Những cách đơn giản giúp tránh tác hại của đồ nhựa đựng thức ăn

Thiên Lan
Thiên Lan
06/12/2018 14:33 GMT+7

Hai loại hóa chất độc hại từ vật dụng đựng thức ăn hằng ngày là Bisphenol A (BPA) và Pthalates, theo Naturalnews .

Tác hại của BPA và Phthalate
Khoảng 90% dân số Mỹ bị nhiễm BPA. Trong năm 2009, dữ liệu từ Nhóm công tác môi trường của Mỹ đã phát hiện BPA có trong dây rốn của 9/10 trẻ sơ sinh.
BPA được tìm thấy trong các loại nhựa, thực phẩm đóng hộp, chai nước uống.
BPA có khả năng hòa tan vào thực phẩm và tác động không tốt đến sức khỏe như thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, rối loạn tim mạch, ung thư, vô sinh, tăng nguy cơ sảy thai..., theo Naturalnews.
Nghiên cứu mới phát hiện BPA có thể được hấp thụ qua tiếp xúc với da chỉ trong 5 giây. Vì vậy, BPA không chỉ dễ bị nhiễm lâu dài vào môi trường cũng như trong cơ thể, nó cũng được cơ thể hấp thụ rất nhanh.
Pthalates là một độc tố khác mà hầu hết mọi người đều bị phơi nhiễm và chúng cũng có thể được tìm thấy trong một loạt các vật phẩm, từ bao bì thực phẩm đến mỹ phẩm và nước hoa.
Tiếp xúc với Phthalate không chỉ dẫn đến tổn hại cho hệ thống sinh sản và các cơ quan mà còn làm thay đổi các chu kỳ nội tiết tố, theo Naturalnews.
Cả BPA và Pthalates đều là các chất hóa học cản trở kích thích tố, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và sự trao đổi chất, tác động tiêu cực đến hệ thống sinh sản.
Trẻ em có thể đặc biệt dễ bị tác hại của chất độc từ nhựa vì chúng đang phát triển. Thế nên, cha mẹ cần chú ý hơn. 
Việc tránh các chất độc là cần thiết cho mọi người, bất kể tuổi tác nào.
Cách giảm tiếp xúc với BPA và Phthalates
Tránh đặt các hộp nhựa trong bồn rửa chén. Điều này giúp ngăn chặn độc tố thoát khỏi nhựa và vào thức ăn.
Nếu sử dụng lò vi sóng, hãy tránh các hộp nhựa độc hại này. Tiến sĩ Leonardo Trasande, tại NYU Langone Health (New York, Mỹ), giải thích rằng thuật ngữ “an toàn trong lò vi sóng” về cơ bản chỉ có nghĩa là nhựa sẽ không tan chảy trong lò vi sóng nhưng không đảm bảo rằng hóa chất độc hại từ hộp nhựa sẽ không thấm vào thức ăn, theo Naturalnews.
Nên chuyển từ nhựa sang các vật liệu khác như thủy tinh hoặc thép không gỉ.
Hạn chế ăn đồ hộp.
Ăn ở nhà thường xuyên hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc ăn tiệm quá nhiều có thể bị phơi nhiễm lượng BPA cao hơn.
Giảm thiểu ăn thực phẩm đóng gói sẵn vì thực phẩm đóng gói sẵn luôn chứa BPA và Pthalates.
Không bao giờ hâm nóng thức ăn trong khi vẫn còn trong hộp vì lớp lót bên trong hộp thường chứa BPA, theo Naturalnews.
Phải thay ngay hộp nhựa và tô chén nhựa đã bị trầy xước hoặc bị mòn.
Các chuyên gia cũng khuyên nên tránh dùng lại các chai đựng nước bằng nhựa, theo Naturalnews. "Nhựa chết" có thể thải ra nhiều chất độc hơn. Vì vậy đừng bao giờ tái sử dụng chai nhựa, giáo sư Cheryl Watson, bộ phận sinh hóa và sinh học phân tử, tại Đại học Texas Medical Branch ở Galveston, Texas (Mỹ), dặn dò.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.