(TNTS) Nhân đang có tranh cãi gay gắt về vấn đề dịch thuật, chợt nhớ đến một “cuộc chiến” khác cũng thường xuyên gây nổi sóng trên các diễn đàn: chuyện dịch tên phim.
Dịch hoặc đặt lại tên phim nhập cho phù hợp với thị hiếu và văn hóa trong nước là điều bắt buộc. Tiếng Việt lại rất phong phú nên đã làm sản sinh những tên phim cực hay lẫn “chuối cả nải”.
Tựu trung có 2 kiểu Việt hóa tên phim: dịch sát nghĩa từ tựa gốc và chế biến lại. Dịch sát thì sẽ gặp khó khăn khi đụng phải tên riêng, từ đồng âm hoặc những tựa phim có nhiều tầng ý nghĩa. Phim Legends of the fall (1994) của Brad Pitt thời còn đẹp trai từng gây tranh luận nảy lửa giữa 3 phe “huyền thoại mùa thu”, “huyền thoại cú ngã” và “huyền thoại cái thác”.
Trong đó, “huyền thoại mùa thu” được nhiều người xem là đúng vì nó hay nhất, lãng mạn nhất và 2 tên kia bị dè bỉu đủ kiểu. Thật ra “huyền thoại cú ngã” mới là gần đúng nhất dù... dở ẹc. Từ “fall” ở đây mang nghĩa “sa đọa” hoặc “đọa lạc”, lấy cảm hứng từ chuyện các thiên thần mắc đọa trong Kinh thánh, để mô tả quá trình đánh mất niềm tin và sự trong sáng của các nhân vật chính. Trong phim thì xuân hạ thu đông hay mưa nắng gì cũng đủ cả chứ không chỉ có mỗi mùa thu.
Ngược lại, “phỏng dịch” thì đôi khi lại ra nhiều sản phẩm rất quái chiêu như Thập diện mai phục thành Giữa muôn trùng vây, Vô gian đạo lại ra Điệp vụ nội gián. “Ghê rợn” nhất là có thời phim Thương Thành (2006) được lưu hành tại Việt Nam với tựa... Vô gian đạo 5 dù nội dung 2 bên không dây mơ rễ má gì cả. Hỏi ra mới biết do phim này cũng có Lương Triều Vỹ đóng, cũng do Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy đạo diễn nên các nhà nhập phim quyết định làm liều để câu khách. Nếu thắc mắc Vô gian đạo 4 ở đâu mà có phần 5 thì xin thưa rằng trong “ý tưởng lớn” của nhà phát hành thì đó chính là The Departed, tức bản làm lại Vô gian đạo của Hollywood!
Đối với phim phương Tây thì trước năm 1975, bộ phận biên tập giỏi ngoại ngữ và nắm vững tiếng Việt của các hãng nhập phim đã cho ra đời những cái tựa xuất sắc. Nên thơ, lãng mạn như Giai điệu hạnh phúc hay Tiếng tơ đồng (The Sound of Music - 1965) hoặc ngầu một chút thì có Thiện, Ác, Tà (The Good, The Bad & The Ugly - 1966).
Đặc biệt với những phim chuyển thể từ tác phẩm văn học thì những cái tên bất hủ đã đi từ trang sách lên băng rôn như Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind), Chuông nguyện hồn ai (For Whom the Bells Toll) và đỉnh cao của mọi đỉnh cao chính là 2 chữ Bố già (The Godfather) của dịch giả Ngọc Thứ Lang.
Mấy năm nay, phim nhập về VN ngày càng nhiều, càng nhanh nhưng cũng từ đó xuất hiện nhiều tựa Việt hóa “kỳ kỳ” như Chuyện ấy là chuyện nhỏ (Sex and the City)... Tên một đằng chuyện phim một nẻo, rẻ tiền, câu khách hoặc đơn giản là không hay, không lột tả hết ý nghĩa của tựa gốc là những lời phàn nàn thường gặp trên các diễn đàn điện ảnh.
Thật ra theo một số lời trần tình thì bộ phận dịch tên phim hiện nay gặp áp lực lớn từ kiểm duyệt lẫn nhu cầu đặt những cái tựa lôi kéo được khán giả, kể cả những người không biết ngoại ngữ hay không rành điện ảnh, tới rạp. Thậm chí có tin chính hãng phim nước ngoài cũng có chuyên gia tiếng Việt để thẩm định lại tựa dịch chứ không phải nhà phát hành “chém gió” sao cũng được.
Trong các phim dự kiến ra rạp vào tháng 4 thì cũng có một số tựa từ khá đến hay như Siêu anh hùng báo thù (The Avengers) và Gương kia ngự ở trên tường (Mirror Mirror).
Xét cho cùng thì dịch tên phim cũng là chuyện văn mình vợ người. Thôi thì hãy cứ hồn nhiên mà theo dõi phim cho nó lành, đừng nặng tay “ném đá” nhau chi chỉ vì cái tên mà phải tội.
Trọng Kha
Bình luận (0)