Những cầu treo nguy hiểm ở Tây Nguyên

14/07/2011 00:10 GMT+7

Mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại, hai cây cầu treo sơ sài ở huyện Chư Pah và Mang Yang (Gia Lai).

Cầu treo nối hai làng Kon Sơ Lăl và Kon Măh, xã Hà Tây, H.Chư Pah tồn tại từ nhiều năm nay. Gọi là cầu nhưng thực chất, đó chỉ là những đoạn dây sắt dài được đan sơ sài, giữ cố định hai đầu trên suối Đăk Pơ Tâng, bên dưới lát bằng nhiều tấm ván để đi lại với độ dài khoảng hơn 25m. Hai bên thành cầu là những đoạn “rào” chắn bằng những thanh sắt mỏng manh. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người qua lại trên cây cầu chênh vênh này.

Nguy hiểm hơn, nhiều trẻ em thường chọn cầu treo làm chỗ vui đùa. Nhiều đứa trẻ chạy đuổi bắt trên cầu mà dường như chẳng hề ý thức mối nguy hiểm đang lơ lửng trên đầu.  Với khoảng 200 hộ dân, lưu lượng người qua cầu hằng ngày là không ít.

Ngoài ra, còn những người mua bán từ ngoài huyện vào vẫn chọn cách đưa hàng bằng xe gắn máy qua cầu cho tiện. Sự nguy hiểm luôn thường trực như thế nhưng chưa thấy có cảnh báo gì để tránh tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chị Trần Thị Hoa, một người hay vào khu vực này buôn bán kể: “Dù có đường đi hẳn hoi nhưng vì phải đi vòng nên nhiều người trong làng chọn lối này. Mùa mưa nước suối chảy ghê lắm, lỡ trượt chân rơi xuống là chỉ có thiệt mạng”.     

Một cây cầu khác được bắc qua sông Ayun, nối làng Alao ra xã Hà Ra của huyện Mang Yang cũng ẩn chứa nguy hiểm. Để ra thị trấn Kon Dơng, nhiều người dân trong làng thay vì đi vòng chừng 10 km để ra trung tâm xã Lơ Pang rồi đi tiếp chừng đó cây số nữa để ra thị trấn, đã chọn cách đi cầu treo để rút ngắn quãng đường xuống còn một nửa. Nhiều người dân phóng xe máy vù vù qua cầu trong sự rung lắc khá mạnh, có lẽ người nhát tay lái không hề dám thử. Anh Yung, một người trong làng chở theo một bà mẹ vừa phóng khá nhanh qua cầu, nói: “Chạy qua cầu cũng sợ chớ. Nhưng chạy chậm thì cầu rung, nguy hiểm nên phải chạy nhanh!” .

Cây cầu này cũng dài chừng 30m với nhiều tấm ván khá mỏng lát trên cầu đã có dấu hiệu chịu tải kém. Nếu một hai tấm ván trên cầu không chịu nổi lực khi xe chạy qua và bị gãy, không biết hậu họa sẽ đến mức nào. Mặt khác, Tây Nguyên đang mùa mưa, khu vực này vẫn còn chưa có đường bê tông nên việc qua cầu bằng xe gắn máy càng nguy hiểm hơn. Bởi xe máy khi dính đất đỏ vào bánh rất trơn. Chỉ cần sơ suất nhỏ thì tai họa xảy ra là khó tránh khỏi. 

Theo Sở Giao thông vận tải Gia Lai, hai cây cầu treo trên không có trong danh sách quản lý do đó không có một cảnh báo nguy hiểm nào từ phía cơ quan chức năng cũng như sẽ không có sự đầu tư nâng cấp để bảo đảm an toàn.

Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.