Đến khu B, Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM vào buổi trưa 1.11, không gian yên tĩnh tại đây gợi cho người viết nhiều kỷ niệm thời sinh viên. Bất chợt, những bóng dáng "ninja" trùm kín chạy vút, họ băng qua các tòa nhà, hối hả di chuyển dưới trời nắng gắt. Mỗi chuyến xe chở đầy cơm và nước uống, được giao tận tay cho các sinh viên sống tại đây. Hỏi ra, tôi mới biết những bạn trẻ này là những "shipper nội bộ" (sinh viên) đang tận dụng giờ nghỉ trưa để kiếm thêm thu nhập chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ. Dù phải đối mặt với trời nắng chói chang và những khó khăn, vất vả do đặc thù công việc nhưng họ vẫn kiên trì làm.
Shipper thì phải chấp nhận vất vả…
Đó là câu trả lời của Huỳnh Quốc Thái, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, khi được hỏi: "Tại sao bạn lại chọn công việc vất vả như vậy?". Chia sẻ thêm về lý do này, Thái cho biết: "Mình quyết định đi làm để kiếm thu nhập và có thêm trải nghiệm. May mắn thay, công việc giao hàng lại khớp với giờ nghỉ trưa, nên mình có thể tận dụng khoảng thời gian này mà không ảnh hưởng quá nhiều đến lịch học".
Thái cũng chia sẻ thêm rằng hiện nay nhiều sinh viên ngại ra ngoài mua đồ ăn, đặc biệt là trong những ngày nắng gắt, nên họ có xu hướng đặt đồ ăn qua các hội nhóm Facebook để được giao tận tòa. "Vì chỉ có sinh viên ở ký túc xá mới được ra vào cổng. Do đó, các quán bên ngoài thường thuê sinh viên đang sống trong KTX để làm công việc giao hàng", Thái nói.
Cũng làm công việc giao hàng được hơn 3 tuần, Đỗ Thành Đạt, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết giờ làm sẽ chia thành 2 ca cố định: ca trưa (10 giờ - 13 giờ) và ca tối (17 giờ - 20 giờ). Đạt sẽ linh hoạt đăng ký cho phù hợp với lịch học.
"Mỗi buổi giao hàng, mình giao khoảng 50 đến 70 đơn, chia thành 5 đợt. Mình nhận đơn hàng từ chủ quán rồi phân loại theo từng tòa nhà. Sau đó, mình bắt đầu gọi tất cả mọi người, xong thì chạy giao lần lượt các tòa. Khi giao hết 1 đợt, mình quay lại vị trí nhận hàng và nhắn cho chủ mang đơn tiếp theo ra để giao tiếp, 1 đợt giao thường tốn khoảng 30 phút", Đạt chia sẻ.
Nói về những khó khăn trong công việc, Đạt cho biết là áp lực về thời gian. "Lúc gọi mình có lưu ý các bạn thời gian xuống tòa để nhận đơn. Tuy nhiên, lúc tới nơi thì không thấy các bạn, việc này sẽ làm trễ đến những đơn khác. Nhiều bạn vì đợi lâu nên có thái độ và lời lẽ không lịch sự, thậm chí là bom (không nhận) hàng luôn", Đạt kể lại.
Không chỉ đối mặt với áp lực về thời gian, nhiều bạn còn bày tỏ lo ngại về thời tiết. Nguyễn Quốc Nam, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết những tháng vào đợt nắng gắt, việc giao hàng trở nên rất mệt, có lúc toát mồ hôi ướt đẫm cả áo. Ngược lại, những lúc trời mưa thì Nam cũng phải dầm mưa để hoàn thành công việc. "Việc chạy xe nhanh để kịp các đơn hàng đôi lúc khiến mình vô tình bị va quẹt và làm trầy xe nhẹ nhưng vẫn cố gắng làm", Nam bộc bạch.
Trưởng thành hơn qua từng đơn hàng
Tuy vất vả, nhiều "shipper thời vụ" vẫn cho rằng việc kiếm thêm thu nhập là cần thiết để trang trải sinh hoạt phí hàng tháng mà không phải phụ thuộc vào gia đình. Nguyễn Quốc Nam cho biết: "Nếu làm đều đặn, mỗi tháng mình cũng kiếm được khoảng 2 triệu đồng. Hơn nữa, chủ quán còn bao cơm nên mình cũng tiết kiệm được phần nào".
Bên cạnh thu nhập, Nam chia sẻ công việc này còn giúp bản thân nhạy bén, xử lý tình huống nhanh hơn, biết được nhiều chuyện trong cuộc sống và cải thiện kỹ năng giao tiếp. "Nếu chỉ đi học ở trường, chắc mình sẽ không được lanh lợi như bây giờ", Nam vui vẻ chia sẻ.
Cùng cảm nhận trên, Huỳnh Quốc Thái, cho biết có những khoảnh khắc làm việc khiến bạn cảm thấy được ghi nhận. "Đôi lúc, khi giao hàng, có những bạn sinh viên rất dễ thương, họ luôn nói cảm ơn và nhắc mình phải chạy xe cẩn thận nữa. Những lời động viên như vậy không chỉ giúp mình quên đi sự mệt mỏi mà còn tiếp thêm động lực để mình tiếp tục công việc này", Thái vui vẻ chia sẻ.
"Nhờ vào công việc giao hàng này, mình có cơ hội trải nghiệm nhiều tình huống thực tế và giao tiếp với mọi người, từ đó trưởng thành hơn trong cách ứng xử", Thái cho biết. Vất vả kiếm tiền giúp Thái học được sự kiên nhẫn, chi tiêu tiết kiệm, biết cách hạ cái tôi và thông cảm hơn với những người lao động. "Có lẽ sau này, khi ra trường, mình sẽ tìm được một công việc ổn định và đỡ vất vả hơn bây giờ, nhưng bản thân rất quý những trải nghiệm hiện tại", Thái bộc bạch.
Bình luận (0)