Dòng họ Nguyễn Tường nổi danh khoa bảng ở đất Hội An xưa. Dòng họ tri thức này được xem là chiếc nôi sinh ra những văn nhân và chính trị gia quan trọng bậc nhất trong lịch sử văn hóa, chính trị Việt Nam thế kỷ XX.
Hồi ký gia đình Nguyễn Tường được làm văn bản từ trên cơ sở ấn bản cùng tên, do Văn Hóa Ngày Nay (Mỹ) xuất bản lần thứ 3, năm 1996, đối chiếu với các bản in khác và bổ sung nhiều hình ảnh tư liệu, bài viết của gia đình tác giả |
P.B |
Là thành viên nữ duy nhất, ít được học hành trong một gia đình mà các anh em trai đều là những trí thức, văn nhân danh tiếng, có thế nói, lịch sử có thể đã lãng quên bà Năm Thế - Nguyễn Thị Thế (thành viên thứ tư trong gia đình Nguyễn Tường ) nếu cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường không được viết ra…
Bà Nguyễn Thị Thế là thành viên thứ năm trong gia đình Nguyễn Tường: Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm (Giám đốc báo Ngày Nay), Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, chủ trương Tự Lực Văn Đoàn; chính trị gia), Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo, nhóm Tự Lực Văn Đoàn), Nguyễn Thị Thế (còn gọi là cô Năm Thế), Nguyễn Tường Lân (nhà văn Thạch Lam, nhóm Tự Lực Văn Đoàn) và Nguyễn Tường Bách (bác sĩ).
Tác giả Nguyễn Thị Thế (1908 - 1997) nguyên quán: Hội An - Quảng Nam; thuở nhỏ sống ở trại Cẩm Giàng, Hải Dương. Sau 1954, bà chuyển vào nam, sống tại Đà Lạt và từ năm 1984 định cư tại Mỹ cho đến khi qua đời |
p.b |
Trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, hồi ức về cuộc thiên di của gia đình Nguyễn Tường từ Hội An đến Cẩm Giàng (Hải Dương), từ Hà Nội vào Nam (Sài Gòn, Đà Lạt) sau những sự kiện lịch sử... được bà Nguyễn Thị Thế viết lại dưới dạng tập hợp chuỗi bài ngắn; xuất bản năm 1974 tại Sài Gòn. Họa sĩ Tạ Tỵ đã đánh giá đây “không những là một tài liệu chính xác nhất về gia đình Nguyễn Tường, nó còn là một cuốn sách văn học được viết ngoài văn chương”.
Cũng trong hồi ký này, độc giả có thể tìm thấy những tư liệu chính xác về: sự thành lập và hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn; những chuyện nhỏ bộc lộ chân dung, tính cách con người Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam (đặc biệt, là Thạch Lam, người em trai rất thân với tác giả) cùng đời văn đầy sóng gió của họ; sự thất bại trong con đường chính trị của Nguyễn Tường Tam và những hệ lụy thê thảm với gia đình ông; những biến cố lịch sử làm nên sự xiêu tán, lưu đày với các thành viên của một gia tộc trí thức...
Sau hai cuốn sách của tác giả Nguyễn Tường Thiết: Nhất Linh, cha tôi và Căn nhà An Đông của mẹ tôi (Phanbook xuất bản năm 2020 và 2021), Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế là một tài liệu văn chương quý giá, qua đó hiểu hơn về “chuyện nhà” của những văn nhân làm nên Tự Lực Văn Đoàn, một gia tộc sinh ra và nuôi dưỡng những hình mẫu trí thức trong một giai đoạn lịch sử đất nước đầy biến động.
Bình luận (0)