Rất muốn tránh hai tiếng “tự hào” vì nghe có vẻ sáo mòn quá, nhưng ở đây hai tiếng ấy theo nghĩa chân phương lại rất chính xác để đánh giá về Hội sách TP.HCM lần 7 - 2012 đang diễn ra.
|
Quy tụ 70 đơn vị
Trước hết bởi quy mô toàn quốc của hội sách với 20 triệu bản và 200.000 tựa trưng bày trở thành con số lớn nhất so với tất cả các hội chợ sách tổ chức ở Việt Nam từ khi có ngành xuất bản - phát hành sách tới nay. Ngay sau tối khai mạc 19.3 đến hôm sau 20.3, doanh thu bán ra của hội sách là 3,4 tỉ đồng. Ngày tiếp đó, 21.3, doanh thu tăng gấp đôi đạt đến con số 7,8 tỉ đồng. Tính đến chiều hôm qua 22.3, tổng cộng vượt hơn 22 tỉ đồng. Chỉ trong vòng ba ngày đạt tới sức mua như thế cho thấy bạn đọc TP.HCM có thể đại diện cho bạn đọc cả nước để khẳng định sự tồn tại và cần thiết của lĩnh vực xuất bản - phát hành sách ở nước ta đối với nhu cầu văn hóa đọc hiện nay.
Một trong những cái nhất khác được ghi nhận tại hội sách là đã quy tụ 70 đơn vị truyền thông văn hóa và các công ty sách do các nhà làm sách tư nhân có tâm huyết đảm trách đã tham gia chủ yếu vào quá trình tổ chức bản thảo, ấn hành và thực hiện việc đưa nhiều bộ sách và các tác phẩm có giá trị đến với bạn đọc Việt Nam trong những năm qua như Phương Nam, Nhã Nam, Thời Đại, Hương Trang, Trí Việt (First News), Văn Lang, Thành Nghĩa, Thăng Long, Cadasa, Trường Phát, Chibooks, Thái Hà, Long Minh... Điều đó chứng tỏ sức mạnh “xã hội hóa” đang tiếp diễn dần dần chiếm ưu thế trong ngành xuất bản và phát hành sách Việt Nam. Không thể không nhắc đến sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị chủ công của hội sách như FAHASA và các NXB: Trẻ, Văn hóa văn nghệ, Tổng hợp TP. HCM, góp thành con số 17 NXB trong nước cũng như 25 NXB nước ngoài nổi tiếng.
Những tủ sách giá trị nhất
Một đặc điểm khác của hội sách lần này là việc trao các giải thưởng có giá trị tinh thần cao như Giải thưởng FAHASA - sách được bạn đọc yêu thích bình chọn lần thứ nhất - 2012 (Thanh Niên đã đưa tin). Và sáng nay 24.3 sẽ giao lưu, trao giải Tủ sách gia đình lần thứ 4 do NXB Văn hóa văn nghệ tổ chức - đây là một hoạt động văn hóa khá đặc biệt góp phần khảo sát và công bố những tủ sách giá trị nhất do các gia đình bạn đọc đang lưu giữ trong cả nước. Lần này, ban giám khảo thống nhất đề cử 13 tủ sách vào chung kết, trong đó có tủ sách của GS-TS Phạm Đức Dương ở Hà Nội với 8.000 đầu sách tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc - đã giúp ông hoàn thành nhiều công trình khoa học và phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của hàng ngàn sinh viên Hà Nội. Tủ sách của ông Phú Tuệ Năng ở Ninh Thuận do nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara xây dựng với khoảng 5.000 đầu sách các loại. Tiếp đó là tủ sách của ông Phạm Ngô Minh ở Đà Nẵng với 2.500 cuốn, của ông Nguyễn Văn Yên ở Hà Nội với hơn 3.000 cuốn, của bà Lưu Thị Nguyệt Minh ở Yên Bái với gần 10.000 cuốn, của bà Chu Thị Dương ở Phú Yên, của ông Nguyễn Thanh Thuận ở Đồng Tháp, của ông Hồ Sĩ Đoàn ở Đà Nẵng, của ông Trần Minh Tuấn và ông Đồng Viết Thiện ở TP. HCM... Như thế, hội sách lần này có thêm một cái nhất nữa là giới thiệu được các tủ sách gia đình có giá trị mang yếu tố toàn quốc mà trước đây chưa ai làm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận các giá trị khác của Hội sách TP.HCM lần 7 - 2012 đang diễn ra và sẽ bế mạc vào tối mai 25.3. Song, với những “cái nhất” đã được ghi nhận, thì hoạt động văn hóa này tuy được tổ chức ở một thành phố như TP.HCM, nhưng có thể tự hào và xứng đáng để mệnh danh là Hội sách Việt Nam - TP.Hồ Chí Minh - ý chí và sức bật của nền văn hóa đọc!
Những sách bán chạy nhất Đến tối qua 23.3, những tác phẩm được Ban tổ chức hội sách ghi nhận bán chạy nhất trong top 10 gồm: 1. Cung đường vàng nắng của Dương Thụy, 2. Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình của Ngô Bảo Châu - Nguyễn Phương Văn, 3. Và nụ cười sẽ hong khô tất cả của nhiều tác giả, 4. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, 5. Ngược chiều vun vút của Joe Ruelle, 6. Hiểu về trái tim của Thích Minh Niệm, 7. Lolita của Vladimir Nabokov - Dương Tường dịch, 8. Đảo mộng mơ của Nguyễn Nhật Ánh, 9. Hồi ký Tâm “Si-đa”: vượt lên trên cái chết của Trương Thị Hồng Tâm, 10. Gáy người thì lạnh của Nguyễn Ngọc Tư. |
Giao Hưởng
Bình luận (0)