Những câu chuyện có thật kiến giải tình yêu, nỗi đau người nhiễm HIV

12/12/2021 17:17 GMT+7

Hơn 1.000 câu chuyện có thật của những người chung sống với HIV được các nghệ sĩ đương đại tái hiện, trưng bày trong triển lãm 'Bảo tàng tan vỡ', thu hút nhiều bạn trẻ đến thưởng thức.

Sáng 11.12, triển lãm nghệ thuật “Bảo tàng tan vỡ” chính thức mở cửa đón khách tham quan tại TP.HCM, sau gần một năm lên ý tưởng và chuẩn bị. Triển lãm là một phần của chiến dịch y tế cộng đồng quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa và điều trị HIV tại Việt Nam do Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y Tế phối hợp thực hiện cùng các đơn vị khác.

Anh Vy trân trọng không chỉ các tác phẩm nghệ thuật mà còn cả những câu chuyện tình yêu của người nhiễm HIV

ngọc long

Bước vào không gian trưng bày, người xem có cơ hội thưởng thức các tác phẩm sắp đặt, trình diễn... của 10 nghệ sĩ đương đại trẻ, mỗi người có một kiến giải riêng về cuộc sống và tình yêu của bệnh nhân HIV xoay quanh chủ đề “Tan Vỡ”.

Nỗ lực hàn gắn những vết thương

Đến với triển lãm từ 8 giờ sáng, Anh Vy (21 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết ban đầu, cô đăng ký tham gia chỉ để thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật thị giác và tìm cảm hứng vì bản thân làm trong ngành sáng tạo, nhưng cuối cùng lại nhận về nhiều hơn thế.

“Em không thể quên được câu chuyện tình yêu của những bạn thuộc cộng đồng LGBT, dung dị có mà đau lòng cũng có. Họ cho em thấy sinh hoạt hằng ngày đầy tình cảm chứ không hề bị ám ảnh bởi bệnh tật của những người phải chung sống với HIV”, Vy nói.

Một trong những tác phẩm sắp đặt tham gia triển lãm là Lưu trữ kỳ lạ #1 (Dành cho tình yêu) của nhóm nhiếp ảnh gia trẻ Beautiful Noise Collective, với các thành viên hiện đang sinh sống ở Việt Nam và Mỹ. Tác phẩm gồm những “hộp” trái tim được làm hoàn toàn bằng chất liệu băng keo trong, qua phương cách in ảnh lên đó.

Tác phẩm sắp đặt của Beautiful Noise Collective làm hoàn toàn bằng chất liệu băng keo trong với thông điệp hàn gắn vết thương lòng

ngọc long

Nhóm giải thích: “Chúng mình dùng việc dán băng keo như một cách thức mang tính chắp vá để thể hiện nỗ lực hàn gắn những vết thương lòng từ những câu chuyện tình yêu tan vỡ. Băng keo trong cũng cho phép các bức ảnh và câu chuyện có thể chèn lên nhau, kết nối những mẩu chuyện và hình ảnh từ những người khác nhau thành những câu chuyện mới, mang tính tập thể hơn”.

Đồng hành cùng Beautiful Noise Collective, triển lãm lần này còn có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ nổi tiếng khác như Fustic Studio, Nam Thi, Tùng Monkey... Tất cả đều sở hữu phong cách nghệ thuật được nhiều bạn trẻ mến mộ, cùng những thành tích ấn tượng cả ở Việt Nam và quốc tế.

Chọn triển lãm nghệ thuật để tiếp cận với nhiều người hơn

Nguyễn Phương Anh, 30 tuổi, Trưởng bộ phận quản lý dự án “Bảo tàng tan vỡ”, cho biết nhóm thực hiện chọn hình thức triển lãm nghệ thuật để truyền thông về phòng, chống HIV vì muốn tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng hơn, đặc biệt là người trẻ đồng thời xây dựng hình ảnh một cộng đồng người nhiễm HIV tươi sáng, lạc quan.

Người trẻ bên cạnh tác phẩm Soi lòng đọc thơ của nhà thơ Nam Thi

ngọc long

Cô chia sẻ: “Chúng mình muốn mang chủ đề này đến công chúng một cách nhẹ nhàng, không phải quá nhạy cảm như mọi người hằng tưởng. Dự án đã gửi lời yêu cầu đến các phòng khám, trung tâm, đối tác là những người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân HIV, và nhận về hơn 1.000 câu chuyện. Từ đó, chúng mình làm việc với những nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau như nhiếp ảnh, thơ văn... để hình thành nên triển lãm này”.

“Tất cả để hướng đến mục tiêu giảm kỳ thị và nâng cao nhận thức rằng việc phòng ngừa, điều trị HIV thật ra vô cùng đơn giản, dễ hơn rất nhiều so với việc tìm được người mình yêu và nuôi dưỡng mối quan hệ đó”, Phương Anh nói thêm.

Để hạn chế khách tham quan trực tiếp, đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, “Bảo tàng tan vỡ” cùng các sản phẩm truyền thông khác còn được trưng bày trên nền tảng internet.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.