Khi đọc Svetlana Alexievich, tôi nhớ lời nhà văn Lê Thấu một lần từng bảo tôi, khi biết tôi bắt đầu chuyên tâm viết văn, rằng “cháu chỉ cần viết sự thật thôi, sự thật trần trụi cũng được, đã là đẹp lắm rồi”. Văn chương, nào có ý nghĩa gì khác, ngoài việc mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống. Và sự thật mà nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich mang lại cho chúng ta trong tác phẩm Những cậu bé kẽm (do Phan Xuân Loan dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam) là một sự thật khiến ta choáng váng.
Chủ đề của tác phẩm là cuộc chiến tại Afghanistan, mà Liên Xô đưa quân của mình vào nước này để “làm nghĩa vụ quốc tế”. Đội quân ấy gồm những cậu bé Xô Viết mười tám đôi mươi, đẹp rạng ngời trong tâm trí của những người mẹ, và cũng chỉ vừa rời vòng tay ấm áp yêu thương của cha mẹ, người thương để ngỡ ngàng rơi vào một cuộc chiến tranh khốc liệt, với cát bụi, nắng cháy da thịt và bom đạn nổ tung xáo trộn đất trời, khiến những gì đẹp đẽ từng là những chàng trai tuấn tú ấy chỉ còn lại những xô thịt máu lẫn cát nhão đặc như vữa và trở về với mẹ trong những quan tài kẽm đóng chặt. Sự thật ấy kinh hãi tới mức những bà mẹ thoạt đầu đã phải chạy trốn khi nhìn thấy dấu hiệu.
“Buổi sáng tôi đi làm. Vừa xuống thang lầu đã thấy họ trên đường đến gặp tôi. Ba quân nhân và một phụ nữ. Những quân nhân đi trước, mỗi người cầm mũ bằng cánh tay trái hơi gập lại. Vì sao đấy tôi hiểu đó là dấu hiệu của tang tóc”, “Tôi nghe tiếng họ đi theo vào. Tôi trốn vào phòng ngủ. Họ theo sau tôi. Những chiếc mũ trên tay…”.
Làm sao người mẹ đáng thương, người mẹ vĩ đại ấy có thể trốn thoát được cái chết của con mình? Con mẹ đã bỏ thân xác tại Afghanistan. Mẹ không thể tự cứu được mình, bởi sự thật là con mẹ đã chết. Họ mang đến quan tài kẽm, đóng chặt, mà mẹ không được mở ra, dù chỉ để xác tín về cái chết. Người mẹ ấy có quyền nghi ngờ về những gì họ mang đến giấu kín trong quan tài kẽm. Nhưng không người mẹ nào được phép mở ra.
Còn người lính sống sót trở về, họ mang theo sự thật nào? Không phải sự thật là họ làm nghĩa vụ quốc tế theo kiểu giúp người dân Afghanistan dựng xây nhà máy, nông trường, mà là đốt cháy làng mạc, bắn giết những kẻ thù, trong đó có cả trẻ em, người già, lạc đà, chó. Bởi dường như khi một ai đó, một người lính khác bên họ, mà họ vừa kịp kết thân thì đã bị chính kẻ thù đặt mìn làm tan xác, hoặc lẳng lựu đạn trúng, cũng tan xác, vì những người ban ngày, và ma ban tối ở đất nước này, không cần họ, và giết họ. Người lính trẻ, thực chất là những cậu bé bàng hoàng nhận ra rằng người dân ở đây chẳng cần họ đến giúp, thậm chí không biết đến việc họ đến giúp, mà chỉ biết rằng họ là người Nga - kẻ thù, kẻ giết người - và nã đạn, bẫy đá, hay bất cứ gì có thể giết hại người Nga đều được sử dụng. Sự thật ấy khiến họ không còn đường nào khác là bắn giết, với lòng căm thù, như cách người ta nghĩ về họ, với hy vọng có thể được sống trở về với mẹ, với người thương. Nhưng khi trở về được, dù thương tật, hay được lành lặn thể xác, thì cũng vĩnh viễn không thể lành vết thương tâm hồn. Họ không thể trở lại là chính mình như trước nữa, mà đã thành những “người Afghan”, với những ám ảnh về việc mình là kẻ giết người “Chặt làm tư. Kiểu Afghanistan”. Họ, những chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế, từng được coi là anh hùng, khi về nước Liên Xô, có người đã tiếp tục giết người khác bằng rìu, chỉ vì “căm thù cái đứa bị giết đó”. Rồi anh ta ra tòa, ở đó, trên ghế bị can không phải là tội nhân, mà là bệnh nhân. Tại Afghanistan, có một sự thật là anh ta từng giết người anh ta căm thù và trở thành anh hùng kia mà. Làm sao con người có thể sống bình thường mà giấu đi sự thật đó.
“Chúng tôi bao vây một đoàn thương buôn, họ chống cự và nã súng máy. Lệnh ban ra: tiêu diệt cả đoàn. Chúng tôi chuyển sang hủy diệt. Tiếng rống của con lạc đà bị thương cứ neo mãi trên mặt đất. Phải chăng vì điều đó mà chúng tôi được trao huân chương biết ơn của nhân dân Afghanistan?”
Và còn một sự thật khác, sự chuyển biến của người lính khi rơi vào cuộc chiến này, họ không thể là người với chính mình được nữa, khi chính quân ta cũng hành hạ quân mình. “Tôi khổ vì quân ta nhiều hơn, nếu bọn dukh (các tay súng trong nhóm vũ trang Hồi giáo chống chính quyền Kabul trong cuộc chiến tranh Afghanistan từ 1979 - 1992) biến bạn thành một người đàn ông thì quân ta biến bạn thành một đống phân. Chỉ trong quân đội tôi mới hiểu rằng có thể bẻ gãy bất cứ kẻ nào, ranh giới chỉ là phương tiện và thời gian bao lâu cho việc đó. Một “ông nội” - hắn ta mới phục vụ nửa năm - nằm ểnh bụng, chân mang bốt, gọi tôi: “Liếm giày đi, liếm bằng lưỡi cho tới khi sạch bóng. Mày có năm phút.” Tôi vẫn đứng. Hắn ta: “Tóc Hung, lại đây”. Tóc Hung là một cậu trai đến cùng đợt và chúng tôi kết bạn. Hai tên tay sai tiến tới chỗ Tóc Hung và đánh cậu ta túi bụi - tôi thấy họ như muốn nện gãy xương sống cậu. Cậu nhìn tôi. Và tôi bắt đầu liếm giày, để cậu có thể sống mà không tàn phế”. Chỉ có thể giải thích rằng chiến tranh đã cướp đi toàn bộ phần người của họ. Có người đã trở về sau chiến tranh, thân thể lành lặn, nhưng hai năm sau thì treo cổ, có thể bởi lúc ấy mới đủ tĩnh để nghiệm ra con người súc vật thế nào.
Sử dụng thể loại truyện vừa tư liệu, nữ nhà văn Svetlana Alexievich đã để cho “những cậu bé kẽm” tự kể lại sự thật của họ, sự thật họ nhìn thấy, sự thật họ tham gia theo cách của mình, hoàn cảnh của mình vào cuộc chiến tranh Afghanistan. Nhiều giọng điệu khác nhau, nhát gừng, chua chát, mặn đắng nước mắt, hay căm hận, thì đều là những cú đánh thẳng thừng nhất, khốc liệt nhất vào trái tim độc giả, một liệu pháp sốc toàn thân, để chúng ta thức tỉnh và nhận ra rằng, chiến tranh, dù vì bất cứ lý do nào, cũng đều là thứ không thể chấp nhận, không chút nhân tính.
Giải Nobel Văn học cho một nữ nhà văn dũng cảm và sáng tạo như Svetlana Alexievich là xứng đáng. Bà khiến tôi đau đáu tự hỏi, sự thật của chính tôi nằm ở đâu? Và đến bao giờ tôi dám đối diện với sự thật ấy?
Bình luận (0)