Sau những cơn mưa giông đầu mùa, dòng sông Mã ngầu đục phù sa đỏ quạch hối hả chảy về xuôi, để lại nơi đây những bản làng của người Mông nằm chênh vênh trên những sườn núi xa xăm. Sau mỗi bức tường đất của những ngôi nhà nằm chênh vênh ấy, có những người phụ nữ Mông ngày ngày lầm lũi canh bếp nuôi chồng, và những cô gái Mông nhọc nhằn đi qua thời thiếu nữ.
Phụ nữ Mông sống cuộc đời phục tùng chồng con vô điều kiện và dễ tìm đến cái chết khi bị tổn thương - Ảnh: Ngọc Minh
|
Trong mỗi gia đình Mông, người đàn ông luôn có quyền lực tối thượng. Mỗi buổi chợ phiên, những người đàn ông Mông thường vắt vẻo trên mình ngựa, còn vợ thì cắp con gà, con lợn lẽo đẽo chạy theo xuống chợ cùng chồng. Ở chợ, trong lúc người vợ lặng lẽ ở góc chợ chờ bán những thứ mang từ nhà đến, thì người đàn ông Mông sẽ tụ tập trong quán rượu. Rồi sau những bát rượu ngô trong vắt, nóng đến bỏng rát cổ họng, họ say vật ra giữa quán. Chợ tan, những phụ nữ Mông lại nhẫn nại đỡ chồng nằm vắt ngang lưng ngựa rồi lủi thủi dắt ngựa vượt dốc trở về nhà. Phụ nữ Mông lạ lắm, họ có thể làm đến chết để nuôi chồng nuôi con, nhưng người đàn ông Mông phải tránh không đánh đập, chửi bới, làm nhục họ, vì khi bị tự ái, khi ý định của họ bị ngăn cấm, là thể nào họ cũng tìm cách tự kết liễu đời mình bằng thứ lá ngón kịch độc…
Hơ Thị Ké, ở bản Pa Đén, xã Pù Nhi, năm nay 17 tuổi. Cuối năm ngoái, Ké đem lòng yêu một thanh niên trong bản, nhưng khổ nỗi, người này lại là em trai của anh rể Ké. (Với người Mông, chuyện con bác lấy con cô là bình thường, nhưng 2 chị em ruột thì không được lấy 2 anh em ruột nhà khác). Vậy nên hai gia đình can ngăn, không cho đôi trẻ lấy nhau. Ké chẳng nói chẳng rằng, chỉ lầm lũi lên nương làm lụng. Rồi một buổi nọ, Ké ngồi bần thần trước cửa, nước mắt lưng tròng, người nhà biết thể nào cũng có chuyện, nên thay nhau canh, nhưng cuối cùng Ké cũng trốn được vào rừng, tìm ăn lá ngón tự tử. Ké chết, để lại một dòng thư hẹn người yêu ở kiếp sau…
Cùng cảnh ngộ bị hai gia đình phản đối vì yêu “người nhà” còn có Thao Thị Tụa (17 tuổi), ở bản Pù Ngùa. Tụa yêu Hơ Văn Khun (anh trai Khun lấy chị gái của Tụa), vì bị ngăn cấm nên cả hai rời bản để tìm nơi ở mới, nhưng rồi họ cũng bị gia đình bắt về. Phẫn chí, họ hẹn nhau vào rừng làm chuyện vợ chồng, xong thì cùng ăn lá ngón tự kết liễu đời mình.
Biết chúng tôi tìm hiểu về những cái chết do ăn lá ngón của phụ nữ Mông, Phó công an xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) Thao Nọ Gia lật cuốn sổ nhỏ, điểm ra hàng chục vụ tự tử bằng lá ngón. Rồi ông kể cho tôi những câu chuyện, mà mới nghe thôi, tôi cũng không thể lý giải nổi vì sao họ lại tìm đến cái chết với những lý do giản đơn đến vậy...
Cây lá ngón mọc hoang dại trên các rẻo núi ở miền tây Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Minh
|
Chá Thị Dinh ở bản Keo Té đã 17 tuổi, nhà nghèo nhưng ngại làm nương, suốt ngày chỉ ở nhà chơi thôi. Một hôm, thấy dưới gối của mẹ có 50 nghìn đồng, Dinh liền nhặt lấy, rồi xuống chợ mua một đôi dép, với ít lạng mỡ lợn mang về nhà. Trưa, mẹ Dinh về thấy mất tiền, lại thấy Dinh đang rán mỡ lợn trong bếp, chân đi đôi dép mới tinh thì bà biết con gái đã lấy tiền tiêu mất. Mẹ cô càu nhàu mắng: “Nhà không có cái ăn, mày thì không chịu làm, chỉ suốt ngày đi chơi và ăn diện thôi”. Nghe vậy, Dinh nổi cơn giận, “bởi có phải Dinh chỉ mua dép đâu, Dinh còn biết mua mỡ lợn về cho cả nhà ăn mà”. Thế rồi, suy nghĩ nông nổi, Dinh lẳng lặng vào rừng, tìm lá ngón ăn để tự tử. 3 ngày sau, người nhà mới phát hiện xác của Dinh trong một chiếc chòi trông nương ở bìa rừng.
Thế nhưng, tôi bị ám ảnh nhất là cái chết thương tâm của Sùng Thị Pa Nhia, ở bản Pù Ngùa. Nhia mới 22 tuổi, đã có 2 con, cuối năm 2010, Nhia mang bầu đứa thứ 3. Nhiều người trong bản nói với Nhia rằng: “Đẻ nhiều khổ lắm. Đẻ nhiều xấu đi, thằng chồng nó đi tìm gái bản khác đấy”. Nhia về nhà bàn với chồng đi kế hoạch, chồng Nhia vừa uống rượu, vừa bảo “việc mang thai là tại mày, muốn làm gì thì tự mày đi giải quyết, tao không biết đâu”. Nhia buồn lắm, nói với chồng: “Ơ cái thằng chồng này. Chuyện mang thai là do mày chứ, tao có tự một mình mang thai được đâu”. Nói vậy, nhưng Nhia cũng sang nhà ông bác vay được 80 nghìn đồng để đi phá thai. Trên đường về, Nhia ngồi bên sườn đồi, ngẫm nghĩ thế nào lại tìm lá ngón ăn tự tử, mang theo đứa con trong bụng, bỏ lại cho chồng hai con thơ dại…
Bác sĩ Ngô Kim Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), tâm sự: “Gần hết một đời gắn với huyện vùng cao này, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm do tự tử bằng lá ngón. Mỗi năm bệnh viện cứu sống được hàng chục người, đa phần là con gái Mông thôi. Còn lại hầu hết đều chết trong rừng rú”. Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát đã cứu sống hơn 10 trường hợp ăn lá ngón tự tử. Gần đây nhất, bệnh viện đã cứu sống chị Thao Thị K. (29 tuổi, ngụ tại bản Cơm, xã Pù Nhi) và chị Thao Thị T. (16 tuổi, ngụ tại bản Tà Cóm, xã Trung Lý), ăn lá ngón tự tử nhưng được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời.
Đi, quan sát và tiếp xúc với những con người ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh ấy, tôi cảm nhận dường như có một sự phản kháng luôn âm ỉ bên trong cái sự lầm lũi, chịu đựng của những phụ nữ Mông nơi thượng nguồn sông Mã. Họ sinh ra là tự thân đã mang trên mình cái số kiếp của “loài rùa” trong xó bếp. Chồng chết, có thể họ sẽ phải làm vợ của em chồng theo tục “nối dây” nghiệt ngã. Và khi không còn “dây” để nối, thì bị đám trai trong bản tán tỉnh, trêu ghẹo lúc rượu say. Họ lầm lũi sống một cuộc đời với sự phục tùng vô điều kiện. Vậy nên, họ chính là những thân phận rất dễ tổn thương, rất dễ tự ái. Khi bị tổn thương, họ sẽ có phản ứng tiêu cực và bồng bột, là tìm đến cái chết bằng lá ngón…
Ám ảnh lá ngón Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, cho biết trước đây ở các xã Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý, Nhi Sơn của huyện Mường Lát, cây lá ngón mọc khắp nơi. Mấy năm trở lại đây, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã ra quân tận diệt cây lá ngón. Nhưng vẫn không thể diệt hết được. Cây lá ngón vẫn mọc hoang dại trong các vạt rừng xa. Mà khi người ta đã quyết chết thì việc tìm cây lá ngón có khó khăn gì. Ông Xích cũng không nhớ nổi trong những năm qua trên địa bàn xã Pù Nhi có bao nhiêu thiếu nữ Mông bị chết vì lá ngón, nhưng theo lời ông nói thì nhiều lắm… “Cán bộ xuống các bản tuyên truyền nhiều lắm. Đồng bào cũng thấy sự nguy hại của lá ngón, thấy được sự không đáng chết bởi những lý do vặt vãnh trong cuộc sống. Nhưng năm nào cũng có người chết vì lá ngón. Buồn lắm. Nhưng cũng chẳng biết làm sao…”, ông Xích tâm sự. |
Ngọc Minh
Bình luận (0)