Những câu hỏi còn bỏ ngỏ sau vụ nổ làm sập cầu Crimea

10/10/2022 12:40 GMT+7

Hầu hết bằng chứng chỉ ra khả năng lớn nhất là một xe bom đã gây ra vụ nổ cầu dẫn đến Crimea, trong khi Ukraine chưa từng công khai thừa nhận đứng sau sự việc.

Vụ tấn công cầu Kerch kết nối đất liền Nga với bán đảo Crimea đã gây kinh ngạc cho cả Nga lẫn Ukraine về quy mô và mức độ tinh vi, khiến các chuyên gia băn khoăn không biết ai đứng sau vụ nổ và sự việc đã diễn ra như thế nào.

Từ xe bom đến tấn công dưới nước, các chuyên gia quân sự và giới phân tích đã đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra vụ nổ hôm 8.10 trên cây cầu đường bộ song song đường sắt dài 19 km, dù phát hiện của họ chưa phải là kết luận cuối cùng.

"Còn quá sớm để xác định nguyên nhân của vụ nổ dựa trên các thông tin công khai", ông NR Jenzen-Jones, chuyên gia về vũ khí và đạn dược tại Armament Research Services, cho biết trên Financial Times.

Cầu Kerch nhìn từ trên không sau vụ tấn công

maxar

Cây cầu là một trong những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, có ý nghĩa tượng trưng cho sự kiểm soát của Moscow đối với bán đảo mà họ đã sáp nhập từ Ukraine năm 2014. Song đây cũng là nỗi ám ảnh đối với người Ukraine. Ông Viktor Andrusiv, người từng là cố vấn tại Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết ông từng là thành viên của một nhóm chuyên trách, bao gồm quân đội, nghiên cứu các phương án khả thi để phá hủy cầu Kerch.

"Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, không hề dễ dàng chút nào. Cây cầu được bảo vệ rất tốt - từ trên không, từ dưới biển, từ mặt đất", ông Andrusiv, người đã công khai kêu gọi phá hủy cây cầu trong nhiều tháng, cho biết.

Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine cho nổ cầu Crimea

Tấn công bằng tên lửa?

Hầu hết các chuyên gia quốc phòng cho rằng kiểu tấn công này khó có thể xảy ra. Cây cầu nằm ngoài tầm bắn của hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng đã cảnh báo Kyiv không được sử dụng HIMARS để tấn công cây cầu, theo một quan chức Mỹ và một quan chức Ukraine.

Song hồi tháng 4, hai tên lửa diệt hạm Neptune do Ukraine tự chế tạo đã được sử dụng để tiêu diệt Moskva, soái hạm của hạm đội Biển Đen của Nga. Điều này cho thấy khả năng của Ukraine trong việc sử dụng hiệu quả hình thức không kích này nhằm vào Nga, mặc dù ở khoảng cách ngắn hơn.

Theo giới phân tích, những vụ tấn công chính xác đáng ngạc nhiên đó cho thấy các đồng minh phương Tây có thể đang hỗ trợ kỹ thuật để tinh chỉnh vũ khí của Ukraine. Cho đến nay, phương Tây vẫn chưa cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa tầm xa hơn do Mỹ sản xuất có thể bắn từ HIMARS, như lời kêu gọi của Kyiv.

Cầu Kerch bắc qua eo biển Kerch, kết nối đất liền Nga với bán đảo Crimea

The New York Times

"Kiểm tra xem trời có nhiều mây - sấm sét, mưa - hay không?", một quan chức phương Tây cho biết, khi được hỏi điều gì đã làm sập một đoạn của cầu Kerch. Quan chức này có thể ám chỉ Grim2, một tên lửa có tầm bắn lên tới 500 km theo lý thuyết, đã được Ukraine phát triển trong nhiều thập kỷ.

Grim, cũng như tên trước đó của tên lửa này, Grom, là những từ chỉ sấm sét trong tiếng Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng mô tả thời tiết ở Crimea là "nhiều mây" trong bài phát biểu hàng đêm của ông hôm 8.10.

Xe bom gây ra vụ nổ?

Giả thuyết phổ biến nhất hiện nay là vụ nổ xuất phát từ một chiếc xe tải màu trắng được xác định trong các video trên mạng. "Có thứ gì đó trong chiếc xe tải đã phát nổ", một kỹ sư kết cấu, hiện đang làm việc cho một đơn vị chuyên môn của quân đội Ukraine, cho hay sau khi phân tích các video.

Một quả cầu lửa xuất hiện ngay khi chiếc xe tải đi song song với một đoàn tàu chở nhiên liệu trên cầu đường sắt bên cạnh. Nếu đây là một vụ xe bom, kỹ sư trên nói rằng điều này có thể cho thấy chiếc xe được theo dõi từ trên không hoặc bởi một phương tiện khác mà phi công hoặc tài xế có thể điều chỉnh thời gian tối ưu để kích nổ. Các nhà điều tra Nga cho biết 3 người đã thiệt mạng trong vụ nổ, nhưng không rõ họ là người tham gia hay là người qua đường vô can.

Rộ lời kêu gọi Nga đáp trả sau khi cầu Crimea nghi bị Ukraine tấn công

Ông Serhiy Kuzan, một cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, không đồng tình với nhận định trên, chỉ ra hai vụ tấn công liền kề trong phân tích của ông về các video được đăng tải công khai. "Chúng tôi thấy rằng công trình hỗ trợ xây dựng cầu đường bộ bị phá hủy ở hai địa điểm", ông nói, và cho biết việc quy trách nhiệm cho chiếc xe tải cho phép Nga tuyên bố đây là hành động khủng bố chứ không phải là một vụ tấn công quân sự có chủ đích.

Song ông Andrusiv cũng đi đến kết luận tương tự như kỹ sư trên. "Đó là một vụ xe bom và rất có thể, chiếc xe tải cũng đang chở hóa chất dùng trong nông nghiệp", ông nói, cho rằng quy mô của vụ nổ được khuếch đại bởi thứ mà chiếc xe chở.

Tấn công từ dưới nước?

Mức độ mờ nhòe của các video có sẵn đã dẫn đến nhiều giả thuyết khác nhau, ít hợp lý hơn. Một số video dường như cho thấy một con tàu đang di chuyển dưới cây cầu vào thời điểm vụ nổ xảy ra. "Có thể là vụ nổ xuất phát từ một con tàu được điều khiển từ xa với cảm biến kích nổ khi tàu đi qua bên dưới một cấu trúc?" OSINT Amateur, một nhóm điều tra dựa vào nguồn mở, nói trên Twitter.

Tuy nhiên, một bức ảnh chụp mặt dưới của cây cầu bị sập, cũng được chia sẻ trên mạng xã hội, cho thấy không có vết cháy hoặc vụn kim loại vốn thường được xem là bằng chứng cho một vụ nổ xuất phát từ mặt nước.

Các bức ảnh về một tàu không người lái dạt vào bờ biển Crimea, từng được chia sẻ trên mạng xã hội vào đầu năm nay, cho thấy Ukraine có thể có năng lực thực hiện một vụ tấn công từ dưới nước.

Ai thực hiện vụ tấn công?

Các chuyên gia quân sự tin rằng các cơ quan tình báo của Ukraine rất có thể là nhánh trong bộ máy an ninh của Kyiv đã thực hiện vụ tấn công.

Ông Andrusiv cho biết nhóm chuyên trách mà ông từng là thành viên đã xem xét các phương án tấn công bao gồm tên lửa, máy bay không người lái, tàu không người lái, thuyền tàng hình và xe bom. Tên lửa của Ukraine không có độ chính xác ở tầm bắn đó, và các lựa chọn khác cần có vũ khí chuyên dụng mà họ không có. Họ đã không đưa ra được kết luận.

Cầu Kerch vào năm 2019

reuters

Một cố vấn phương Tây nói các cơ quan tình báo của Ukraine vừa có các khả năng giống NATO vừa có sự bí hiểm kiểu Mossad (tình báo Israel) khi tiến hành các hoạt động bí mật trong cuộc xung đột đã kéo dài 7 tháng với Nga. Việc này bao gồm các chiến dịch đặc biệt nằm sâu trong vùng bị chiếm, sử dụng lực lượng tinh nhuệ.

Song chiến lược lan truyền thông tin sai lệch, né tránh và phản bác từ Ukraine và các đồng minh về vụ tấn công táo bạo cho phép họ gieo rắc thông tin sai lệch hoặc ít nhất là sự nhầm lẫn - và khiến Điện Kremlin, cũng như các blogger quân sự có ảnh hưởng và người dẫn chương trình truyền hình "diều hâu", phải tiếp tục đồn đoán về khả năng của Ukraine.

Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Zelensky, thậm chí còn cho rằng cuộc đấu đá nội bộ giữa các trung tâm quyền lực khác nhau ở Moscow đã đến đến vụ tấn công. "Đây là biểu hiện cụ thể về sự xung đột giữa một bên [là cơ quan tình báo] và bên còn lại [quân đội]", ông nói.

Để minh chứng, ông chỉ ra việc chiếc xe tải được nhìn thấy trong video chạy từ Nga đến Crimea. "Công tác hậu cần để thực hiện vụ nổ... tất cả những điều này rõ ràng chỉ ra dấu vết của Nga", ông nói.

Tổng thống Putin cuối ngày 9.10 nói "không nghi ngờ gì" về việc Ukraine đứng sau vụ nổ, gọi đây một vụ tấn công khủng bố.

Nhà phân tích Jenzen-Jones cho rằng thông điệp mà vụ tấn công gửi đi mạnh hơn tác động vật lý của nó vì dường như chỉ một trong hai làn đường sắt bị phá hủy.

"Nếu thiệt hại đối với cầu Kerch thực sự là xuất phát từ một cuộc tấn công của Ukraine, đây là một thắng lợi về tuyên truyền hơn là một thắng lợi về hoạt động", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.