Những cái chết oan uổng do tắc trách

12/12/2018 06:18 GMT+7

Việc người dân thiệt mạng vì 'ổ voi', dây điện... gần đây, mà phần lớn do sự tắc trách của cơ quan chức năng, khiến dư luận bức xúc.

Cái chết thương tâm của anh Trần Nguyễn Quang Tánh (34 tuổi, ngụ Phú Yên - Thanh Niên ngày 11.12 đã thông tin) là nỗi ám ảnh của nhiều người dân.
Rạng sáng 10.12, anh Tánh chạy xe máy trên QL1, khi đến thôn Phú Khê 2, xã Hòa Xuân Đông, H.Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) thì bị sụp “ổ voi” (sâu khoảng 30 cm), xe ngã xuống đường, khiến anh Tánh tử vong sau đó.
Quốc lộ “ruộng cày” gây họa
Chiều 11.12, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản yêu cầu BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhanh chóng làm rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục hậu quả, báo cáo Chủ tịch UBND TP về vụ tai nạn điện này trước 10 giờ ngày 12.12; giao Sở Công thương kiểm tra, xử lý các nội dung liên quan chức năng, báo cáo kết quả về UBND TP.
Trưa 11.12, PV Thanh Niên có mặt tại đám tang của anh Tánh, ông Trần Danh (cha anh Tánh) nghẹn ngào: “Mấy “ổ voi” đó chỉ cần vài khối đá sẽ đảm bảo giao thông. Nếu chưa làm được thì cũng nên có cảnh báo cho người đi qua biết. Đằng này, họ để “ổ voi” sâu hoắm nhiều vô kể, không bị tai nạn sao được. Cũng tại nơi con tui bị tai nạn, đã có xe tải sụp “ổ voi”, va vào dải phân cách. Con tui bị vậy nhưng chẳng thấy cơ quan có trách nhiệm đến thăm hỏi”.
Anh Nguyễn Văn Thái (thường xuyên đi làm qua đoạn đường này) cho biết: “Ổ voi” anh Tánh bị tai nạn xuất hiện cách đây hơn 1 tháng. Mỗi khi qua đây, tôi lo sợ lắm. Trời mưa thì không nhìn thấy “ổ voi”, rất nguy hiểm”. Theo ông Nguyễn Hoàng Khánh, chuyên viên Phòng điều hành dự án 2 của Ban Quản lý (BQL) dự án Thăng Long, đoạn QL1 qua thôn Phú Khê 2 do nhà thầu Công ty CP 475 (thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4) thi công. Những “ổ voi” nơi anh Tánh bị tai nạn xuất hiện trong đợt mưa lụt ngày 28.11.
Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, “ổ voi” trên đoạn đường này có gần 1 tháng nay. Ngày 18.11, trên đoạn QL1 qua H.Tuy An (Phú Yên), có 2 xe tải sụp “ổ voi” khiến xe lật làm phương tiện và hàng hóa trên xe hư hỏng nặng. Tài xế Nguyễn Thanh Long (ngụ Tiền Giang bị nạn) bức xúc: “Xe tui đang chạy trên đường nhưng lọt “ổ voi” khá sâu, gãy nhíp, lạc tay lái va vào dải phân cách. Trong đêm 18.11, có 3 - 4 chiếc xe như vậy. Đoạn đường qua Phú Yên hư rất nhiều điểm. Muốn thu phí thì phải làm đường hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) chứ”.
Đoạn đường anh Tánh bị tử vong do sụp “ổ voi” Ảnh: Lê Quý Đô
Trong vụ tai nạn này, xe của tài xế Long va đầu vào dải phân cách nên phần ca bin bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại (xe và hàng hóa) hàng tỉ đồng. Đêm 18.11, xe của tài xế Trần Duy Khánh (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng bị sụp liên tiếp 3 “ổ voi”, khiến xe bị lật hư hỏng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Những cái “bẫy” chết người
Cái chết oan uổng khác là trường hợp anh Trương Vũ Huy (31 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng). Tối 10.12, anh Huy chạy xe máy chở vợ là Trần Huệ Trâm (28 tuổi) trên đường Yên Thế hướng ra ngã ba Huế. Đến trước chợ Hòa An (Q.Cẩm Lệ), hai vợ chồng vướng vào dây điện, ngã xuống vũng nước.
[VIDEO] Hai vợ chồng bị điện giật thương tâm giữa lúc Đà Nẵng mưa lớn
Một người đàn ông khoảng 50 tuổi đi xe máy phía sau cũng ngã theo, và người này phát hiện vợ chồng anh Huy bị điện giật nên tri hô, cùng người dân kéo nạn nhân ra. Khi Trung tâm cấp cứu y tế TP.Đà Nẵng đến nơi, anh Huy đã không còn mạch, huyết áp... Chị Trâm bị trầy xước nhẹ, hôm qua 11.12 đã xuất viện để về lo hậu sự cho chồng. Chị bị suy sụp bởi chồng mất, để lại con nhỏ chỉ mới 7 tháng tuổi.
Theo biên bản các bên liên quan lập, tại hiện trường có 1 dây điện màu đen dài khoảng 20 m được móc nối từ trụ điện kéo nằm ngang qua đường Yên Thế - Bắc Sơn theo hướng đông - tây. Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, khi hệ thống chiếu sáng tắt thì sợi dây này không có điện; ban ngày có người đã kéo sợi dây băng ngang đường để cảnh báo khu vực ngập nước. Buổi tối, khi hệ thống chiếu sáng hoạt động, sợi dây dẫn điện và gây sự việc thương tâm.
Tại TP.HCM, gờ giảm tốc thành cái “bẫy” gây hai vụ chết người. Tối 1.12, ông T.X.H (56 tuổi, ngụ Q.9) chạy xe máy trên đường D12 (trong khu công nghệ cao, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9). Khi đến trước cổng số 3 của Công ty Samsung, qua gờ giảm tốc khá cao làm xe ông ngã xuống đường, tử vong tại chỗ. Tối 28.6, anh Nguyễn Công Toàn (23 tuổi, quê Bình Phước) cũng tử vong sau khi ngã khi qua gờ giảm tốc nói trên.
Gờ giảm tốc quá cao trong khu công nghệ cao gây nguy hiểm cho người đi đường Ảnh: Công Nguyên
Công an vào cuộc điều tra
Liên quan đến “ổ voi” (đoạn qua H.Đông Hòa, Phú Yên) khiến anh Tánh tử vong, ông Nguyễn Hoàng Khánh, chuyên viên Phòng điều hành dự án 2 của BQL dự án Thăng Long, phân trần: “Theo quy định, những chỗ nguy hiểm thì phải cảnh báo, nhưng mặt đường ở đây hư nhiều và trải dài nên không thể cảnh báo hết mà chỉ cảnh báo những đoạn đang duy tu sửa chữa. Trường hợp phát sinh “ổ gà”, trong vòng 21 ngày, nhà thầu có nhiệm vụ phải đảm bảo giao thông. Nếu nhà thầu không thực hiện thì BQL dự án Thăng Long sẽ thuê nhà thầu khác sửa chữa, kinh phí chi trả từ nguồn bảo hành công trình”.
Theo ông Khánh, từ tháng 7.2018, BQL dự án Thăng Long đã có hơn 15 văn bản gửi nhà thầu yêu cầu phải đảm bảo ATGT trên tuyến đã thi công. Tuy nhiên, nhà thầu chậm khắc phục nên ban đã chỉ định Công ty quản lý sửa chữa đường bộ Phú Yên đảm bảo giao thông tạm thời.
Khi vụ việc xảy ra, ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, đã đi kiểm tra, có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN và BQL dự án Thăng Long đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên QL1 đoạn qua Phú Yên. Theo ông Trí, các đơn vị thi công đang tiến hành sửa chữa QL1 nhưng tiến độ chậm. Nhiều “ổ voi” sau khi sửa chữa bằng bê tông nhựa tiếp tục bị hư hỏng lại, việc thực hiện đảm bảo ATGT khi xảy ra mưa lũ chưa kịp thời, nhất là những lúc nước mưa ngập mặt đường khiến người tham gia giao thông không thấy được “ổ voi” để tránh nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn. Theo ông Trí, việc xuất hiện “ổ voi” trên QL1 nhưng không có biện pháp đảm bảo ATGT, để xảy ra tai nạn là trách nhiệm của BQL dự án Thăng Long.
Đại tá Nguyễn Quang Phổ, Trưởng công an H.Đông Hòa (Phú Yên), cho biết đã thụ lý để điều tra vụ tai nạn giao thông xảy ra tại thôn Phú Khê 2 làm anh Tánh thiệt mạng.
Trả lời Thanh Niên chiều 11.12, ông Đặng Quốc Thắng - Đội trưởng Đội Quản lý vận hành điện chiếu sáng số 3 phụ trách khu vực Q.Cẩm Lệ (Công ty quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng TP.Đà Nẵng), cho biết: “Công trình đường Yên Thế do BQL điều hành, giao cho một công ty xây dựng công trình thủy ở phía bắc thi công. Đơn vị thi công xin đấu tạm nguồn của mình (Công ty quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng - PV) trong những ngày tết để chiếu sáng công trình đang thi công. Trách nhiệm họ phải tháo đường dây xuống, nhưng không tháo”.
Một kỹ sư thuộc Ban Chấp hành Chi hội Chiếu sáng Nam Trung bộ và Tây nguyên (Hội Chiếu sáng VN) cho rằng: “Cần làm rõ phía điện chiếu sáng có biên bản bàn giao cho BQL hay không, hoặc BQL đã bàn giao trở lại cho điện chiếu sáng chưa. Đơn vị nào nhận bàn giao thì phải chịu trách nhiệm và đây là trách nhiệm hình sự. Cho dù đơn vị điều hành giao đơn vị thi công nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm chính”.
Về tai nạn chết người liên quan đến gờ giảm tốc ở khu công nghệ cao TP.HCM, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP.HCM, là đơn vị quản lý, lắp đặt các gờ giảm tốc), khẳng định: “Các gờ giảm tốc tại đây đều làm đúng quy chuẩn của nhà nước, đều được sơn phản quang, trước các gờ giảm tốc đều đặt biển cảnh báo” (!?).
Ông Lê Thành Đại (Phó trưởng BQL Khu công nghệ cao TP.HCM) cho rằng: “Sau khi xảy ra các vụ tai nạn chết người liên quan đến gờ giảm tốc, BQL họp với các cơ quan chức năng đánh giá lại việc lắp đặt các gờ giảm tốc. BQL đã đề xuất phá dỡ gờ giảm tốc cũ trong làn xe máy, thay vào đó các vạch sơn giảm tốc để cảnh báo; tại các gờ giảm tốc bắc thêm đèn phản quang để cảnh báo các phương tiện; kiến nghị hạ tốc độ lưu thông các phương tiện trong khu công nghệ cao”.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), nếu xác định nguyên nhân gây tử vong trực tiếp xuất phát từ việc sụp “ổ voi” trên đường thì cơ quan chức năng cần điều tra trách nhiệm của những người quản lý, duy tu, bảo dưỡng tuyến đường QL1A đi qua địa bàn.
“Nếu việc có “ổ voi” là do sự yếu kém từ cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý công trình ví dụ xuất phát từ việc không duy tu, bảo dưỡng đường bộ thì cá nhân, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm”, LS Chánh nói.
Đối với trách nhiệm hình sự, hành vi “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật” hoặc “Không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa ATGT” dẫn đến chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông theo điều 281 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...
LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị tai nạn tử vong có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại về tính mạng cho người bị nạn theo điều 591 bộ luật Dân sự 2015. LS Trang đánh giá người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Theo một cán bộ tại Cục CSGT - Bộ Công an đánh giá, mỗi ki lô mét đường đều có đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, đơn vị đó có nhiệm vụ đi tuần tra, phát hiện và sửa chữa kịp thời. Ngoài ra, cần phải xác định được vị trí vụ tai nạn xảy ra để xác định được đoạn đường đó thuộc trách nhiệm của ai, nguyên nhân hình thành các “ổ gà” tại khu vực xảy ra tai nạn.
Ngọc Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.