Các tỉnh ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và ở nhiều nơi, người dân vẫn còn phải đi lại những cây cầu tạm bợ, có tải trọng thấp. Thực trạng này khiến điều kiện đi lại, giao thương kinh tế ở các địa phương hứng chịu nhiều bất lợi.
Với sứ mệnh chung mà Báo Thanh Niên luôn tâm niệm: "Hào hiệp - Tử tế - Nhân văn - Tin cậy", Công đoàn, Liên chi hội Nhà báo Báo Thanh Niên đã vận động các nhà tài trợ cùng xây những chiếc cầu bê tông trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân ở miền Tây sông nước.
NHƯ MỘT GIẤC MƠ
Trở lại khu vực ấp Bình Thạnh, xã Bình Thạnh Trung (H.Lấp Vò, Đồng Tháp) những ngày cuối năm 2023, chúng tôi vô cùng phấn khởi khi thấy diện mạo nông thôn nơi đây đã khởi sắc, xe ô tô có thể đi vào tận ngõ nhà dân, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên. Hạnh phúc hơn nữa, Báo Thanh Niên đã góp phần nhỏ mang đến niềm vui, chung tay vào sự phát triển cho vùng quê này.
Năm 2021, nhận thấy thực trạng hàng trăm hộ dân khu vực ấp Bình Thạnh chỉ có thể vận chuyển hàng hóa bằng xe máy qua cây cầu gỗ có từ 16 năm trước bắc ngang kênh 2 Tháng 9, đã trở nên thiếu an toàn, xuống cấp nghiêm trọng, Công đoàn Báo Thanh Niên với sự đồng hành từ Công ty CP Kỹ thuật & Xây dựng Handong (Bình Dương) cùng Công ty TNHH Trường Thắng (An Giang) đặt kế hoạch xây dựng cầu mới thay thế. Đúng "chất" hào sảng của người miền Tây, chính quyền và nhân dân địa phương cùng tham gia hỗ trợ giúp công trình hoàn thành theo kế hoạch.
Ngày 21.1.2022, lễ khánh thành cầu Thanh Niên - Handong bằng bê tông dài 28 m, rộng 4,4 m, tải trọng 5 tấn với tổng kinh phí 528 triệu đồng được tổ chức trong niềm vui khó tả của người dân địa phương.
Nhìn cây cầu vững chắc, rộng rãi sau gần 2 năm hoạt động, ông Dương Văn Khiết (68 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh Trung, H.Lấp Vò) xúc động: "Từ lâu, người dân ở đây rất mong chờ có cầu bê tông bắc qua kênh 2 Tháng 9 để vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế. Chúng tôi rất may mắn khi có Báo Thanh Niên hỗ trợ vận động kinh phí xây cầu cho địa phương. Từ khi có cầu, nhiều hộ dân đã sắm ô tô, xe tải… Giờ ô tô 15 chỗ cũng đến được tận nhà như một giấc mơ vậy".
Ông Trần Minh Hoàng (53 tuổi) thì hào hứng kể bà con ai cũng mừng vì giờ đây hàng hóa, nông sản vận chuyển đi tiết kiệm được chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo người dân địa phương, trước khi có cây cầu bê tông này, nơi đây đã trải qua gần chục xác cầu, từ cầu khỉ, cầu ván đến cầu tạm. Mỗi lần chở hàng hóa nặng qua cầu, người dân lại "tim đập chân run" vì sợ cầu sập. Giờ thì nỗi sợ đã hoàn toàn biến mất, cây cầu đã giúp đời sống của hơn 21.000 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nông nghiệp bước sang một trang mới.
Ông Lê Văn Hợp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trung, cũng đánh giá cầu Thanh Niên - Handong bằng bê tông vững chắc đã giúp người dân phát triển kinh tế, từ đó diện mạo ở địa phương dần "thay da đổi thịt".
"Cầu góp phần giúp xã hoàn thành tiêu chí về giao thông, được tỉnh Đồng Tháp công nhận là xã nông thôn mới vào đầu năm 2022. Mong rằng thời gian tới Báo Thanh Niên sẽ hỗ trợ xây thêm nhiều cây cầu kiên cố để người dân vùng sông nước miền Tây phát triển kinh tế", ông Hợp chia sẻ.
TĂNG CƯỜNG GÌN GIỮ CHỦ QUYỀN VÙNG BIÊN GIỚI
Quay lại thăm cây cầu 3 Tháng 2 bắc qua kênh Cái Bát ở xã Hưng Điền (H.Tân Hưng, Long An), xã nằm sát biên giới với Campuchia, một năm sau khánh thành, chúng tôi khá bất ngờ khi bà con nơi đây nhận ra và chào đón như người thân về thăm nhà.
Từ bài viết Hàng trăm hộ dân ngay biên giới "khát" một cây cầu để bớt… run, cho con cháu đi học trên Báo Thanh Niên vào tháng 8.2022, mỗi cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) đã ủng hộ hơn 1 ngày lương, mong biến ước mơ của bà con thành hiện thực.
Xúc động trước tinh thần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng biên giới của các chiến sĩ áo vàng, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Thanh Niên giao Liên chi hội Nhà báo cùng tìm kiếm nguồn tài trợ chung tay xây dựng cây cầu 3 Tháng 2. Với mục đích cầu mới phải đủ tiêu chuẩn cho xe tải lưu thông, giúp bà con vận chuyển hàng hóa, đi lại an toàn và vững chắc, ước tính cần đến khoảng 1,4 tỉ đồng cho cây cầu bê tông dài 40 m, ngang 4 m, tải trọng 5 tấn.
Sau khi gửi thư ngỏ, chúng tôi nhanh chóng nhận được sự đồng hành của Công ty Xử lý chất thải Việt Nam, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, Công ty CP Đầu tư xây dựng Viteccons, Công ty TNHH BASF Việt Nam, Tổng công ty cao su Đồng Nai và hoa hậu Thu Sương.
Đáp ứng mong mỏi của bà con, cây cầu được khởi công vào ngày 15.9.2022. Với sự góp sức của bà con địa phương, cầu 3 Tháng 2 khánh thành ngày 30.12.2022 - ngay trước thời điểm Báo Thanh Niên kỷ niệm 37 năm ngày phát hành số báo đầu tiên và Tết Nguyên đán Quý Mão.
Sau 1 năm đưa vào hoạt động, nhìn cây cầu 3 Tháng 2 nối đôi bờ vẫn y như mới, ông Huỳnh Văn Có (người dân xã Hưng Điền) phấn khởi nói trước đây, mỗi lần con gái ông tự đi học bằng xe đạp qua cây cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp hoặc phải đi đường vòng cách đó 4 km thì cả nhà đều "đứng ngồi không yên". Từ khi có cầu mới, chẳng những cả nhà ông an tâm chuyện con gái tự đến trường mà nông sản của ông cũng được thương lái đến tận nhà mua với giá tốt, không buộc ông phải chở bằng xuồng đến chợ xã để bán nữa.
Nếu như bà con trong xã rôm rả nói cười về tiện nghi của cây cầu mới, thì với gia đình ông Mai Thành Dũng còn là niềm hạnh phúc nhân đôi. Không chỉ có cầu giúp đi lại thuận tiện, gia đình ông cũng được tặng một căn nhà tình thương và có thể an tâm hơn trong những ngày thời tiết khắc nghiệt của vùng biên giới này.
"Có nhà mới, mọi người trong nhà tôi ai cũng mừng, chí thú làm ăn. Nhờ có cầu mới, nhà tôi cùng nhiều nhà hàng xóm an tâm di chuyển qua trung tâm xã Hưng Điền dự chương trình ca hát "điểm hẹn cuối tuần" vào mỗi chiều thứ bảy khiến cuộc sống tinh thần thêm phong phú", ông chia sẻ.
Theo ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, cầu 3 Tháng 2 với cọc bằng bê tông 620 Châu Thới đã biến ước mơ của người dân xã biên giới thành hiện thực. Cây cầu tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương, vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa nông sản sau thu hoạch, học sinh đến trường an toàn vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, cầu 3 Tháng 2 giúp địa phương từng bước hoàn thành mục tiêu xóa bỏ, thay thế cầu tạm; tạo điều kiện cho huyện xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa trung tâm hành chính huyện với tuyến đường tuần tra biên giới; tạo thế phòng thủ liên hoàn trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SỐNG
Từ hiệu ứng từ những cây cầu chất lượng, bảo đảm tiến độ thi công, góp phần thay đổi đời sống bà con, Báo Thanh Niên tiếp tục nhận được những lời đề nghị kết nối xây dựng cầu từ các đơn vị tài trợ để cải thiện hơn nữa đời sống của người dân ĐBSCL.
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, bà con miền Tây nhiều nơi luôn "khát" một cây cầu vững chãi để lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Liên chi hội Nhà báo Báo Thanh Niên đã khảo sát và nhanh chóng khởi công cầu 7 Oai tại xã Thạnh Phú Đông (H.Giồng Trôm, Bến Tre) vào ngày 26.4.2023.
Đây là xã có hơn 3.000 hộ với khoảng 12.000 dân, nhưng có đến 107 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo. 80% thu nhập của người dân từ nông nghiệp, trong đó cây dừa là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, cầu 7 Oai cũ xây dựng từ 20 năm trước không những không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân, mà còn xuống cấp, trụ cầu bong tróc, bể, lan can, dầm cầu hư hỏng. Do đó, chỉ cách nhau cây cầu mà giá dừa, bò, heo của bà con đều bị ép rẻ hơn. Thậm chí, vì phải đi đường vòng, nhỏ hẹp mà thời gian chuyển bệnh của xe cấp cứu từ xã lên bệnh viện tỉnh kéo dài, dễ lọt xuống rãnh mương.
Với tổng kinh phí dự án khoảng 1,3 tỉ đồng, cây cầu 7 Oai mới dài 40 m, ngang 5 m, tải trọng 5 tấn khánh thành đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh 2.9.2023 với sự tài trợ của các đơn vị: HDBank, Công ty CP Giao Hàng Tiết Kiệm, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, Kim Oanh Group, Phòng CSGT Công an TP.HCM, Ngân Tín Group, Hội Chữ thập đỏ Q.1 (TP.HCM), Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu…
Ngày niềm mơ ước thành hiện thực, bà con xứ dừa dậy từ sáng sớm rủ nhau cùng vào bếp đổ bánh xèo, nấu xôi chè, đan giỏ dừa tiếp đón những vị khách phương xa. Học sinh chạy qua chạy lại trên cây cầu mới cười rộn ràng khiến buổi lễ khánh thành vui như tết.
Nhìn từ flycam, cây cầu 7 Oai vững chắc, rộng nhất xã nổi bật giữa bạt ngàn màu xanh của dừa. Bà con nông dân mừng rơn, chưa thể tin niềm mong mỏi bấy lâu thành hiện thực nhanh đến vậy. Ông Lê Văn Chưa (ngụ xã Thạnh Phú Đông) hào hứng nói: "Nếu như trước kia bà con bị thương lái trả giá heo, dừa thấp hơn so với bên kia cầu vì họ phải đi đường vòng vào mua thì nay giá ở hai bên đã ngang nhau, mừng lắm".
Không chỉ tặng các cây cầu bê tông mới chắc chắn, mở ra sinh kế cho bà con, trong lễ khởi công và khánh thành cầu, Báo Thanh Niên đã vận động các đơn vị tài trợ hỗ trợ hàng trăm phần quà giúp cải thiện đời sống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và máy tính, xe đạp giúp học sinh tại địa phương. Trong đó, tại dự án cầu 3 Tháng 2, ban tổ chức đã trao tặng một căn nhà tình nghĩa, một căn nhà tình thương. Tại dự án cầu 7 Oai, các nhà tài trợ tặng 4 căn nhà tình thương.
Giúp bà con tăng thu nhập
Địa bàn xã có hệ thống sông ngòi chằng chịt, kết cấu hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Xã có nhiều cầu nông thôn bị xuống cấp, hư hỏng, gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, nhất là các em học sinh, trong đó có cây cầu liên ấp 1A - 1B - ấp 6 (cầu 7 Oai) bắc qua rạch Cái Mít.
Trong khó khăn đó, Báo Thanh Niên đã kết nối, vận động nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ kinh phí xây dựng, hiện cầu đã đưa vào sử dụng được 4 tháng. Cây cầu tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, từng bước khắc phục tình trạng chia cắt, tạo tính kết nối, động lực cho sự phát triển của người dân 3 ấp nói riêng và cho xã Thạnh Phú Đông nói chung, giúp hàng hóa của người dân bán ra không bị mất giá so với khu vực khác trên địa bàn xã, giúp bà con tăng thêm thu nhập.
Khi chưa xây dựng cây cầu này, người dân bán dừa giá thấp hơn khu vực khác từ 5.000 - 7.000 đồng/1 chục, mỗi tạ heo bán ra mất từ 20.000 - 50.000 đồng. Do đó, bà con rất vui mừng khi cây cầu hoàn thành, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo công bằng và bền vững hơn.
Có được cây cầu như ngày hôm nay, lãnh đạo và nhân dân xã Thạnh Phú Đông xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Báo Thanh Niên, trong thời gian 20 ngày đã kết nối, vận động nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí xây dựng. Từ đó, góp phần cho xã từng bước được hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, sớm xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Văn Chờ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông, H.Giồng Trôm, Bến Tre
Lợi ích cho cả cộng đồng
Báo Thanh Niên là đơn vị báo chí có uy tín và chất lượng hàng đầu. Thời gian qua, Báo Thanh Niên luôn đồng hành cùng Công an TP.HCM nói chung và Phòng CSGT nói riêng trong công tác tuyên truyền luật Giao thông đường bộ, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, văn hóa giao thông của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, Báo Thanh Niên cũng là đơn vị tổ chức rất nhiều hoạt động an sinh xã hội, đồng hành cùng người dân có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, Đoàn Phòng rất may mắn được đồng hành cùng báo trong các hoạt động, được sẻ chia những khó khăn của người dân khó khăn, đặc biệt các khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa.
Trong 2 năm qua, Đoàn Phòng đã phối hợp Báo Thanh Niên tổ chức xây dựng 2 cây cầu trên địa bàn Long An và Bến Tre. Khi trực tiếp đến các địa điểm mới, có thể nhìn thấy được niềm vui mừng, phấn khởi của người dân địa phương khi có thêm cây cầu mới - kết nối giao thương, kết nối tình làng nghĩa xóm, chúng tôi càng cảm nhận rõ giá trị mà các cây cầu đã mang đến cho bà con. Những giá trị về lợi ích kinh tế, lợi ích giao thông không chỉ giúp ích cho một cá nhân, mà mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, đời sống người dân được cải thiện, làng xã thay đổi diện mạo phát triển một cách nhanh chóng.
Đây là một trong những chương trình rất ý nghĩa mà Đoàn Phòng được tham gia đồng hành, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, thể hiện vai trò, trách nhiệm của cán bộ CSGT trẻ với cộng đồng, xã hội, thể hiện người CSGT bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Vì vậy Đoàn Phòng rất mong muốn sẽ được đồng hành cùng Báo Thanh Niên thời gian tới trong công tác an sinh xã hội, giúp người dân khó khăn mang lại các giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Đại úy Nguyễn Minh Tiến, Bí thư đoàn Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM)
Đồng hành cùng Thanh Niên xây dựng tương lai xanh
Với đội ngũ chuyên gia và kỹ sư hàng đầu, chúng tôi không chỉ xây dựng những công trình chất lượng cao mà còn tận tâm đồng hành cùng cộng đồng. Báo Thanh Niên là một tờ báo uy tín, là người bạn đồng hành tuyệt vời, luôn nắm bắt đúng tâm huyết và sứ mệnh của chúng tôi: "Build a better life" (Tạm dịch: Xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn).
Cầu Thanh Niên - Handong là một công trình xây dựng và là câu chuyện về sự liên kết tinh thần và những ảnh hưởng tích cực. Chúng tôi đánh giá hiệu quả không chỉ qua khía cạnh kỹ thuật, mà còn qua những câu chuyện đằng sau, những bước chân an toàn của học sinh và sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng Bình Thạnh Trung. Điều này là nguồn động viên lớn để chúng tôi tiếp tục đồng hành trong những dự án tiếp theo.
Báo Thanh Niên là nhịp cầu nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng, và còn như ngôi nhà tình nguyện, nơi mọi ý chí tích cực đều được tập trung và trở thành một sức mạnh lớn. Chúng tôi đã đồng hành cùng Báo Thanh Niên trong hơn 3 năm qua trong những dự án cộng đồng. Chúng tôi mong muốn lan tỏa hình ảnh "Green contractor - nhà thầu xanh" và đồng hành cùng Báo Thanh Niên xây dựng những giấc mơ và tương lai xanh cho cộng đồng.
Ông Park Jin-ho, Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ thuật & Xây dựng Handong
Quá nhanh, quá tuyệt vời !
Khi chưa có cầu mới, chúng tôi mua vật tư giá mắc, bán dừa, heo ra thị trường thì giá rẻ hơn vì thương lái phải đi đường vòng mới vào được đến địa phương; nhưng mọi chuyện đã khác từ ngày cây cầu mới khánh thành. Cầu 7 Oai làm quá nhanh, đèn trên cầu sáng trưng vào buổi tối, trở thành điểm vui chơi của cả vùng quê.
Bây giờ, dừa, heo đều được giá hơn, học sinh đi lại an toàn, các xe lên cầu không còn phải nơm nớp lo sợ hay lo né nhau. Cây cầu như thắp sáng cả vùng quê, bà con ai cũng vui mừng. Tết Trung thu vừa rồi, cả xã rộn ràng ở ngay cầu, tới Tết Nguyên đán sắp tới chắc còn vui nữa. Xin cảm ơn Báo Thanh Niên và các nhà tài trợ đã về xây cầu quá nhanh, quá tuyệt vời!
Bà Phạm Thị Chận, người dân xã Thạnh Phú Đông, H.Giồng Trôm, Bến Tre
Bình luận (0)