Những câu chuyện về Kỳ Ngoại hầu Cường Để và vua Duy Tân: Những tổn thất nặng nề

02/11/2021 06:15 GMT+7

Trong cuộc gặp gỡ giữa hai bên, các chính khách Nhật bày tỏ mối thiện cảm với phong trào giành độc lập cho Việt Nam.

Tuy nhiên, thực lực của chính quyền Đông Kinh lúc bấy giờ sa sút do hậu quả cuộc chiến khốc liệt với Nga nên tự trong thâm tâm các nhà cách mạng Việt Nam cho rằng sự học hỏi, rèn luyện thêm vẫn là điều cốt yếu.

Giai đoạn này, phong trào Đông Du được cổ súy nồng nhiệt, thanh niên Việt Nam xuất dương sang Nhật học rất nhiều. Bản thân Kỳ Ngoại hầu Cường Để cũng vào học tại Chấn Võ lục quân học hiệu (1907), nơi người thanh niên Lương Lập Nham (Lương Ngọc Quyến) cùng vài người khác đã nhập học từ trước.

Biến động “Loạn đầu bào”

Năm 1908, trong nước nổi lên hai sự kiện quan trọng, đó là cuộc kháng thuế miền Trung vào tháng 3 và vụ Hà thành đầu độc vào tháng 6. Vụ trước bùng lên khắp Quảng Nam sau một thời gian dài âm ỉ, bằng các buổi diễn thuyết của các nhân sĩ yêu nước, kêu gọi đồng bào phản kháng lại chính sách sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp. Người biểu tình chịu ảnh hưởng bởi phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh cổ súy đã chặn đường dân làng, đè ra cắt tóc khiến nhiều người bị cắt tóc xong trốn biệt trong nhà vì sợ bị chính quyền kết tội. Cũng vì thế, vụ kháng thuế này còn được gọi là “Loạn đầu bào”. Hậu quả của biến động trên là các nhân sĩ cách mạng lừng lẫy như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… đều bị bắt giữ và lưu đày Côn Lôn (Côn Đảo).

Kỳ Ngoại hầu Cường Để (đứng) và nhà cách mạng Phan Bội Châu

chụp năm 1907

Vụ thứ hai có sự kết hợp của đảng Nghĩa Hưng của Hoàng Hoa Thám, được trù liệu tỉ mỉ từng bước, trong kế hoạch đầu độc mấy trăm lính Pháp đồn trú tại Hà Nội để sau đó nghĩa quân Hoàng Hoa Thám tổ chức đánh úp. Tất cả những hoạt động này nhằm vào việc tôn vinh hai nhân vật lãnh đạo các phong trào kháng chiến là Kỳ Ngoại hầu Cường Để và cụ Phan Bội Châu (còn có tên Phan Sào Nam). Kế hoạch đầu độc được thực hiện trót lọt, song có lẽ thức ăn cho lính Pháp không đủ độc tính nên hầu hết chỉ bị ngộ độc nhẹ. Sự tổn thất của các thanh niên yêu nước trong vụ đầu độc này vô cùng to lớn, hàng trăm người bị xử chém hoặc lưu đày…

Ngoài những thất bại trên, kế hoạch vận động nước ngoài giúp đỡ cách mạng Việt Nam cũng gặp những khó khăn. Đó là việc hai chính phủ Pháp và Nhật ký một hiệp ước tôn trọng lãnh thổ và quyền lợi của nhau (10.6.1907), vì thế vào năm 1909, Pháp thường xuyên nhắc nhở phía Nhật tuân thủ hiệp ước, trong đó có việc phải trục xuất các nhà chính trị và du học sinh Việt Nam khỏi nước Nhật. Phong trào Đông Du tan rã từ đó. Bản thân Kỳ Ngoại hầu Cường Để phải lánh qua nhiều lãnh thổ khác nhau như Xiêm (Thái Lan), Hồng Kông, Trung Quốc... để tiếp tục cuộc vận động của mình.

Năm 1910 đánh dấu một tổn thất nặng nề cho phong trào kháng chiến chống Pháp khi chiến khu Yên Thế của Hoàng Hoa Thám bị Pháp san bằng, Đề Thám phải ẩn lánh trong rừng và mất 3 năm sau đó do sự phản trắc của thuộc hạ cũ là Lương Tam Kỳ.

Các thanh niên yêu nước bị bắt trong vụ Hà thành đầu độc năm 1908

ảnh do P.Dieulefils chụp

Bản án tử hình khiếm diện

Vào khoảng thời gian trên, Việt Nam Quang phục hội (VNQPH) đẩy mạnh hoạt động, thành lập Dân quốc Việt Nam, suy cử Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm Tổng thống, cụ Phan Bội Châu làm Phó tổng thống kiêm Tổng trưởng Ngoại giao, cụ Nguyễn Thượng Hiền (con rể Tôn Thất Thuyết) làm Tổng trưởng Tài chánh, với hai cố vấn là Tôn Thất Thuyết (đang sống lưu vong ở Quảng Châu) và Nguyễn Thiện Thuật (đang sống ở Quảng Châu) - theo Trần Huy Liệu trong Việc ông Phan Bội Châu, Sài Gòn 1926, tr.10.

Song về sau, không thấy thêm tin tức về chính phủ non trẻ này. Vào những năm 1912 - 1913, khuynh hướng bạo động bộc phát, phần lớn dưới danh nghĩa hai nhân vật cách mạng tiêu biểu là Kỳ Ngoại hầu Cường Để và Phan Bội Châu. Theo tờ Le Colon français số ra ngày 15.6.1929: Vào năm 1913, tại Nam Định, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut từng bị ám sát bằng một quả bom, song may cho ông ta là quả bom đã không nổ. Ngoài thất bại trên, hai cuộc mưu sát khác đạt được thành công nhất định. Vụ thứ nhất do một thanh niên yêu nước tên Phạm Văn Tráng thực hiện vào ngày 12.4.1913, giết chết Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn - một quan lại phục vụ đắc lực cho quyền lợi của thực dân Pháp. Vụ thứ nhì do Nguyễn Khắc Cần thực hiện ngày 26.4.1913, sát hại 2 sĩ quan Pháp là Mongrand và Chapuis tại Hanoi hotel. Trong vụ này, tờ báo Pháp Le Radical số ra ngày 10.5.1913 đăng tin đã bắt giữ được thủ phạm các vụ ném bom và trưng hình Kỳ Ngoại hầu Cường Để với ám chỉ ông là người có dính líu đến các vụ khủng bố trên.

Khi xảy ra vụ ném bom, Kỳ Ngoại hầu Cường Để đang có mặt ở Nam kỳ, ông ẩn lánh kỹ, không bị lọt vào mắt của mật thám Pháp; còn cụ Phan Bội Châu thì ở ngoài nước. Song cả Kỳ Ngoại hầu và cụ Phan Bội Châu đều bị tòa án của thực dân Pháp kết án tử hình khiếm diện. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.