Lâu nay, đã có vô số đồn đoán về các căn cứ quân sự bí mật nhất được xây dựng từ thời Liên Xô. Nhiều ý kiến cho rằng một số cơ sở vẫn còn được sử dụng. Tuy nhiên, chính phủ Nga từ chối bình luận về sự tồn tại của chúng, khiến tấm màn bí ẩn ngày càng dày thêm.
Căn cứ tàu ngầm Balaklava
Nằm tại thị trấn Balaklava bên bờ biển Đen ở vùng Crimea, vốn đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014, căn cứ tàu ngầm khổng lồ Balaklava được khởi công từ năm 1957 với mật danh 825 CTS trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ leo thang. Không có cơ sở quân sự bí mật nào của Nga rộng lớn hơn căn cứ Balaklava, vốn bao gồm một kho vũ khí, một trung tâm sửa chữa tàu ngầm và nơi trú ẩn hạt nhân đủ sức chứa 3.000 người.
Theo trang Russia Beyond the Headlines, chỉ nội việc xây dựng một hầm chứa trong căn cứ đã tạo ra khoảng 125 tấn đất đá, xà bần. Để giữ bí mật, đất đá được chuyển lên các sà lan vào ban đêm mang đổ thẳng ra biển. Gần như toàn bộ cư dân ở Balaklava đều làm việc tại căn cứ có thể chứa 14 chiếc tàu ngầm này. Trong thời Chiến tranh lạnh, đây là nơi hoạt động của Hạm đội biển Đen Liên Xô.
Đây là một trong số ít căn cứ “bất khả xâm phạm” của nước này, nằm sâu trong lòng đất để tránh mọi tổn hại từ các vụ nổ hạt nhân lớn. Trang Russia Beyond the Headlines dẫn lời các cựu quan chức Liên Xô cho biết nếu một quả bom nguyên tử 100 kiloton tấn công vào căn cứ, mọi nhân viên làm việc trong căn cứ, tàu ngầm, kho đạn dược vẫn có thể an toàn trước chấn động và phóng xạ. Căn cứ Balaklava vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và đến tận năm 1995 mới đóng cửa. Ngày nay, nơi đây được chuyển đổi công năng thành một bảo tàng về thời Chiến tranh lạnh.
Bộ chỉ huy hạt nhân Ural
Trong danh sách những địa danh quân sự bí ẩn nhất của Liên Xô còn có căn cứ quân sự được xây trong dãy núi Ural, gần TP.Mezhgorye vào những năm 1970. Mặc dù kích thước thực tế vẫn còn là điều bí ẩn song nhiều nguồn tin cho biết căn cứ rộng hơn 1.000 km2, có sức chứa gần 100.000 người. Gần 10.000 lao động đã được huy động xây dựng căn cứ bí ẩn này với 3 cơ sở riêng biệt gồm hầm trữ lương thực, hầm chứa nguyên vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân và hầm trú ẩn cho giới chức cấp cao trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Theo tờ Sovetskaya Rossiya, để phục vụ việc xây dựng căn cứ bí mật, cả một thị trấn đã được hình thành, là nơi cư trú cho công nhân và gia đình. Thậm chí, giới chức Moscow đã cho xây dựng một tuyến đường sắt và đường cao tốc tại đây.
Chỉ đến năm 1992, chính phủ Mỹ mới biết đến sự tồn tại của căn cứ trong rặng núi Ural. Theo tờ The New York Times, đến nay, Moscow vẫn từ chối tiết lộ thông tin cụ thể về hoạt động của căn cứ Ural. Tuy nhiên, giới tình báo và quân sự Mỹ cho rằng đây là địa điểm phát triển, sản xuất vũ khí hạt nhân cũng như thực hiện nhiều chương trình quân sự khác nhằm tránh tai mắt từ các vệ tinh do thám của Washington. Lầu Năm Góc còn tin rằng căn cứ hoạt động như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân của Nga. Các tên lửa đạn đạo được cất giấu tại đây có khả năng vận hành tự động hoặc được điều khiển từ xa, sẵn sàng đáp trả trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Hầm trú ẩn Ramenki
Sự tồn tại của hầm trú ẩn Ramenki đến nay vẫn chưa được xác nhận và các thông tin đa số đến từ tiết lộ của các cựu quan chức Liên Xô rồi Nga. Theo tạp chí Time của Mỹ, cơ sở này được cho là nằm sâu chừng 180 - 200 m trong lòng đất ở thị trấn Ramenki, cách thủ đô Moscow gần 10 km và được dùng làm nơi trú ẩn cho các lãnh đạo Nga cùng gia đình trong những trường hợp khẩn cấp. Giới tình báo phương Tây tin rằng khu phức hợp Ramenki được xây dựng vào giữa thập niên 1960 và khoảng 10 năm sau thì hoàn tất. Nơi đây thật sự là một thành phố thu nhỏ kết nối với nhiều cơ sở ngầm và đủ khả năng cung cấp chỗ trú ẩn cho 15.000 người suốt 30 năm.
Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin cho hay cơ sở Ramenki được kết nối với Metro-2, một hệ thống đường sắt ngầm bí mật nằm sâu 50 - 200 m trong lòng đất được lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin cho xây nhằm nối liền các địa điểm trọng yếu của chính quyền như Điện Kremlin, trụ sở Cơ quan Tình báo Liên Xô (nay là Cơ quan An ninh liên bang Nga) và sân bay chính phủ tại Vnukovo-2.
Nằm song song với hệ thống Metro-1 công cộng (hay còn gọi Moscow Metro), Metro-2 được cho trải dài hàng trăm ki lô mét và có 4 tuyến đường. Giới chức quân sự Liên Xô cho xây Metro-2 nhằm sơ tán an toàn các nhân vật lãnh đạo cấp cao tới trạm chỉ huy ngầm để từ đó, họ có thể điều khiển và ra chỉ thị cho các lực lượng hạt nhân của nước này trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, chính phủ Nga cho đến nay vẫn không xác nhận cũng không phủ nhận sự tồn tại của hệ thống đường sắt này.
“Vùng 51” trên đất Nga
Nếu như Mỹ có Vùng 51, địa điểm quân sự tuyệt mật nằm sâu trong sa mạc Nevada thì Nga cũng sở hữu căn cứ quân sự Zhitkur thuộc bãi phóng Kapustin Yar ở vùng Astrakhan. Từ hàng chục năm qua, Vùng 51 được đồn đoán là nơi Washington tiến hành các thí nghiệm “không tưởng” liên quan đến người ngoài hành tinh. Mãi đến gần đây Lầu Năm Góc mới tiết lộ phần nào rằng nơi này dùng để thử nghiệm các loại máy bay hiện đại.
Tương tự, Kapustin Yar và Zhitkur luôn xuất hiện trên các website về thuyết âm mưu và vật thể bay không xác định. Tuy nhiên, Moscow vẫn im lặng về những gì diễn ra bên trong khu phức hợp bí ẩn này. Theo thông tin tình báo của Mỹ, Kapustin Yar thực chất là bãi thử nghiệm máy bay, tàu vũ trụ, tên lửa cùng nhiều loại vũ khí khác. Tên lửa đạn đạo đầu tiên của Liên Xô chế tạo theo mẫu tên lửa A-4 của Đức đã được phóng tại Kapustin Yar vào tháng 10.1947. Vài năm sau, cụ thể là 1957 - 1961, Moscow tiếp tục thực hiện hàng loạt vụ thử hạt nhân tại đây.
Trong một thời gian dài, bản đồ chính thức của Liên Xô không có tên địa danh này. Tình báo Mỹ và phương Tây chỉ biết đến sự tồn tại của Kapustin Yar từ năm 1953 nhờ thông tin từ các nhà khoa học Đức trở về từ Zhitkur hoặc nhờ các máy bay do thám.
Bình luận (0)