Những chí sĩ tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Hoàng thân Ưng Úy tham gia kháng chiến

10/09/2015 06:18 GMT+7

Hoàng thân Ưng Úy ra chiến khu tham gia kháng chiến là hình ảnh cao đẹp của đường lối đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trung tâm.

Hoàng thân Ưng Úy ra chiến khu tham gia kháng chiến là hình ảnh cao đẹp của đường lối đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trung tâm.

Thượng thư Ưng Úy - Ảnh: Hồ Đắc Duy
Thượng thư Ưng Úy - Ảnh: Hồ Đắc Duy
Thông điệp từ Việt Bắc
Tháng chạp năm 1948, sắp sang Tết Kỷ Sửu (1949), Chính phủ kháng chiến dời lên “thủ đô gió ngàn” được 2 năm. Cuộc tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp bị đẩy lùi. Không thực hiện được âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”, thực dân Pháp chuyển sang chiêu bài “dùng người Việt trị người Việt” và đưa Vĩnh Thụy về lập Quốc trưởng Bảo Đại. Từ Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cụ Ưng Úy (thân sinh nhà bác học Bửu Hội và là chú ruột Quốc trưởng Bảo Đại) lúc đó đang ở Huế.
Bí thư Thị ủy Huế lúc đó là Vũ Xuân Chiêm (sau này là trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã cử ông Ưng Trí, ủy viên hành chính kháng chiến (là cháu hoàng thân) mang thư của Chủ tịch đến tận tư dinh cụ Ưng Úy. Cụ xúc động, khẽ khàng bóc, rồi nâng lá thư tận mắt:
Kính gửi cụ Ưng Úy tại Huế,
Trước hết, tôi xin gửi lời thăm sức khỏe của cụ và quý quyến, xin chúc cụ được nhiều sức khỏe. Sau đây, xin mời cụ tham gia kháng chiến để chúng ta tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các vị tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân là đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc”.
Hoàng thân Ưng Úy ngồi lặng một lúc, trầm giọng như nói với riêng mình: “Cụ Hồ thiệt nhơn đức. Ổng đã cứu thằng cháu ta thoát khỏi đoạn đầu đài, còn cho ngôi Cố vấn tối cao. Vậy mà... chừ nó lại ký cái hiệp ước Élysée (là một văn kiện được ký kết ngày 8.3.1949 giữa Quốc trưởng quốc gia Việt Nam Bảo Đại và Tổng thống Pháp, theo đó công nhận quốc gia Việt Nam là một nước độc lập nằm trong Liên hiệp Pháp), nhận mần vai quốc trưởng ô nhục như rứa...”.
Cụ thở dài rồi bảo người cháu họ: “Từ lâu tui ưng ra với mặt trận mà chưa đặng. Lúc ni thuận dịp xin cho tui ra để trực tiếp đứng trong hàng ngũ, noi theo gương Cụ Hồ chống ngoại xâm”.
Hiến kế đón chí sĩ
Nghe Ưng Trí thuật lại, Vũ Xuân Chiêm vội báo cáo lên Khu ủy. Cấp trên chỉ đạo cần tổ chức đón tiếp hoàng thân long trọng. Vũ Xuân Chiêm liền họp bàn để triển khai thực hiện chủ trương đưa cụ Ưng Úy và cụ bà ra chiến khu an toàn. Nghe trình bày xong phương án hành động rất chu đáo của Bảy Khiêm, Trưởng ban Công an Huế và Phan Đằng, cán bộ an ninh tỉnh, Vũ Xuân Chiêm nhất trí nhưng còn băn khoăn: “Cụ Ưng Úy quá già, đi thế sao bảo đảm?”.
“Dùng võng đưa cụ ra chứ sao”, Bảy Khiêm nói rồi lại đắn đo vì mật thám đang đeo bám gắt gao.
“Lo nhất là chuyện đó. Tất nhiên phải võng cáng, nhưng cồng kềnh thế sao khỏi lộ”, Xuân Chiêm nói.
Bảy Khiêm hiến kế: “Phải cải trang thành bệnh nhân cấp cứu, mà cũng phải đợi qua ba ngày tết chúng nó xả hơi sau một đợt đeo bám căng thẳng”.
“Tôi sẽ trực tiếp bàn với anh em cơ sở bảo đảm các trục di chuyển. Ta võng hai cụ đi men cánh đồng thôn Hồ Lâu về Cống Lương đến Thanh Thủy Chánh nghỉ lại. Chiều tối hôm sau vượt quốc lộ 1 băng rừng lên Chiến khu Dương Hòa”, Phan Đằng vừa mở tấm sơ đồ vừa nói.
Người hoàng tộc lên chiến khu
Qua mùng hai tết, Bảy Khiêm dẫn một đội công an xung phong bố trí yểm trợ trong vườn nhà hoàng thân, bên ngoài tổ chức lực lượng bảo vệ suốt dọc đường đã định. Nhá nhem tối, Bảy Khiêm gặp hoàng thân, cụ cũng đã dặn người nhà từ trước nên chuẩn bị đi cực êm gọn. Đội công tác đã dùng võng cáng cải trang cụ ông, cụ bà Ưng Úy thành bệnh nhân cấp cứu vừa bảo đảm sức khỏe cho tuổi già của cụ vừa tránh được mật thám đang đeo bám gắt gao.
Đường lên chiến khu, bà con cơ sở các nơi niềm nở đón tiếp. Tới đâu cũng sẵn sàng trà thuốc, nước nóng, giường chiếu tinh tươm để hai cụ dùng. Kể cả đồ ăn của hai cụ là những món chay quen dùng ở Phú Vang.
Lên tới Chiến khu Dương Hòa, hoàng thân Ưng Úy đã ra tuyên bố: “Tôi vốn là cựu quan chức Nam triều và là người trong hoàng gia - nay thực dân Pháp thực hiện mưu mô lấy người Việt trị người Việt, tôi phẫn uất quá nên phải lìa nhà lên chiến khu, nguyện theo Chính phủ để giúp một đôi phần hiểu biết vào công cuộc kháng chiến cho đỡ một phần uất trong lúc tuổi già”.
Sau một thời gian ở Chiến khu Dương Hòa, trung ương bố trí đón hoàng thân ra vùng tự do Liên khu 4. Cuộc đưa đón thành công mỹ mãn, nhất là tình người vùng du kích đầm ấm, khiến hoàng thân Ưng Úy càng vững niềm tin chọn con đường với kháng chiến. Báo Cứu Quốc ra ngày 12.11.1949 đăng tin trên trang nhất: “Cụ Ưng Úy làm Trưởng ban Vận động tòng quân tại Liên khu 4”.
Lúc này, xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh có đầy đủ đại diện các giới Nho học và Tây học: Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội; Khâm sai đại thần Phan Kế Toại - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; linh mục Phạm Bá Trực - Phó trưởng ban thường trực Quốc hội; luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Kinh tế; GS Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng...
Hoàng thân Ưng Úy (1889 - 1970) từng là Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa, Thượng thư Bộ Công và nghi lễ triều vua Bảo Đại. Cụ là thân sinh nhà bác học Bửu Hội (1915 - 1972), tiến sĩ hóa học hữu cơ, Giám đốc Phòng Thí nghiệm bách khoa - Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.