Những cái tết trong gia đình văn nhân: Tết Đà Lạt của gia đình Nhất Linh

27/01/2022 06:21 GMT+7

Nhất Linh vào Nam và trải qua một khoảng thời gian khá đặc biệt: Ông được hưởng những cái tết an vui ở Đà Lạt, nơi ông tạm gác lại mọi tham vọng chính trị và theo đuổi thú chơi lan, làm thơ, viết tiểu thuyết.

Theo hồi ức của tác giả Nguyễn Tường Thiết (con trai út của Nhất Linh), đây là thời kỳ gia đình ông tìm được những mùa xuân nhẹ nhàng, ấm cúng nhất...

Con đường ngắn nên thơ

Thập niên 1940, Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam loay hoay, rối ren trong con đường làm chính trị. Đầu tháng 4.1951, sau khi trở về từ Hương Cảng, thất chí, ông cùng 2 người con theo gia đình anh cả Nguyễn Tường Thụy chuyển vào Sài Gòn (ông Thụy lúc bấy giờ làm tổng giám đốc bưu điện).

Thời gian tá túc ở căn nhà số 12P Hồng Thập Tự, Nhất Linh mở Nhà xuất bản Phượng Giang và in lại sách của Tự Lực Văn Đoàn, giới thiệu tác phẩm của các cây bút mới. Sau đó, ông đưa cả vợ con vào Nam. Bà Nguyễn Tường Tam (tên Phạm Thị Nguyên) mua một căn hộ ở chợ An Đông và buôn bán, hòa nhập với Sài Gòn khá dễ dàng.

Gia đình Nhất Linh vào sáng mùng 1 tết năm 1956 tại Đà Lạt

Tư liệu Nguyễn Tường Thiết

Một năm sau Hiệp định Genève, Nhất Linh lên Đà Lạt, thành phố mà ông từng đến một lần với vai trò Ngoại trưởng phái đoàn VN trong Hội nghị trù bị năm 1946. Lần này ông đến không với những tính toán chính trị, mà là trong tâm thế của một người chấp nhận lãng quên, tìm nơi ẩn cư để tránh những xô bồ thế cuộc.

Ông cùng 2 con Nguyễn Kim Thoa và Nguyễn Tường Thiết thuê căn phòng ở lầu 2, phía trên nhà hàng Painsard & Vayret, số 12 đường Yersin (nay là Trần Phú) và sau đó là căn nhà số 19 Đặng Thái Thân mở rộng không gian trồng lan và giao du bạn bè nghệ sĩ yêu thích chơi lan. Thời gian này, Nguyễn Tường Thiết - người con út luôn được Nhất Linh dắt theo bên mình - học ở Trường Quang Trung.

Trong cả 2 cuốn Căn nhà An Đông của mẹ tôi Nhất Linh cha tôi, Nguyễn Tường Thiết đều có những bài viết nhắc lại giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời Nhất Linh tại Đà Lạt.

Nguyễn Tường Thiết nhớ lại con đường mà cha ông thích nhất mỗi khi mùa xuân về, đó là đường Tự Đức (nay là một phần đường Hồ Tùng Mậu, đoạn nối từ Bưu điện Lâm Đồng xuống hồ Xuân Hương, cặp bên hông khách sạn Palace). “Nó ngắn thôi, nhưng rất nên thơ”, ông Thiết viết. Đây là con đường có đồi thông thoai thoải dẫn xuống phía hồ, thường có nhiều hoa đào và hoa lê nở vào mùa xuân. Nhất Linh từng ước một ngày con đường này được mang tên mình.

Giáp tết, Nhất Linh và cô con gái đi hái hoa lê về cắm trong những lọ thủy tinh, rồi treo những chậu lan nở hoa muôn sắc, tỏa hương thanh khiết trên tường nhà.

Nhất Linh thổi kèn clarinet giữa rừng thông, trên đường đi tìm lan

Cái vẫy chào từ ban công

Tết năm 1956, có một thầy giáo Việt văn mang đến tặng nhà văn Nhất Linh một chai rượu vang Bordeaux quý, loại đắt tiền. Đó là năm bà Tam dừng việc buôn bán ở chợ An Đông, đưa các con lên sum họp, hưởng cái tết Đà Lạt.

Sáng mùng 1, các con mặc quần áo mới chỉnh tề chúc tết, mừng tuổi bố mẹ. Bà Tam dành dụm tiền mới để sẵn trong phong bao đỏ, lì xì cho các con. Có tiền, bọn trẻ túm tụm chơi tam cúc.

Năm đó, ông anh cả Nguyễn Tường Thụy lên Đà Lạt ăn tết một mình theo lời mời của em trai mình, Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam. Hai anh em trong gia đình Nguyễn Tường ngầm hiểu cuộc hội ngộ đầu năm này là để kỷ niệm 10 năm họ từng đến Đà Lạt với vai trò những yếu nhân của phái đoàn VN trong Hội nghị trù bị năm 1946.

Ông Thụy thuê căn phòng ở lầu 2 Hôtel du Parc. Sáng mùng 1, ông mở cửa sổ nhìn sang ban công nơi gia đình em trai mình đang thuê trọ. Hai anh em Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Thụy vẫy tay chào nhau từ 2 ban công đẹp nhất thành phố cao nguyên trong sáng đầu năm.

Đó là cách họ ôn lại kỷ niệm về một sự kiện đánh dấu những sóng gió đặc biệt trong cuộc đời và gia đình.

Buổi sáng sum họp gia đình ngày tết đặc biệt năm đó có một “sự cố” nhỏ: Bà Tam sơ ý làm rơi chai rượu vang quý, vỡ ở phần cổ chai, mảnh thủy tinh lẫn vào trong rượu. Nhất Linh không thưởng thức được một giọt rượu nào từ chai rượu khai xuân ấy vì sợ mảnh thủy tinh còn sót lại, trong khi vợ ông đã dùng phễu lọc rồi cùng các con chia nhau thưởng thức chai rượu quý một cách vô tư.

Ngày tết ẩn cư

Trong hương trầm của giao thừa năm Quý Tỵ (1953), khi nghĩ về sự nghiệp Tự Lực Văn Đoàn, kẻ mất người còn, Nhất Linh viết: “Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là thành lập được Tự Lực Văn Ðoàn và công việc sáng tác. Nhưng Tự Lực Văn Ðoàn không thể để ngừng lại ở một số người cũ và đứng yên; người qua nhưng đoàn phải mới và tiến mãi...”.

Căn nhà tranh bên suối Đa Mê (ở Phi Nôm, cách Đà Lạt 27 km, nay thuộc H.Đức Trọng) mà ông đặt tên là Thanh Ngọc Đình là nơi ông dựng một trại viết nho nhỏ. Những cái tết từ 1957 - 1959, ông cùng các bạn thơ Bùi Khánh Đản, Lê Đình Gioãn thường về Đa Mê ngồi đàm đạo thi ca, tập viết chữ Hán và làm thơ.

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết viết trong cuốn Căn nhà An Đông của mẹ tôi: “Một bức tranh của cha tôi vẽ suối Đa Mê cũng được treo trên vách. Dưới bức họa là 2 câu thơ:

Người đi lâu chửa thấy về

Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn

19-1-59”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.