Những câu hỏi lần đầu xuất hiện trong đề thi THPT quốc gia

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/04/2018 15:40 GMT+7

Tại cuộc gặp mặt báo chí thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo), đã chia sẻ nhiều thông tin cụ thể về cách thức ra đề thi.

Nội dung chương trình lớp 11 chiếm khoảng 20%
 Tại buổi trao đổi, phóng viên Thanh Niên nêu những băn khoăn, lo lắng của học sinh, giáo viên và các nhà trường về mức độ khó và dàn trải của đề thi năm nay, sau khi tiến hành ôn tập và thi thử theo đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Về vấn đề này, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo), cho biết Bộ chỉ công bố duy nhất 1 lần đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2018 vào tháng 1 vừa qua.
Ngoài lắng nghe phản ánh thông tin từ các phương tiện truyền thông, ông Hồng cho biết, Bộ cũng luôn tiếp nhận thông tin phản hồi từ hệ thống các sở giáo dục - đào tạo đề tham khảo.
Kỳ thi THPT quốc gia khi xây dựng phương án thi để công bố rộng rãi, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nói rõ đây là kỳ thi với 2 mục đích: thứ nhất là để xét tốt nghiệp THPT và thứ 2 là để sử dụng dữ liệu hoặc có thể sử dụng dữ liệu của kỳ thi để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Vì thế, đề thi phải bám vào 2 mục đích trên. Riêng đối với cấu trúc đề thi vẫn không có gì thay đổi so với các năm trước, nghĩa là tỷ lệ kiến thức cơ bản vẫn chiếm khoảng 60% và 40% còn lại là phần kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh. Khác với năm 2017, đề thi năm 2018 có thêm phần nội dung chương trình của lớp 11.
Ngay từ đầu năm học, Vụ Giáo dục trung học đã có công văn hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia 2018, trong đó nêu rõ nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.
Căn cứ đề thi tham khảo thì có thể thấy, phần nội dung chương trình của lớp 11 chiếm khoảng 20%, còn lại là nội dung của lớp 12. Như vậy, điều này là phù hợp với công văn hướng dẫn ôn tập của Bộ Bộ Giáo dục - Đào tạo trước đó.
Ông Hồng cũng nhấn mạnh đến mục đích của việc công bố đề thi tham khảo. Thứ nhất là định hướng nội dung ôn tập, căn cứ vào đó để các trường hình dung việc ôn tập sát với yêu cầu của đề thi vì năm nay có điểm mới là có thêm phần nội dung của chương trình lớp 11. Đúng là phần nội dung chương trình lớp 11 trong đề thi sẽ không có giới hạn ở phần nào và học sinh lớp 12 trên toàn quốc sẽ phải học ôn như vậy và khó khăn, thuận lợi nếu có thì là những khó khăn, thuận lợi chung chứ không rơi vào nhóm đối tượng học sinh nào.
Mục đích thứ hai hết sức quan trọng nữa của việc công bố đề tham khảo, theo ông Hồng, là để tiếp nhận ý kiến phản hồi của giáo viên, học sinh các nhà trường để đến khi xây dựng đề thi chính thức sao cho phù hợp nhất. 
Bắt đầu xuất hiện những câu hỏi định hướng thực hành, thí nghiệm
Ông Hồng cũng cho biết, từ năm 2017 có điểm khác biệt khi xây dựng đề thi. Đó là, đề thi chỉ được xây dựng khi hội đồng làm đề thi đã được cách ly hoàn toàn. Hiện nay, Cục Quản lý chất lượng đang thử nghiệm định hướng cho câu hỏi thi, chọn mẫu, định cỡ cho các câu hỏi thi để làm nguồn cho hội đồng ra đề thi (sau khi đã được cách ly) sử dụng.
"Trước đây, cũng có nguồn ngân hàng câu hỏi nhưng chưa có phần thử nghiệm, chuẩn hóa và định cỡ. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành chọn mẫu giữa các trường THPT trên cả nước để làm sao câu hỏi thi sát thực với năng lực của các em về độ khó, dễ. Vì kỳ thi có hai mục đích như đã nói ở trên nên chúng tôi sẽ phải tính toán làm sao để phù hợp với yêu cầu cơ bản, vừa đảm bảo yêu cầu phân hóa học sinh”, ông Hồng cho biết. 
Theo ông Hồng, đề thi có 4 nhóm cấp độ, từ cấp độ dễ - trung bình - tương đối khó - khó. Các nhóm câu hỏi trong đề thi sẽ được sắp xếp lần lượt theo 4 cấp độ đó. Thí sinh nên làm tuần tự từ đầu đến cuối đề thi để sử dụng thời gian làm bài một cách tối ưu nhất.
Ông Hồng thông tin thêm một điểm đặc biệt nữa trong kỳ thi năm nay là đề thi các môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) thì những câu hỏi khó sẽ yêu cầu đánh giá độ khó về bản chất, hiện tượng chứ không phải khó về tính toán.
Một điểm nữa là đề thi ở các môn lý, hóa, sinh năm nay bắt đầu xuất hiện những câu hỏi về thí nghiệm. Định hướng của cách ra đề như vậy là nhằm tác động trở lại quá trình dạy học. Nếu các nhà trường bỏ qua hoặc không coi trọng khâu thực hành, thí nghiệm cho học sinh thì đi thi sẽ khó khăn hơn. "Tất nhiên, năm nay chỉ bắt đầu xuất hiện những câu hỏi mang tính định hướng thí nghiệm, thực hành để dần dần “bám” vào mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng đánh giá năng lực người học", ông Hồng cho biết.
Để rõ hơn nội dung này, ông Hồng nêu ví dụ, với môn toán, không chỉ rèn cho học sinh thuộc lòng các bước giải một bài toán nên đề thi năm nay sẽ bắt đầu xuất hiện một số câu hỏi hỏi về lý thuyết toán, yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất chứ không phải chỉ những câu hỏi theo dạng “bước 1 chuyển vế, bước 2 chuyển dấu và bước 3 là ra kết quả”. "Lộ trình dần dần để làm sao đánh giá năng lực toán học của các em", ông Hồng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.