 2018 (Thế vận hội trẻ) diễn ra ở Argentina

NVCC

Khi biết tin breaking trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic Paris 2024, Huy cho biết rất tự hào và bắt đầu nuôi dưỡng những giấc mơ lớn hơn. "Trước đây người ta hay nhắc về những người trẻ nhảy múa ở đường phố là "bợm chợ". Breaking trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic Paris 2024 như một dấu ấn, cột mốc cho bộ môn này một danh phận hẳn hoi. Những thế hệ trẻ theo đuổi breaking như mình đang từng ngày nỗ lực để khẳng định đam mê và sống hạnh phúc, tử tế", Huy chia sẻ.

Giấc mơ Olympic còn xa…

Khi có thông tin breaking trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic Paris 2024 thì trên một số diễn đàn, cái tên Lê Minh Hiếu (24 tuổi, biệt danh B4), từng đoạt huy chương vàng ở bộ môn này tại Youth Olympic Games 2018 (Thế vận hội trẻ) diễn ra ở Argentina, được nhiều người kỳ vọng sẽ đại diện VN tham gia. Tuy nhiên, sau đó đoàn thể thao VN không có vận động viên nào tranh tài tại môn breaking ở Olympic Paris 2024.

"Đây được xem là cột mốc đáng nhớ cho những người đam mê breaking. Từ nay, mình và những bạn trẻ khác đã có những mục tiêu lớn hơn để chinh phục. Tuy nhiên, khi sân chơi này ngày càng được thương mại hóa, đồng nghĩa với sự cạnh tranh càng cao. Mình vẫn không nói trước được bản thân sẽ có mặt ở Olympic hay không, điều cần làm là nỗ lực thật nhiều cho hiện tại", Hiếu chia sẻ.

Từ kinh nghiệm khi tham gia nhiều giải đấu quốc tế, Hiếu cho biết breaking sẽ được chấm trên nhiều yếu tố như: cách xử lý âm nhạc, độ khó và sức sáng tạo của động tác… Hiếu rất tâm đắc với câu nói của B-Boy Victor Montalvo, một vận động viên breaking người Mỹ được đánh giá rất cao tại Olympic Paris 2024: "Bạn cần năng lực thể thao của một vận động viên chuyên nghiệp, nhưng cũng cần phải có tố chất của một nghệ sĩ và bạn cần nhảy. Điều này giống như bắt Picasso (một họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng người Tây Ban Nha) phải leo núi vậy". Với Hiếu, breaking là một môn rất khó.

Hiện tại, Hiếu tập luyện với cường độ cao để tham gia các giải đấu, gần nhất là Cloud Jam tại Trung Quốc. Theo Hiếu, những B-Boys, B-Girls tại VN gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính, nên việc lập kế hoạch dài hạn để theo đuổi nghề còn quá xa vời. "Ở VN có rất nhiều tài năng nhưng chưa có đủ sân chơi, giải đấu phù hợp để bạn trẻ thể hiện mình", Hiếu chia sẻ.

Hiếu nhấn mạnh: "Trước khi nghĩ đến giấc mơ huy chương tại Olympic, thì phải làm sao để những người trẻ theo đuổi đam mê breaking có thể sống được với nghề. Những B-Boys, B-Girls tại nước ngoài thu hút được rất nhiều nhà tài trợ, sau mỗi giải đấu họ thu về nguồn thu nhập rất tốt. Còn các giải đấu ở VN hiện tại, thi xong thì chỉ đủ tiền đi uống bia một hôm cho vui".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.