Những 'cái tát' ngành giáo dục: Bắt đầu từ những cá nhân thiếu rèn luyện, tu dưỡng

Quý Hiên
Quý Hiên
18/12/2018 16:40 GMT+7

Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, để dẫn tới những vụ việc phức tạp gần đây của ngành giáo dục đào tạo, có yếu tố chủ quan là chủ yếu, bắt đầu từ những cá nhân thiếu tu dưỡng, rèn luyện.

Sáng nay, 18.12, tại cuộc họp giao ban định kỳ với lãnh đạo các cơ quan báo, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã chia sẻ một số thông tin, quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT về một số vụ việc phản sư phạm, thậm chí phạm tội, của một số nhà giáo, ở các địa phương khác nhau trong thời gian gần đây.
Bắt đầu từ yếu tố chủ quan
Bà Nghĩa điểm ra một số vụ, chẳng hạn như một giáo viên Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã cho nhiều học sinh tát bạn 230 cái khiến nạn nhân phải nhập viện; rồi một giáo viên ở Trường Tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cũng bị tố là phạt học sinh bằng cách cho các bạn khác tát; một giáo viên khác ở tỉnh Long An thì đánh bầm mông học sinh…
Đau lòng hơn, gần đây nhất hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã bị bắt tạm giam do bị tố giác lạm dụng tình dục hàng loạt học sinh nam.
Theo bà Nghĩa, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thấy đây là những trường hợp đáng bị lên án, cần được xử lý nghiêm minh, và xem đó là những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho tất cả các nhà giáo, các cán bộ quản lý trong ngành. Trước những vụ việc đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, phối hợp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nói về nguyên nhân của những vụ giáo viên bạo hành hoặc “chỉ đạo” bạo hành học sinh, bà Nghĩa phân tích: “Trước hết là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có hạn chế về năng lực, về sư phạm. Mục đích của các thầy cô giáo là muốn học sinh mình ngoan hơn, nhưng phương pháp của các thầy cô là phản sư phạm. Các thầy cô cũng chưa nhận thức được trách nhiệm, về tình yêu thương của mình đối với các em”.
Bà Nghĩa cũng nói về các nguyên nhân khác như trách nhiệm của ban giám hiệu, mà đứng đầu là hiệu trưởng nhà trường. Một số giáo viên trẻ thiếu kinh nghiệm ứng xử, áp lực công việc ngày càng lớn nên có hành vi xúc phạm về cả tinh thần về cả thân thể học sinh. Trong khi đó sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để giáo dục học sinh chưa được tốt, hệ quả là nhà trường chưa tìm được phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả. Công tác tuyển dụng, đào tạo bố trí, sử dụng nhà giáo ở các địa phương có nhiều nơi còn bất cập.
Bà Nghĩa nhấn mạnh: “Có những nguyên nhân dù là khách quan nhưng chúng tôi nghĩ có yếu tố chủ quan là chủ yếu, bắt đầu từ những cá nhân thiếu tu dưỡng, rèn luyện”.
Bà Nghĩa cho biết, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các vấn đề liên quan tới đạo đức nhà giáo, các nguyên tắc ứng xừ, xây dựng môi trường văn hóa trong các nhà trường… nhưng thực tế là khi về các địa phương thì các yêu cầu này được thực hiện chưa tốt.
Sẽ đánh giá giáo viên thực chất, tránh áp lực thành tích hình thức
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường chủ động nắm bắt thông tin, qua các phương tiện truyền thông, để chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục xác minh, giải quyết nhanh chóng kịp thời những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Tiếp tục quán triệt và triển khai chỉ thị, văn bản của bộ trưởng về tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo, đồng bộ với các giải pháp khác như tổ chức hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo, phân tích nguyên nhân các hành vi xấu, tìm ra giải pháp khắc phục, xây dựng môi trường giáo dục văn hóa lành mạnh…
Bà Nghĩa nói: “Sắp tới Bộ cũng sẽ chỉ đạo đổi mới đồng bộ từ khâu tuyển sinh đến khâu đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Một khâu chúng tôi nghĩ không thể thiếu được là tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là năng lực cho đội ngũ hiệu trưởng. Vì thực tế hiện nay cho thấy nhiều hiệu trưởng, với vai trò là người đứng đầu nhà trường làm chưa tốt, làm chưa thực sự hết trách nhiệm. Việc bồi dưỡng sắp tới cũng phải nâng cao chất lượng, tránh hình thức”.
Một biện pháp khác Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành là tục rà soát các văn bản về chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nhà giáo, để đánh giá hiệu trưởng, đánh giá giáo viên một cách thực chất, khắc phục bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục. “Đó là một nguyên nhân tạo áp lực cho giáo viên, khi mà cường độ áp lực làm việc lớn, lại thiếu phương pháp sư phạm thì có thể gây ra những hậu quả làm ảnh hưởng tới học sinh, làm ảnh hưởng tới môi trường sư phạm. Về lâu dài, ảnh hưởng tới sự hình thành, phát triển nhân cách của học sinh”, bà Nghĩa nói.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp vói công đoàn giáo dục Việt Nam khảo sát trên diện rộng đối với cán bộ quản lý giáo dục, với giáo viên, với học sinh, cha mẹ học sinh, người dân, các cơ quan tổ chức xã hội trong các nước về môi trường giáo dục, từ đó dự kiến mở diễn đàn để cộng đồng tham gia, hiến kế chia sẻ để phát hiện, đề ra các giải pháp khắc phục các vấn đề tốn đọng, bức xúc của xã hội với giáo dục hiện nay. Bộ cũng sẽ tập trung rà soát nhằm tìm giải pháp khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.