Những cái tết trong gia đình văn nhân: Tết và những cánh chim lìa đàn

26/01/2022 07:00 GMT+7

Như vướng phải một lời nguyền thiên di, bà Lê Thị Sâm cùng các con lại chuyển lên Hà Nội thuê trọ ở phố Hàng Bún rồi chuyển sang Hàng Bè, và cuối cùng quay về Cẩm Giàng dựng một căn nhà để được có quê.

Nhưng cuộc thiên di của bà Sâm chưa là tất cả...

Hào quang Phong Hóa, Tự Lực Văn Đoàn

Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam bước vào làng văn với tiểu thuyết Nho phong (1924) và Người quay tơ (1927). Những trang đầu của văn nghiệp đầy hứa hẹn. Ông lấy vợ, bỏ dở việc học ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vào Sài Gòn rồi sang Lào vẽ phông cho rạp hát kiếm được một ít tiền, sau đó sang Pháp du học lấy bằng Cử nhân Khoa học.

Trở về từ Pháp, Nhất Linh dạy học ở Hà Nội và lập báo Tiếng Cười; vào năm 1932 thì làm báo Phong Hóa. Năm 1933, ông cùng các anh em mình lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn, gồm: Khái Hưng, Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Nguyễn Gia Trí, sau có thêm Nguyễn Cát Tường (họa sĩ Le Mur).

Nhà văn Thạch Lam (đeo kính đen) và Hoàng Đạo bên các con của Nhất Linh tại trại Cẩm Giàng

Tư liệu

Một lần nữa, các con trong gia đình lại đưa bà Sâm trở lại Hà Nội, trọ trong một căn nhà trên phố Quan Thánh. Báo Phong Hóa làm nên tên tuổi sự nghiệp anh em dòng họ Nguyễn Tường và tạo dựng sức ảnh hưởng lớn của Tự Lực Văn Đoàn trong xã hội. Nhưng họ giao phần kinh doanh quảng cáo cho một người khác, chỉ trong hai năm đã bị thụt két một số tiền lớn.

Về sau, nhà văn Hoàng Đạo về quản lý nhà in, ông Nguyễn Kim Hoàn (chồng bà Nguyễn Thị Thế) về quản lý tiền bạc, còn nhà văn Thạch Lam trông nom tờ báo. Tòa báo lại có lãi lớn, nhà in mở rộng quy mô. Nhưng tinh thần trào phúng của Phong Hóa đã dẫn đến những hệ lụy lớn. Chính quyền thời Pháp thuộc đã ra tay đóng cửa tờ báo vào năm 1936. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn tục bản phụ trương Ngày Nay được 4 năm sau thì tờ này cũng chung số phận với Phong Hóa.

Người mẹ của những văn nhân đã lại chọn Cẩm Giàng làm quê hương. Bà xuống tóc và tu tại gia.

Bìa Giai phẩm Xuân Phong Hóa năm 1935

Tư liệu

Trại Cẩm Giàng thuở yên vui

Cũng đã từng có những khúc nhạc rộn ràng hạnh phúc trong đời sống gia đình Nguyễn Tường. Những ngày giáp tết, họ thuê cả người về nấu cỗ, đêm giao thừa thì đánh trống, đốt pháo tưng bừng. Cái tết của một gia đình trung lưu trí thức được bà Nguyễn Thị Thế nhắc lại đầy sinh động trong cuốn hồi ký: “Những đêm ba mươi trời tối đen như mực, soi bàn tay cũng không thấy, lại thêm mưa phùn gió bấc lạnh căm căm. Anh Tam không thích ngủ trên nhà gạch vì kín và ấm quá không có vẻ quê, nên Tết nào cũng xuống ba gian nhà ngang làm bằng tre lợp rạ, ngoài hiên có mấy tấm dại tre, trải ổ rơm khắp cả, giữa nhà đốt một đống củi to để sưởi, tất cả nhà ngồi quây quần đánh bất (trò chơi bài 36 quân, rút may rủi tính điểm đến 10 - NV) đợi Giao thừa (…).

Các bà nấu cỗ ở mấy gian nhà bếp đèn ba giây sáng trưng, phải nấu cho kịp để mẹ tôi cúng Giao thừa. Cỗ bàn xong bầy lên, mẹ tôi lên lễ bàn thờ rồi ra cúng ngoài trời, nói là cúng các quan giữ việc năm mới (…).

Sáng mồng Một Tết, đèn hương bánh trái cúng xong, tất cả các gia đình đều dậy, vợ chồng con cái ăn mặc chỉnh tề, rửa mặt bằng nước nấu lá mùi cho thơm. Các anh viết lời chúc mẹ tôi, giao cho đứa cháu lớn nhất đọc lên mừng tuổi bà. Đọc xong đốt một tràng pháo dài. Lần lượt con cái dâu rể kẻ ăn người làm trong nhà đều ra chúc mừng. Mẹ tôi đem tiền mới ra mừng tuổi cho tất cả”.

Bìa giai phẩm Xuân báo Ngày Nay năm 1937

Cái tết cuối cùng của Thạch Lam

Đó là cái tết năm 1942, khi Hoàng Đạo bị giam ở Vũ Bản, Nhất Linh phải trôi nổi bên Trung Quốc, thì hai chị em bà Nguyễn Thị Thế và Thạch Lam từ Hà Nội đi tàu về Cẩm Giàng ăn tết cùng mẹ.

Thạch Lam vào thời gian này đã có dấu hiệu của người bị suy nhược vì làm việc quá sức, thể trạng yếu. Tác giả Gió lạnh đầu mùa ngồi bên một lò than hồng, trên chăn dưới đệm, nhưng vẫn than lạnh. Bà mẹ già phải nhóm một đống củi lớn giữa nhà, trải ổ rơm chung quanh để những con cháu xa về được ngồi chụm lại đánh bất đợi giao thừa.

Vẫn một mâm cúng bàn thờ và trời đất. Vẫn đánh trống lễ và đốt trầm hương nghi ngút vào phút chuyển giao năm cũ sang năm mới. “Tết buồn, vắng và cũng là cái tết sau cùng của em Sáu tôi...”, bà Thế viết trong hồi ký.

Sau cái tết đó, Thạch Lam trở về Hà Nội và thường xuyên đau ốm. Vợ ông lại sắp sinh đứa con thứ ba. Khi đứa con trai thứ ba ra đời được ba ngày thì nhà văn trở bệnh nặng và qua đời. Bé trai đó, sau này chính là nhà văn Nguyễn Tường Giang.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.