Những chàng trai “biến sỏi đá thành cơm”

14/05/2009 20:22 GMT+7

Quyết tâm “biến sỏi đá thành cơm" trên mảnh đất quê hương, hai chàng trai tuổi còn khá trẻ là Lê Hồng Thủy và Nguyễn Văn Đạt đang làm giàu cho mình và tạo rất nhiều việc làm cho các bạn thanh niên cùng trang lứa.

Hai chàng trai đến từ hai vùng đất khác nhau của Tổ quốc. Tuy nhiên, ở họ có một điểm chung: họ đều là những thanh niên nông thôn rất giỏi làm kinh tế; tham gia hoạt động cộng đồng tích cực, giúp đỡ được nhiều bạn trẻ có công ăn việc làm ổn định và từng bước đi lên làm giàu. Với họ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ được thể hiện rất thiết thực, từng lời dạy của Người về công việc của thanh niên, về ý chí vượt lên gian khó, lao động chăm chỉ, cần kiệm được họ vận dụng ngay vào những việc làm hằng ngày.

Khai hoang khe núi để dạy võ

Chàng trai người dân tộc Tày Lê Hồng Thủy quê ở Bắc Kạn. Ngay từ bé, những thước phim tư liệu về hình ảnh Bác Hồ tập võ mà Thủy được xem đã làm chàng trai này rất say mê với võ thuật. Học hết lớp 12, Lê Hồng Thủy lén bố mẹ đi bộ sang Trung Quốc để “tầm sư học đạo” cơ bản về võ, sau đó về kết hợp với những miếng võ cổ truyền dân tộc sáng chế ra môn phái Hồ Việt Quyền. Theo Thủy, đây là môn phái có tác dụng rèn luyện sức khỏe, tăng độ dẻo dai của con người.

 
Nguyễn Văn Đạt

Với lòng say mê hiếm có, sự truyền đạt tận tâm, sau nhiều năm Thủy đã tạo nên phong trào học võ sôi nổi khắp tỉnh Bắc Kạn. Đến nay, Thủy đã giảng dạy cho 200 cụ tập dưỡng sinh, hơn 100 em tập aerobic, 30 em tập võ thuật và 20 em tập múa lân. Đặc biệt đội võ thuật do Thủy dẫn dắt đã giành 3 huy chương bạc, 6 huy chương đồng tại các giải thi đấu quốc gia. Ngoài ra, để có điều kiện dạy miễn phí môn võ, Thủy cùng nhiều học trò của mình đã mang sức trẻ đi khai hoang một khe núi tại quê hương xã Hà Hiệu của mình thành trang trại cây ăn quả và cây rừng. Năm 2007, được sự giúp đỡ của huyện Ba Bể và Tỉnh Đoàn Bắc Kạn, Thủy được vay 100 triệu đồng để lập nghiệp. Hiện tại, quy mô trang trại ngày càng được mở rộng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 người với thu nhập bình quân 600.000 đồng/tháng.

Nuôi ếch để phát triển trang trại

Nguyễn Văn Đạt từng làm rất nhiều việc ở khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam, nhưng rốt cuộc Đạt đã trở về quê hương tại xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đạt cho biết, muốn khởi nghiệp tại quê hương không khó, nhưng vấn đề là phải có kiến thức về nông nghiệp, phải biết chọn con vật, cây trồng phù hợp với mảnh đất của mình. Quê Đạt ở là vùng chiêm trũng, thường hay bị úng lụt, trồng cây rất khó khăn, do đó cậu đã lựa chọn nuôi ếch để phát triển trang trại của mình. “Trước đó tôi cũng đã nuôi thử lươn, giun quế theo sự hướng dẫn của một người bạn làm ở ĐH Nông nghiệp Hà Nội, nhưng không thành công. Mấy lần thử nghiệm, tôi nhận thấy rằng giống ếch Thái Lan rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Phương châm của tôi là lấy ngắn, nuôi dài, phát triển từng bước”.

Không làm một mình, qua các buổi sinh hoạt Đoàn tại chi Đoàn thôn, xã, Đạt đã mạnh dạn nêu ý kiến, kêu gọi các đoàn viên trong thôn cùng góp sức phát triển nghề nuôi ếch. Năm 2007, thông qua tổ chức Đoàn ở địa phương, Đạt đã được Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện cho vay 11 triệu đồng. Kết hợp với hai thanh niên cùng thôn có diện tích mặt ao lớn, Đạt đã mở rộng quy mô nuôi ếch của mình.

Qua việc phát động phong trào học tập và làm việc theo tấm gương Bác Hồ, Đạt tâm đắc nhất là lời dạy về đoàn kết là sức mạnh của Người. Chính sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với những thanh niên trong thôn, xã mà phong trào phát triển kinh tế tại quê hương của Đạt rất phát triển. Không chỉ đến những buổi sinh hoạt định kỳ Đạt mới gặp gỡ các đoàn viên thanh niên mà ngay hằng ngày, nếu có việc gì khó, cần giúp đỡ về giống, kỹ thuật, Đạt cũng không ngại khó khăn tìm cách giúp đỡ mọi người.

Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.